Chồng chéo dự án, vẫn ùn tắc

Đoàn Xá 06/11/2019 07:00

Mặc dù rất cấp thiết nhưng thực tế ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nhiều dự án hạ tầng bị rơi vào cảnh chồng chéo, bất cập. Dù được triển khai khá nhiều nhưng có rất ít dự án sớm hoàn thành, đưa vào khai thác. Thậm chí nhiều khu vực có tới gần chục dự án đặt ra, thế nhưng rất lâu vẫn chưa có công trình hạ tầng mới được đưa vào sử dụng.

Chồng chéo dự án, vẫn ùn tắc

Đoạn đường cầu Kênh Tẻ nối quận 4 và quận 7 luôn ùn tắc.

Lấy ví dụ như ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), vài tuyến đường quanh sân bay này có tới hàng chục dự án khác nhau. Điều đáng nói, thực tế là giao thông ở khu vực này vẫn thường xuyên ùn tắc vì các dự án trên chưa có nhiều tín hiệu chuyện động tích cực. Chỉ trong vòng 5 năm gần đây, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đã được quy hoạch, triển khai hàng loạt dự án. Hầu hết trong số các dự án này đều có số vốn từ vài trăm cho tới vài ngàn tỷ đồng. Đây là tín hiệu tích cực trước tình trạng ùn tắc, quá tải cả trong lẫn ngoài sân bay đều đã ở mức báo động. Thế nhưng, hầu hết các dự án trên lại chưa được hoàn thành, thậm chí chưa được khởi công sau khi hoàn thành quy hoạch và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có thể kể đến như dự án đường nối từ đường Trần Quốc Hoàn tới đường Cộng Hoà (dài 4,4km). Dự án này có tổng số vốn gần 5.000 tỷ đồng được quy hoạch từ năm 2016 đến nay vẫn chưa thể khởi công.

Tương tự, các dự án khác cũng thuộc nhóm dự án giải quyết ùn tắc cho sân bay gồm mở rộng nút Lăng Cha Cả, mở rộng đường Hoàng Minh Giám, mở rộng đường Trường Chinh, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám hay xây cầu vượt tại các nút đường Trường Sơn - Hồng Hà, nút đường Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn cũng như dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý đoạn giao cắt đường Cộng Hoà. Ngoài ra, trong sân bay là dự án mở rộng nhà ga T3, nâng công suất sân bay.

Điểm chung của các dự án trên là chưa khởi công nhưng đều được lên kế hoạch từ vài năm cho tới cả hơn chục năm qua. Ngoài ra, khu vực sân bay còn “chịu” thêm một số dự án khác như dự án xây dựng tuyến nhánh metro số 4b-1 từ công viên Hoàng Văn Thụ tới sân bay Tân Sơn Nhất. Trước đó, tuyến metro số 5 nối từ cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh) đi Long An có quy hoạch đi qua khu vực công viên này. Ngoài ra, dự án xe điện nhẹ (monorail) cũng được quy hoạch đi qua khu vực này.

Không chỉ có ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, tình trạng các dự án được “đặt tên” rầm rộ và chồng chéo nhau còn xuất hiện ở nhiều khu vực khác. Tuyến đường Trường Chinh đoạn qua quận Tân Bình, quận Tân Phú chỉ kéo dài vài km nhưng cũng có hàng loạt dự án. Ngoài 3 dự án cải tạo, mở rộng ở các nút giao thì dự án xây dựng tuyến metro số Tham Lương - Bến Thành cũng đi qua đây và được dự kiến xây nhà ga đón trả khách ngầm tại khu vực này.

Bên cạnh đó, có tình trạng các dự án vừa hoàn thành nhưng lại tiếp tục phải thực hiện dự án khác vì chưa thể giải quyết được nhu cầu thực tế đi lại của người dân. Như dự án cải tạo cầu Kênh Tẻ nối quận 4 và quận 7, cầu chữ Y quận 8 tốn hàng trăm tỷ đồng, vừa mới hoàn thành lại tiếp tục phải đề xuất xây thêm cầu mới do không giải quyết được tình trạng ùn tắc, kẹt xe.

Thống kê sơ bộ, giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, TPHCM cần khoảng 923.000 tỷ đồng cho 85 dự án hạ tầng giao thông. Trong khi đó, cũng giai đoạn 2016-2020 với 6 dự án và tổng chiều dài hơn 700km nhưng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam chỉ tiêu tốn khoảng 130.000 tỷ đồng.

Không khó để nhận thấy có rất nhiều hệ luỵ về tình trạng các dự án hạ tầng được triển khai chồng chéo, chậm chạp như hiện nay. Đầu tiên là tình trạng rối rắm và thiếu nhất quán, tính toán trong quy hoạch, thực hiện. Nhiều dự án lại không có cùng cơ quan quản lý nên việc thực hiện không đồng bộ. Người dân ở TPHCM không lạ lùng khi chứng kiến nhiều khu vực các lô cốt thi công dự án kéo dài hàng chục năm hoặc dự án này vừa hoàn thành thì dự án khác lại chặn lô cốt để thi công tiếp. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hạ tầng giao thông ở TPHCM cho rằng, hiện nay việc quy hoạch và thực hiện các dự án hạ tầng ở thành phố chưa đồng bộ và còn rất manh mún.

Ngoài ra, cơ quan quản lý lại chỉ chạy theo số lượng các dự án nên nhiều dự án được quy hoạch, phê chuẩn nhưng việc thực hiện lại không sát sao, không thể triển khai một cách nhanh chóng. Thực tế hầu hết các dự án hạ tầng ở khu vực TPHCM đều chậm tiến độ, vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau như giải phóng mặt bằng, nguồn vốn eo hẹp, thủ tục kéo dài. Nhưng ngược lại, một số dự án được cấp phép thu phí BOT hay dự án hạ tầng do tư nhân thực hiện thường hoàn thành rất nhanh chóng, thậm chí vượt tiến độ.

Sớm có thêm các công trình hạ tầng giao thông đưa vào sử dụng là nhu cầu và mong mỏi của người dân. Tuy nhiên, không ít dự án chỉ “nằm trên giấy”, chồng chéo chậm được triển khai đồng bộ khiến tình trạng giao thông ngày càng phức tạp không được cải thiện. Vì vậy, thay vì chạy theo số lượng các dự án, rất cần các dự án quan trọng, có điểm nhấn được ưu tiên đẩy nhanh tiến độ để sớm có công trình đưa vào sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chồng chéo dự án, vẫn ùn tắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO