Cụ Mơ mơ được thoát nghèo

Miên Thảo 28/09/2019 08:00

Gần đây, việc cụ bà Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi ở xã Lương Sơn, Thường Xuân, Thanh Hóa đạp xe lên UBND xã xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, với lý do mình đã không còn nghèo đã nhận được rất nhiều bình luận. Ai cũng tấm tắc khen. Hình ảnh cụ bà tóc bạc phơ thật giống hình ảnh mẹ già của chúng ta, bà của chúng ta - những người ta hằng yêu kính.

Càng xúc động hơn khi biết cụ Mơ hiện sống một mình trong căn nhà cấp 4 rộng chừng 20m2, không có khoản tiền tích lũy nào. Như cụ nói, mỗi ngày chỉ cần 5 ngàn tiền ăn là đủ.

Cụ Mơ mơ được thoát nghèo

Cụ Đỗ Thị Mơ, người kiên trì 2 năm xin trả lại sổ hộ nghèo.

Được biết, cách đây gần 2 năm, cụ Đỗ Thị Mơ đã quyết định xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Nhưng mặc dù cụ đã đề nghị chính quyền xã giải quyết cho cụ ra khỏi danh sách hộ nghèo, nhưng không thấy ai trả lời. Do đó, cụ quyết định đạp xe lên xã để xin ra khỏi danh sách nghèo. Cụ muốn thoát nghèo, không muốn dựa dẫm vào cái danh “nghèo” để nhận trợ cấp. Thật xúc động khi biết cụ không giàu có gì nhưng đã giúp nhiều người có hoàn cảnh khó khăn khác trong xã. Cụ nói, mong muốn thoát khỏi diện hộ nghèo để làm gương cho một số trường hợp chưa xứng đáng được hưởng chế độ hộ nghèo, noi theo.

Tới nay, hàng ngày, cụ Mơ vẫn tự nuôi gà, chăm sóc vườn tược và bán rau ở ngoài chợ để kiếm tiền chi tiêu, sinh hoạt.

Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước có rất nhiều chính sách đối với những hộ nghèo, người nghèo, địa phương nghèo. Đó chính là sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đã dày công xây dựng. Sáng 4/9, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đã nhắn tin ủng hộ người nghèo qua cổng nhắn tin Vì người nghèo 1408 và phát động nhân rộng phong trào này trong cả nước.

Mới đây, ngày 20/9, phát biểu tại Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ hai với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và Hành động”, Thủ tướng đã chia sẻ về “một Việt Nam không ngừng mơ ước”, trong đó mơ ước sâu xa của chúng ta là ai cũng có bữa cơm no, có áo mặc ấm, con em được đến trường học hành tử tế, một cuộc sống không còn đói rét và vất vả- như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn. Kể từ năm 1986 khi công cuộc Đổi mới đất nước bắt đầu, thì cũng là năm công cuộc xóa đói, giảm nghèo được triển khai rộng khắp. Vào thời điểm năm 1992, tỉ lệ đói nghèo ở mức rất cao là 53% (tính theo mức 1,9 USD/ngày). Cho tới năm 2018, tỉ lệ hộ nghèo, người nghèo giảm 10 lần, còn 5,23% theo chuẩn nghèo đa chiều. Đồng thời tầng lớp trung lưu cũng tăng lên hơn 15% dân số và đang tăng nhanh. Xét về quy mô dân số, có thể nói đây là một trong những cuộc vượt đói nghèo vĩ đại trong lịch sử.

Xóa đói, giảm nghèo, không để ai tụt lại phía sau, không để ai bị “lỡ con tàu phát triển”, đó vừa là mong ước vừa là mục tiêu phấn đấu của đất nước. Nhưng, câu chuyện tự lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo vẫn còn nhiều việc đáng bàn. Đó đây, người ta vẫn thấy có nơi đã thoát nghèo rồi lại tái nghèo, lại có nơi còn “xin” vào lại danh sách nghèo- chỉ nhằm được hưởng những ưu đãi về chế độ chính sách. Đó chính là sự ỷ lại. Mà phàm là bất cứ ỷ lại thứ gì thì cũng đều không thể “lớn” được, cũng đều đáng chê. Người ta hay tranh luận với nhau chuyện giúp người nghèo “con cá hay cần câu” cũng không nằm ngoài việc mong muốn người được nhận sự giúp đỡ phải tự lực vươn lên, không trông chờ ỷ lại.

Ở đời, không ít người sức vóc khỏe mạnh, tuổi vẫn còn ít nhưng lười, ỷ lại, trông chờ sự giúp đỡ của người khác. Họ nghĩ gì khi nhìn vào sự đàng hoàng và hành động rõ ràng của cụ Đỗ Thị Mơ, một bà cụ sống một mình trong căn nhà hẹp? Một bà cụ 83 tuổi chắc chắn sức vóc đã vơi cạn mà quyết không chịu nhờ vả vào sự ưu đãi, không muốn làm phiền ai quả là một người đàng hoàng.

Nhân đây, cũng bàn một chút về việc lãnh đạo xã Lương Sơn (nơi bà cụ Mơ sống). Từ khi bà cụ đạp xe lên xã đề nghị được thoát nghèo, xã tiến hành rà soát lại các điều kiện. Theo lãnh đạo xã, nếu thu nhập của cụ Mơ đáp ứng được tiêu chuẩn để thoát nghèo, địa phương sẽ đưa cụ vào danh sách thoát nghèo. Còn nếu cụ Mơ chưa đủ tiêu chuẩn, thì cụ vẫn là hộ nghèo, vì đó là quy định. Đó là cách làm việc rất giấy tờ của xã, muốn “thoát nghèo” cũng không phải dễ, phải chờ soát xét, phải được duyệt mới xong. Ô hay, cụ có xin tiền, xin chế độ cho mình đâu, mà cụ trả lại đấy chứ. Cụ thấy mình tự lo được cho mình, không muốn lợi dụng chế độ chính sách, và cụ muốn làm gương để người khác không ỷ lại. Thế thì điều đó tốt quá, đáng quý quá chứ. Chí ít, cụ Mơ cũng phải nhận được một tấm giấy khen của xã, trong thời gian đợi… xét cho bà cụ thoát nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cụ Mơ mơ được thoát nghèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO