Dẹp nạn bảo kê

Kiên Long 13/07/2019 08:30

Dư luận đang theo dõi xét xử vụ “bảo kê” chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội). Dư âm nạn bảo kê với những vụ án nổi đình đám một thời từ mấy chục năm trước và những gì mới xuất hiện gần đây làm người dân lo lắng.

Làm sao dẹp hẳn nạn bảo kê? Làm sao sẽ không còn những vụ như Hưng “kính” sau những Phúc “bồ”, Khánh “trắng”, Năm Cam… một thời? Làm sao để người dân thực sự an tâm, yên ổn làm ăn, vui sống?

Vào những năm 90 thế kỷ trước, các tiểu thương, bà con buôn bán ở các chợ Hà Nội như Đồng Xuân, Phùng Hưng đã từng kinh hồn, bạt vía với băng nhóm Phúc “bồ”, Khánh “trắng”. Khánh “trắng” với danh nghĩa ông đội trưởng bốc xếp, vận chuyển hàng hoá cho những người buôn bán, thực chất là trùm của băng nhóm xã hội đen, lộng hành. Từ độc quyền vận chuyển bốc xếp, đến thu tiền bến bãi, ép giá, bắt phạt và thu tiền trái phép đối với người kinh doanh buôn bán, người địa phương khác đến mua hàng. Lộng hành hơn, chúng cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, xâm phạm chỗ ở, bắt giữ người trái pháp luật. Theo đó là những vụ thanh toán, ân oán giang hồ… Đứng đằng sau với vai trò chủ mưu, Phúc “bồ” lập các tổ bốc xếp ở từng khu vực, đưa lưu manh làm tổ trưởng, đề ra mức tiền phải nộp cho từng người, từng tổ, từng nhóm. Chính các “đội viên” này phải hoàn thành chỉ tiêu, nếu không sẽ bị đánh, bị đuổi… và cuối cùng, người dân lành phải gánh chịu tất cả hậu quả.

Còn bây giờ với vụ án Hưng “kính”, cũng lại danh nghĩa tổ bốc dỡ ở chợ Long Biên. Lẽ ra Hưng và các nhân viên khác phải thực hiện hợp đồng bốc dỡ với các tiểu thương, không có quyền đuổi xe, sắp xếp xe trong chợ, không có quyền chi tiêu số tiền bốc dỡ… Nhưng Hưng đã chỉ đạo đàn em gây khó khăn, chèn ép, thậm chí đe doạ các tiểu thương… tăng giá bốc dỡ và dù không bốc dỡ vẫn thu tiền. Tiền thu được nộp phần cho Ban Quản lý chợ, còn lại chia nhau. Tất cả đều là những hành vi vi phạm pháp luật.

Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị pháp luật trừng trị. Khánh “trắng” đã phải lĩnh án tử hình. Phúc “bồ” đã nhiều năm trong nhà giam. Còn với hành vi của Hưng “kính”, đang được Cơ quan tố tụng xem xét. Và tất cả những hành vi nhũng nhiễu, đe dọa dân lành nói chung, các tiểu thương nói riêng sớm muộn cũng sẽ phải bị trừng trị. Có điều, người dân vẫn băn khoăn: đằng sau của những Phúc “bồ” ngày xưa, Hưng “kính” ngày nay, liệu còn có những thế lực nào, những ai đã che chắn, đứng ra bảo đảm, đúng với cái ý nghĩa “bảo kê”?

Bởi dù ở bất cứ đâu, từ mỗi bến xe, khu chợ đều có đủ các hệ thống chính quyền, đoàn thể, nhất là cấp cơ sở trực tiếp quản lý, điều hành.Với mỗi khu chợ đều có các ban quản lý. Mỗi khu vực đều có lực lượng an ninh, công an, dân phòng…Lẽ nào những hành vi vi phạm pháp luật như trên đều không bị phát hiện, tố giác và xử lý? Trách nhiệm thuộc về ai? Hoặc những người có trách nhiệm đã không làm hết, không làm tròn trách nhiệm của mình, hoặc đã làm ngơ, hay che chắn, chưa nói đến cái nghĩa “bảo kê”.

Cũng có một thực tế hiện nay, ở nhiều địa phương, nhiều người kinh doanh từng than phiền về những bất hợp lý, thiếu công bằng. Cùng trên một mặt phố, mặt đường, cùng kinh doanh một mặt hàng, cùng lấn ra đường với diện tích như nhau, nhà này bị phạt, liên tục bị phạt nhưng nhà kia thì không. Cùng hai cơ sở kinh doanh, nhưng bên thì ưu ái, bên thì bị o ép. Người ta xì xào với nhau rằng bên này có ô bé, bên kia có dù to. Nhiều hộ kinh doanh thì thì thầm, rằng mỗi tháng phải dành riêng ra một khoản để cho “các anh, các chị ấy”. Nếu không có, ngay lập tức các anh chị ấy đến “hỏi thăm”. Không rõ “các anh, các chị ấy” là ai? Họ là những người có tính chất giống như đồng đảng của Phúc “bồ”, Hưng “kính”, hay là những cán bộ thoái hoá, biến chất, ngoài khoác áo cán bộ, trong thì lòng dạ chẳng khác chi đám tay chân của Phúc “bồ”?

Và như vậy, để có được xã hội an lành thực sự, để không tiếp tục xảy ra những vụ như Hưng “kính”, không chỉ pháp luật phải xử lý công bằng, nghiêm minh, mà yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm, những người có trách nhiệm phải thực sự nhìn lại mình, phải làm hết trách nhiệm của mình. Mỗi người dân cần cũng cần có ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ pháp luật bằng việc phát hiện, tố giác đồng thời tuân thủ, thực hiện đúng pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, tham nhũng đều bị phát hiện, xử lý. Khi người dân phát huy quyền làm chủ của mình, khi các cán bộ chính quyền, nhất là các lực lượng an ninh như công an thực sự vào cuộc, làm hết trách nhiệm thì nạn bảo kê sẽ không còn đất sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dẹp nạn bảo kê

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO