Gánh nặng từ ý thức

Lê Anh Đức 14/09/2016 09:00

Xưa nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng những bệnh lây nhiễm mới là gánh nặng bệnh tật của xã hội, số lượng tử vong cao, do tính chất lây lan rộng, thậm chí thành đại dịch trong cộng đồng. Song, theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện những căn bệnh không lây nhiễm do lối sống, do môi trường mới là tác nhân đang âm thầm cướp đi hàng triệu sinh mạng mỗi năm và là gánh nặng bệnh tật của xã hội.

Các bệnh không lây nhiễm gây tàn phế nặng nề, suy giảm chất lượng cuộc sống
của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Con số thống kê mới đây của Bộ Y tế không khỏi khiến nhiều người giật mình, đó là tỷ lệ tử vong trên toàn quốc đối với bệnh không lây nhiễm lên tới 73%, tỷ lệ gánh nặng bệnh tật của cả nước cũng chính là bệnh không lây nhiễm, chiếm tới 66%.

Nhiều chuyên gia y tế thế giới khi tham dự các cuộc hội thảo về bệnh không lây nhiễm đã khẳng định, chính từ ý thức chủ quan của cộng đồng nên nhiều người đã không thực sự lưu tâm tới cách phòng tránh, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm. Đó là lý do khiến Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm.

Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm tăng nhanh từ 42,6% trong năm 1976 lên tới 71,6% trong năm 2010. Từ những năm 2012, WHO đã cảnh báo gánh nặng của bệnh không lây nhiễm sẽ chiếm tới 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong do tất cả các nguyên nhân tại Việt Nam.

WHO khẳng định, mặc dù rất nguy hiểm nhưng bệnh không lây nhiễm có thể dự phòng hiệu quả thông qua kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như: Hút thuốc, lạm dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý và ít vận động. Liên quan đến vấn đề này, đã có không ít hội nghị, hội thảo từ cấp cục, đến cấp bộ, hoặc do các nhà khoa học, chuyên gia y tế cả trong và ngoài nước tổ chức, tập trung thảo luận các giải pháp để kiểm soát yếu tố nguy cơ và dự phòng bệnh không lây nhiễm.

Cũng đã có nhiều kinh nghiệm, mô hình của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới được các đại biểu chia sẻ, song có vẻ như để đẩy lùi, hay chí ít là kiểm soát được gánh nặng của bệnh không lây nhiễm là điều không hề đơn giản.

Ngay như một số quốc gia phát triển như: Mỹ, Nhật, Úc... đã áp dụng những biện pháp mạnh để tạo môi trường hỗ trợ, thúc đẩy lối sống lành mạnh, kiểm soát các yếu tố nguy cơ nhằm chủ động dự phòng hiệu quả các bệnh không lây nhiễm, song kết quả cũng chưa thực sự đạt được như mong muốn. Riêng đối với Việt Nam, để kiểm soát tiến tới giảm thiểu gánh nặng của bệnh không lây nhiễm, nhiều ý kiến của các chuyên gia hàng đầu về y tế đề xuất tăng cường các hoạt động của hệ thống y tế dự phòng trong việc phòng chống bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là ở tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Khổ nỗi, thay vì dùng “mũi nhọn” về nhân lực, vật lực của ngành y tế để xuyên phá vào trọng điểm là các bệnh lây nhiễm cấp tính có nguy cơ bùng phát thành đại dịch trong cộng đồng xã hội, thì nay nguồn lực phải dàn mỏng ra để đối phó với “nguy cơ kép”. Chẳng thế mà ThS Trần Quốc Bảo - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: Hiện, Việt Nam đang phải giải quyết gánh nặng bệnh tật kép gồm bệnh truyền nhiễm và bệnh không truyền nhiễm. Các bệnh truyền nhiễm cấp tính mặc dù có xu hướng giảm nhưng diễn biến phức tạp, khó lường trước, vậy mà Việt Nam lại phải gánh thêm sức nặng về bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, bệnh ung thư, bệnh phổi mãn tính, đái tháo đường...

Chính lãnh đạo Bộ Y tế cũng thừa nhận rằng, các bệnh không lây nhiễm chiếm 2/3 số ca tử vong trong cả nước đang là gánh nặng đối với với ngành y. Điều đáng lo ngại nhất là số người mắc các bệnh không lây nhiễm lại rơi chủ yếu ở tuổi trung niên là lực lượng lao động chính cho xã hội. Thống kê chưa đẩy đủ của Cục Y tế dự phòng cho thấy, tính đến năm 2015 tại Việt Nam có khoảng 12,5 triệu người mắc huyết áp, 2,5 triệu người bị đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính, hen phế quản. Con số bệnh nhân ung thư được cấp nhật mỗi năm khoảng 125.000 người mắc mới.

Trong khi đó, tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và các bệnh tim mạch khác khiến hàng trăm nghìn người tàn phế, mất sức lao động mỗi năm. Còn đối với bệnh đái tháo đường, ThS Bảo cho rằng đây là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong khi có các biến chứng suy thận, thần kinh, viêm loét chân thậm chí phải cắt bỏ chân vì đái tháo đường. Tóm lại, các chuyên gia y tế khẳng định: Các bệnh không lây nhiễm gây tàn phế nặng nề, suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Những con số và thông tin trên không phải quá ư đáng sợ, đáng lo ngại lắm sao?

Tại Việt Nam, Chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm đã được triển khai từ năm 2002 với các bệnh huyết áp, đái tháo đường, ung thư, rối loạn tâm thần và đã được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên cho đến nay các chính sách về phòng chống bệnh không lây nhiễm chưa được đầy đủ và tuân thủ chưa tốt.

Thiếu nhiều chính sách đa ngành để giảm các yếu tố gây nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm như giảm ăn muối, chất béo, cấm hút thuốc; bia rượu cần hạn chế tiếp thị và quảng cáo... Các chuyên gia y tế của WHO cho rằng, cần tổ chức hệ thống y tế lấy sức khỏe con người làm trung tâm và bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Ngăn chặn các yếu tố gây nguy cơ giúp cho việc phòng chống bệnh không lây nhiễm đạt kết quả cao.

Cũng theo khuyến cáo của WHO, phòng chống bệnh không lây nhiễm cần có sự cam kết của Chính phủ với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức để tạo ra một giải pháp toàn diện. Chính từ sự cấp thiết của vấn đề gánh nặng bệnh không lây nhiễm mà cách đây 1 năm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015-2025. Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cùng với ý thức của mỗi cá nhân trong cộng đồng được nâng lên, tin rằng gánh nặng của bệnh không lây nhiễm sẽ không chỉ được kiểm soát tốt, mà còn được đẩy lùi trong tương lai gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gánh nặng từ ý thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO