Gỡ rào cản cho xuất khẩu

Nguyên Khánh 16/07/2019 08:00

Cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc họp với các bộ, ngành liên quan để bàn về các giải pháp thúc đẩy thương mại, nhất là với các đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản…. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế, thương mại khu vực và quốc tế đang có nhiều thay đổi, biến động khó lường, Việt Nam phải chủ động các giải pháp.

Theo Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM), trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 122,72 tỷ USD có tăng 7,3% nhưng đây là mức tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm 2017-2018 (lần lượt là 19,4% và 16,4%). Như vậy kim ngạch xuất khẩu của chúng ta so với 2 năm trước đã giảm đáng kể.

Theo các chuyên gia, có 3 lý do chính khiến xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng chậm lại. Thứ nhất, suy giảm thương mại toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đây là nguyên nhân tác động rất lớn đến tình hình xuất khẩu của nhiều nước trong đó có Việt Nam. Thứ hai, một số tập đoàn FDI lớn có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm hơn so với các năm trước. Thứ ba, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản gặp nhiều khó khăn cả về giá và các yêu cầu, quy định của một số thị trường nhập khẩu (chẳng hạn như Trung Quốc, EU, Australia…).

Dù kim ngạch xuất khẩu đã chậm lại tuy nhiên, nếu xét theo khu vực, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 36,82 tỷ USD, tăng 10,8%, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 85,90 tỷ USD, tăng 5,9%, chiếm 70%. Như vậy, khu vực doanh nghiệp trong nước đã tăng trưởng xuất khẩu nhanh hơn, trong bối cảnh suy giảm xuất khẩu của doanh nghiệp FDI. Từ kết quả này có thể thấy, doanh nghiệp trong nước đủ sức thích ứng và khả năng tham gia hoạt động xuất khẩu. Tất nhiên, muốn doanh nghiệp trong nước lớn mạnh cần tiếp tục gỡ bỏ những rào cản đang gây khó dễ cho họ, rào cản lớn nhất chính là các thủ tục hành chính.

Theo Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, có nhiều cơ hội khi Hiệp định thương mại tự do châu Âu-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, mở ra thị trường, mở ra cầu mới cho sản xuất, xuất khẩu, đầu tư... thông qua việc cắt giảm các dòng thuế, thủ tục xuất nhập khẩu, đầu tư - kinh doanh thông thoáng hơn. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là có vượt qua được các rào cản mà chủ yếu là của chính mình hay không, đó mới là điều đáng lo ngại.

Như vậy, điều đặc biệt đáng lo, theo ông Cung nằm ở hàng rào bên trong, vì nhiều quy định của Việt Nam còn khó hơn hàng rào của EU, đó là điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, điều kiện về môi trường, lao động... có những thứ doanh nghiệp gần như không tuân thủ được, nếu tuân thủ thì chi phí rất cao. Trong khi đó khi nhập khẩu thì EU bao giờ cũng vào kiểm tra xem doanh nghiệp có tuân thủ chính quy định của nước mình hay không? Tất cả những rào cản này cần nhanh chóng được gỡ bỏ.

“Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tuyệt đối không được chủ quan trong chỉ đạo điều hành; chủ động theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước; nghiên cứu, phân tích kỹ xu hướng, tác động, ảnh hưởng để xây dựng đề xuất các giải pháp, đối sách mới hiệu quả, khả thi, phù hợp tình hình. Đặc biệt, quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ cải cách kiểm tra chuyên ngành, tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh”- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã cho biết như vậy.

Tại phiên họp thường trực Chính phủ bàn về các giải pháp thúc đẩy thương mại, nhất là với các đối tác lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, khu vực suy giảm, cạnh tranh thương mại đang diễn ra rất gay gắt, các bộ, ngành cần chủ động có các bước đi, cách làm thiết thực, phù hợp để thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, tạo thêm việc làm. Đồng thời giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục đà tăng trưởng, phát triển bền vững; trong đó phải chú ý đảm bảo hài hòa quan hệ thương mại với các đối tác, nhất là với các đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc…. trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài triển khai hiệu quả các dự án đầu tư tại Việt Nam, nhất là các tập đoàn lớn có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có tiềm lực tài chính lớn và có các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hoàn thiện các chính sách, khung thể chế điều chỉnh những nội dung đang được các đối tác quan tâm như thương mại, tiền tệ, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, an ninh mạng… trên quan điểm toàn diện, bền vững, thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng hiệu quả, đôi bên cùng có lợi, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế tiên tiến, các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Nắm chắc tình hình, chủ động các giải pháp, có các đối sách mới hiệu quả, khả thi, phù hợp tình hình trong nước và thế giới, hy vọng xuất khẩu sẽ chớp những thời cơ mới để tạo ra những thành tích mới cho kinh tế Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ rào cản cho xuất khẩu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO