Ì ạch công nghệ

Duy Khang 28/04/2016 11:00

Ngành công nghiệp của chúng ta đang đi sau thế giới nhiều thập kỷ, thậm chí cả thế kỷ so với các nước tiên tiến. Điều này đã được nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận. Nguyên nhân của sự tụt hậu đó được ông Lương Văn Tự- nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại (cũ) đưa ra mổ xẻ rằng, chính là do những chủ trương được bàn luận quá lâu. Một dự án được lên kế hoạch xây dựng trên giấy và phải mất cả chục năm sau mới bắt đầu triển khai. Như vậy trong hàng chục năm đó, cái gì đã diễn ra trên thế giới?

Ì ạch công nghệ

Công nghệ lạc hậu kéo lùi sự tăng trưởng.

Minh chứng cho nhận định này, ông Lương Văn Tự đưa ra hình ảnh: Một nhà máy lọc dầu của Việt Nam từ khi còn “thai nghén”, chủ trương, đến khi được quyết định khởi công mất hẳn… 10 năm. “Lúc đầu nhà máy được dự định đặt ở Vũng Tàu. Nhưng bàn mãi chủ trương, tới 10 năm sau mới quyết định đầu tư, chuyển về Dung Quất.

Trong khi đó, công nghệ lọc hóa dầu của thế giới trong 10 năm ấy đã có những bước tiến vượt bậc. 10 năm ấy khiến nhiều cơ hội thu lợi nhuận từ việc lọc dầu đã bị bỏ lỡ”- ông Lương Văn Tự chia sẻ tại diễn đàn “Sản xuất và Công nghiệp Việt Nam (VN) 2016”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN phối hợp với Bộ Công thương, Bộ KH&ĐT tổ chức diễn ra mới đây.

Hình ảnh nhà máy lọc dầu được xây dựng chậm đến 10 năm chỉ là một trong vô số các sản phẩm của nền kinh tế Việt Nam bị tụt hậu so với thế giới. “Công nghệ sản xuất, dây chuyền chế biến… của thế giới đi trước Việt Nam cả chục năm, thậm chí cả thế kỷ”, TS Trần Đình Thiên- nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương đã phải nói ra điều đó khi đánh giá vế sự phát triển của nền kinh tế nước nhà. Ngành công nghiệp Việt Nam chậm phát triển, thậm chí tụt hậu là do có những chủ trương được bàn luận quá lâu, như vậy thì đến bao giờ mới đạt được mục tiêu công nghiệp hóa- hiện đại hóa?

Một đất nước muốn có nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững, yếu tố quyết định chính là ở nền công nghiệp ở nước đó mạnh hay yếu, hiện đại hay lạc hậu. Và đất nước của chúng ta không thể nằm ngoài quy luật đó. Thế nhưng, đáng buồn là chúng ta vẫn đang chạy theo một nền kinh tế lấy gia công làm chủ lực, khai thác tài nguyên khoáng sản để bán…

Thế giới chỉ “nhòm ngó” Việt Nam vì chúng ta có nguồn lao động rẻ, dồi dào tài nguyên, ưu đãi về đất đai chứ không phải vì chúng ta có một nền công nghiệp hiện đại, tiên tiến mang lại lợi nhuận cao. Thật buồn khi người nước ngoài nghĩ về chúng ta rằng, Việt Nam chỉ sản sinh ra những tỷ phú tài nguyên, tỷ phú nhà đất chứ không có những người giàu nhờ sáng tạo, phát triển công nghiệp. Nếu vẫn tiếp tục như vậy, chúng ta không chỉ tụt hậu so với thế giới, mà nguy cơ bị nước ngoài lấn sân khi hội nhập kinh tế quốc tế là điều khó tránh khỏi.

Ở thời điểm này, khi hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã và đang được ký kết, người ta nhắc nhiều đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh đối với cộng đồng DN. Vậy nâng cao bằng cách nào? Câu trả lời là: Phải đổi mới công nghệ sản xuất, hiện đại hóa máy móc, trang thiết bị để đưa ra những sản phẩm vừa đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, vừa có thể cạnh tranh về giá.

Chỉ lấy ví dụ đơn giản thế này, Việt Nam xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, nhưng thế giới lại không biết đến nhiều các sản phẩm nông sản của Việt Nam. Là bởi vì, chúng ta thiếu công nghệ chế biến hiện đại, chủ yếu chỉ chế biến thô để xuất khẩu. Và như vậy, dù lượng gạo chúng ta xuất khẩu lớn, cao su, cà phê, điều… đạt kim ngạch xuất khẩu cao, song người ta lại không biết tên tuổi, thương hiệu của các DN Việt đã làm ra những sản phẩm đó. Đó chính là điều thiệt thòi của chúng ta khi duy trì một nền công nghiệp lạc hậu.

Cũng cần lưu ý rằng, thời gian vừa qua, người ta thấy tràn lan thịt gà Mỹ, bò Úc… xâm nhập vào thị trường trong nước và được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng. Vì sao người Việt ưa chuộng các sản phẩm đó? Đơn giản vì giá cạnh tranh hơn so với thịt bò, thịt gà “made in Việt Nam”. Và lý giải cho thực tế này, vẫn chỉ là một câu trả lời: Công nghệ, dây chuyền sản xuất của nước ngoài tiên tiến, hiện đại hơn!

Đổi mới công nghệ sản xuất để tiến tới một nền công nghiệp tiên tiến, đó là mục tiêu cần phải hướng tới và phải thực hiện bằng được nếu không muốn bị hàng hóa nhập ngoại đánh bại ngay trên sân nhà. Tất nhiên, để làm được điều đó, bản thân mỗi DN nỗ lực là một chuyện, còn cần phải có sự hỗ trợ từ phía nhà quản lý về cơ chế, chính sách…

Song, nếu các chủ trương, chính sách mà nhà quản lý đưa ra không nhanh, không mạnh, cứ 10 năm vẫn một chủ trương như câu chuyện về nhà máy lọc dầu Dung Quất nói trên, thì chúng ta sẽ tiếp tục bị thế giới bỏ xa. Và như vậy, mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ì ạch công nghệ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO