Khi hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp

Bắc Phong 26/11/2019 07:00

Tại thời điểm này, nhiều người vẫn tiếp tục bàn về Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) xem xét có đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp hay không. Đây là vấn đề nhận được nhiều ý kiến cả trong nghị trường lẫn giới chuyên gia kinh tế, và cả hộ kinh doanh cá thể. Và, nói như Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Ngọc Hiển tại phiên thảo luận chiều ngày 20/11 (kỳ họp thứ 8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu và chỉnh lý Dự thảo Luật, gửi xin ý kiến các ĐBQH, các Đoàn ĐBQH và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Khi hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp

Một minh họa cho thấy hộ kinh doanh ngại thành doanh nghiệp vì phải gánh nhiều nghĩa vụ cũng như phức tạp về mặt thủ tục.

Nhìn chung, có 2 luồng ý kiến khác nhau. Luồng thứ nhất cho rằng cần đưa hộ kinh doanh vào quy định tại Luật Doanh nghiệp. Luồng thứ hai cho rằng không nên, vì như vậy sẽ gò bó sự năng động, tự chủ trong kinh doanh của hộ gia đình.

Với luồng ý kiến thứ nhất- đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, nói như Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc thì điều đó sẽ giúp hộ kinh doanh có thêm nhiều điều kiện thuận lợi, được quy định rõ ràng về vị trí pháp lý, được đứng tên trong các giao dịch kinh doanh, xin giấy phép, được bảo hộ theo quy định của pháp luật, gỡ bỏ những hạn chế về phạm vi và quy mô hoạt động cũng như được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ và các chính sách có liên quan, quản trị của hộ kinh doanh được tăng cường.

Vẫn theo ông Lộc, việc không đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp đã để lại một hậu quả pháp lý: Trong khi quyền và nghĩa vụ của công ty tư nhân, và các cá nhân kinh doanh, đóng góp chưa đầy 10% GDP thì được quy định trong Luật Doanh nghiệp. Quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh - nơi sinh kế của hàng chục triệu người và đóng góp hơn 30% GDP của đất nước, mà bản chất cũng là doanh nghiệp, thì chỉ được chế định trong một Nghị định do Chính phủ ban hành. Theo Nghị định này, hộ kinh doanh chỉ được hoạt động trong phạm vi địa phương là quận, huyện nơi đăng ký và bị hàng loạt các hạn chế về quyền kinh doanh. Điều này trái với nguyên tắc hiến định là việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của công dân, chỉ có thể được quy định trong văn bản luật do Quốc hội ban hành.

Nói tóm lại, việc này có lợi cho hộ kinh doanh cũng như công tác quản lý.

Với luồng ý kiến thứ hai, lại cho rằng không nên, phải rất thận trọng. Nói như ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) thì đây là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động (hộ kinh doanh), vì thế nên xây dựng một Nghị định riêng để khuyến khích họ phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật. Hầu hết các hộ kinh doanh đều không muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp nhằm né nghĩa vụ nộp thuế, không kí hợp đồng với các lao động mặc dù biết chuyển đổi lên doanh nghiệp thì sẽ nhận được nhiều ưu đãi, hỗ trợ. Họ cũng lo ngại nếu chuyển đổi thì nghĩa vụ pháp lý sẽ nặng nề hơn, như các giấy phép liên quan về môi trường, thủ tục kế toán kê khai, thanh tra kiểm tra… làm tăng chi phí gián tiếp.

Có ý kiến lại cho rằng, nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, cũng có nghĩa chủ hộ kinh doanh là giám đốc doanh nghiệp. Nếu thế, ví dụ, với một hộ bán phở, thì “sau một đêm ông chủ quán phở thành giám đốc doanh nghiệp phở”.

Đáng chú ý, khi ông Nguyễn Đình Cung- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đặt câu hỏi: Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp để làm gì? Và ông Cung cũng băn khoăn nếu điều đó xảy ra thì với nhiều quy định có làm tê liệt khu vực kinh tế năng động này hay không. Đặc biệt, ông Cung đề cập tới khái niệm “chủ hộ kinh doanh”. Theo đó, chủ hộ kinh doanh, thành viên gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh chịu trách nhiệm cá nhân, liên đới bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh. Chủ hộ kinh doanh có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh; đại diện cho hộ kinh doanh tiến hành hoạt động kinh doanh, thực hiện các nghĩa vụ về thuế và các nghĩa vụ tài chính khác. Vậy, nếu chủ hộ ăn tiêu phung phí rồi nói và ghi vào chi tiêu của hộ kinh doanh, dẫn đến bất công, thậm chí nợ nần, thua lỗ, thì các thành viên khác có thể làm gì? Có thay được chủ hộ không? Ông Cung cũng cho rằng, từ đó sẽ dẫn tới mâu thuẫn gia đình, rất khó giải quyết.

Điểm qua như vậy để thấy việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp không hề đơn giản. Đương nhiên họ có hoạt động kinh doanh nhưng có phải là doanh nghiệp hay không lại là cả một vấn đề. Lưu ý, khu vực này với hàng chục triệu người, đóng góp hơn 30% GDP của đất nước, nên bất cứ một thay đổi về chính sách nào cũng đều tác động rất lớn. Vì thế, một đề nghị cũng không phải là không có lý khi cho rằng: Trước khi quyết định thì hãy hỏi chính đối tượng được dự định điều chỉnh xem họ có muốn trở thành doanh nghiệp hay không. Đó cũng là phát huy dân chủ, là lắng nghe, tôn trọng ý kiến của người dân vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO