Khó làm người tiêu dùng thông thái

Hữu Nguyên 15/04/2016 09:09

Khái niệm “người tiêu dùng thông thái” ngày càng được nói tới nhiều hơn trong bối cảnh thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng gian, hàng nhái và dịch vụ kém chất lượng đang bủa vây người tiêu dùng. Nhưng “người tiêu dùng thông thái” không thể bỗng dưng mà có. Trừ khi, người ta cố tình sử dụng khái niệm này như là một cách né tránh, đùn đầy trách nhiệm, theo kiểu “anh ăn bẩn có nghĩa là anh không thông thái”.

Người tiêu dùng khó lựa chọn được thực phẩm sạch.

Ai lại không muốn trở thành “người tiêu dùng thông thái”, khi mà những sản phẩm mà họ sử dụng có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng, tương lai của bản thân và gia đình. Tuy nhiên để tối đa hóa các mục tiêu và lợi ích cho mỗi hành vi tiêu dùng, “người tiêu dùng thông thái” không thể tự mình mò mẫm trong “ma trận” thông tin vốn dĩ khá mù mịt và thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng.

Việc sử dụng thực phẩm cho các bữa ăn “vì sức khỏe” của chính mình hàng ngày đang khiến cho không ít “người tiêu dùng thông thái” lúng túng. Họ lúng túng ngay cả khi vào trong các siêu thị, cửa hàng được gắn nhãn “sạch” hay “an toàn” chứ chưa kể tới các chợ buôn bán lẻ với thực trạng thiếu kiểm soát an toàn thực phẩm còn kinh khủng hơn. Vì không có cơ sở nào để người tiêu dùng có thể kiểm tra, hay truy xuất nguồn gốc sản phẩm để chứng thực cho các quảng cáo là thật.

Thỉnh thoảng qua các đợt kiểm tra, cơ quan chức năng đã từng phát hiện không ít thực phẩm gắn mác an toàn lại không an toàn chút nào. Vì lợi nhuận và sự tắc trách với người tiêu dùng, đã có không ít siêu thị, cửa hàng trộn lẫn thực phẩm không an toàn vào các loại thực phẩm an toàn để bán ra thị trường.

Tuy nhiên, hành vi trà trộn, lẫn lộn giữa “sạch” và “bẩn” của một số nhà phân phối, trong đó có cả các siêu thị nổi tiếng chưa phải là tột cùng của sự nguy hiểm. Điều đáng nói là đang diễn ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong việc quản lý chất cấm trong sản xuất nông nghiệp giữa các ngành chức năng. Chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt đôi khi lại là chất không cấm trong y tế, chữa bệnh và sản xuất công nghiệp.

Do thiếu phối hợp và nhất là thiếu trách nhiệm với xã hội, từng ngành chức năng tự có các quy định của mình cho phép nhập khẩu, kinh doanh và sản xuất các loại hóa chất thiếu kiểm soát tới mức nhập cho ngành này nhưng lại đưa vào sử dụng cho ngành kia. Điều tồi tệ đã xảy ra, chất cấm, chất độc trong chăn nuôi gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người dân lại được cung cấp bởi ngành y tế và công thương.

Nhưng điều mà “người tiêu dùng thông thái” bất ngờ nhất lại chính là nhận thức của những quan chức được Nhà nước và nhân dân giao cho trọng trách không để cho dân phải ăn thực phẩm bẩn hoặc phải tiêu dùng hàng gian, hàng giả, dịch vụ kém chất lượng.

Để bảo vệ người tiêu dùng và kiểm soát quy trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ngành chức năng cần phải có những công cụ và các tiêu chuẩn kiểm tra giám sát một cách khoa học,đầy đủ và thường xuyên. Có một thực tế là việc kiểm định chất lượng và quản lý thị trường để gạt bỏ những sản phẩm kém chất lượng từ khâu sản xuất, chế biến trong thời gian qua vẫn còn làm theo “chiến dịch”, chưa thường xuyên và quyết liệt.

Một bộ khung có tính khoa học để đánh giá chung về chuyên môn chưa đủ khả tín, việc tiến hành đánh giá chưa đủ quyết liệt, hình thức xử lý vi phạm chưa đủ thích đáng để răn đe người sản xuất, chế biến thực phẩm độc hại. Chưa kể, vấn đề con người trong bộ máy vận hành việc đảm bảo các tiêu chuẩn phải được áp dụng và giám sát còn đang tồn tại rất nhiều vấn đề.

Khi các điều kiện cơ bản về mặt khoa học, pháp lý hãy còn chưa bám sát thực tế và chưa đầy đủ để đảm bảo quy trình vận hành đạt các mục tiêu an toàn đề ra mà lại còn bị chi phối bời các cán bộ thiếu trách nhiệm và các nhóm lợi ích thì câu chuyện trở nên phức tạp hơn nhiều.

Tại một hội nghị về an toàn thực phẩm mới đây ở TP Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến cho rằng phần lớn các cán bộ thú y, quản lý thị trường biết thông tin về thực phẩm bẩn nhưng đã không xử lý và không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Cho đến khi báo chí lên tiếng hoặc người dân tố cáo thì cũng chỉ xử lý phần ngọn.

“Người tiêu dùng thông thái” không thể chỉ tự cứu ấy mình trước “thiên la địa võng” thực phẩm bẩn, hàng tiêu dùng, dịch vụ kém chất lượng trong khi các cơ quan chức năng ngồi nhìn hoặc chỉ tham gia theo “chiến dịch”. Minh bạch, cung cấp đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm phải là trách nhiệm bắt buộc của nhà sản xuất, nhà kinh doanh, trách nhiệm giám sát của cơ quan quản lý.

Cơ quan chức năng trong các lĩnh vực này cần siết chặt quản lý chất lượng sản xuất, chế biến, có chuẩn kiểm tra chuyên nghiệp hóa và có cơ chế, chế tài quyết liệt, đủ mạnh và công khai minh bạch các tiêu chuẩn quản lý với xã hội.

Ngoài những kiểu tuyên truyền mà ai cũng biết, hay những lời kêu gọi “tiêu dùng thông thái” thì điều quan trọng là nhà chức trách cần làm tròn trách nhiệm hơn trong việc tạo dựng một môi trường làm ăn lành mạnh, trong đó thực phẩm bẩn, độc hại không thể tồn tại.

Việc chế tài, xử phạt nặng không chỉ dành cho những thủ phạm làm ra, lưu hành thực phẩm bẩn, độc hại cho người tiêu dùng mà còn cần hướng vào những nhà chức trách, quản lý đã để cho những nguồn thực phẩm bẩn đó hoành hành trên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó làm người tiêu dùng thông thái

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO