Khó lường thương mại điện tử

Hà Linh 14/09/2019 08:00

Không thể phủ nhận những tiện ích và sự tương tác nhanh nhạy, kịp thời của thương mại điện tử. Tuy nhiên, đi kèm với cái được, sự ưu việt đó, dù chúng ta đã có hành lang pháp lý thì vẫn tồn tại “lỗ hổng” quản lý, kiểm soát.

Tại một hội thảo mới đây về vấn đề này, ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, mặc dù đạt được những hiệu quả bước đầu trong việc phát hiện và xử lý vi phạm trên thương mại điện tử, tuy nhiên phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi.

Khó lường thương mại điện tử

Tranh minh họa.

Nước ta có dân số trẻ, số lượng người quan tâm và sử dụng các hình thức giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) qua điện thoại smart phone và máy tính bảng rất lớn, nên cũng là mảnh đất màu mỡ và tiềm năng cho lĩnh vực này. Theo một thống kê chưa đầy đủ, lĩnh vực TMĐT đã và đang tạo ra những giá trị thặng dư tích cực cho hoạt động kinh tế những năm gần đây và đang tiếp tục tăng tốc. Tuy nhiên, thời gian qua đã xảy ra rất nhiều những vụ việc tiêu cực làm “méo mó” đi những mặt tích cực, tiện ích của hoạt động TMĐT. Phổ biến là tình trạng buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trong TMĐT ngày càng diễn biến phức tạp. Nhiều trường hợp, hình ảnh hàng hoá là thật nhưng khách lại nhận về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...

Theo ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương), mặc dù đạt được những hiệu quả bước đầu trong việc phát hiện và xử lý vi phạm trên TMĐT, tuy nhiên phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi. Số liệu cụ thể từ Cục này đưa ra cho thấy, từ năm 2018 đến nay, Cục đã thực hiện thanh tra tại 3 đơn vị và kiểm tra 11 đơn vị với tổng mức xử phạt 500 triệu đồng. Trên các sàn giao dịch TMĐT, 35.943 sản phẩm vi phạm đã bị gỡ bỏ và hơn 3.000 tài khoản đã bị khoá. Việc phát hiện và xử lý vi phạm trên TMĐT với những con số nêu trên không phải là ít, nhưng khó khăn hiện nay là vẫn còn nhiều trường hợp mua tên miền và đặt máy chủ ở nước ngoài, trả tiền thông qua thẻ tín dụng mà không thông qua công ty bán tên miền, cung cấp dịch vụ máy chủ ở Việt Nam hoặc chỉ thiết lập fanpage để chạy quảng cáo. “Các đối tượng này cố tình che giấu thông tin, không có địa chỉ, điện thoại hay bất kỳ thông tin liên lạc gì nên việc ngăn chặn và xử phạt gặp rất nhiều khó khăn”- ông Hải cho hay.

Thực tế hiện nay, ở nước ta đang có 3 loại hình TMĐT là sàn giao dịch TMĐT; bán hàng trên mạng xã hội và bán hàng trên website TMĐT, nếu không có kiểm soát tốt thì đây sẽ là mối nguy đối với tình hình gian lận thương mại tại Việt Nam. Bởi vì hầu hết các hành vi vi phạm do chủ thể bán hàng không thực hiện đúng trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch điện tử, hầu hết các giao dịch hàng hóa đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể. Chủ thể bán hàng là các cơ sở nhỏ lẻ hoặc cá nhân, sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau gây khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý vi phạm của chính các lực lượng chức năng. Hơn nữa, các hình thức kinh doanh bán hàng qua mạng xã hội như facebook chưa được kiểm soát hiệu quả, nhất là đối với các mạng xã hội chưa có đại diện pháp luật tại Việt Nam. Đi cùng với đó, kiến thức, trình độ chuyên môn trong lĩnh vực thương mại điện tử của công chức thực thi còn nhiều hạn chế. Các website và trang mạng xã hội dễ dàng đươc tạo ra và đóng lại gây khó khăn cho công tác kiểm soát.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, TMĐT đem lại nhiều hiệu quả tích cực nhưng ở chiều ngược lại cũng có những nguy cơ lớn trong việc xuất hiện các hành vi gian lận thương mại. “Thị trường TMĐT thay đổi liên tục đã đặt ra nhiều vấn đề cần điều chỉnh, nhiều mô hình TMĐT mới liên tục xuất hiện. Các giao dịch, dịch vụ cũng không còn ở phạm vi một quốc gia mà đã xuyên biên giới, đa dạng về chủ thể tham gia, phức tạp về cách thức hoạt động, nên rất khó kiểm soát”- Bộ trưởng nói.

Trên thực tế, chúng ta đã có một hành lang pháp lý cơ bản cho lĩnh vực này, cụ thể là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay các khung khổ định chế của pháp luật điều chỉnh gắn với các hoạt động về sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng lậu, hàng kém phẩm chất … và sắp tới cũng sẽ được củng cố thêm để điều chỉnh hoạt động TMĐT hữu dụng hơn. Và việc quản lý, kiểm soát hoạt động của lĩnh vực TMĐT cần thực chất hơn, đi vào “nề nếp” hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó lường thương mại điện tử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO