Không đánh đổi môi trường

H.Vũ 30/08/2019 08:00

Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 56-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường với một thông điệp mạnh mẽ:“Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. Những cam kết chính trị đã được đưa ra, và giờ đến lúc hành động.

Không đánh đổi môi trường

Triều cường gây ngập nước tại các tuyến hẻm trên đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7, TP HCM).

Xin được nhấn mạnh ngay rằng, biến đổi khí hậu ở nước ta đang diễn biến nhanh hơn dự báo, gây hậu quả ngày càng lớn. “Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng” đang khiến TP Hồ Chí Minh từ “vài điểm ngập” giờ còn một điểm ngập là “ngập toàn thành phố”, tiếp sau đó là vùng lõi của Cần Thơ. Còn Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang đối mặt với hạn hán dài ngày khiến cừu- một động vật vốn sống trên sa mạc cũng chết vì nắng nóng. Bên cạnh đó, một nỗi lo hiện hữu là khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai còn thấp, nền kinh tế dễ bị tổn thương và chịu thiệt hại lớn khi có thiên tai xảy ra. Quản lý tài nguyên thiên nhiên còn nhiều yếu kém, sử dụng chưa hiệu quả, nhất là tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, một số loại tài nguyên bị lạm dụng, khai thác quá mức dẫn đến suy thoái, cạn kiệt. Ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, nhất là tại các khu đô thị, thành phố lớn, ảnh hưởng lớn tới đời sống, sinh hoạt của người dân, trở thành vấn đề bức xúc của xã hội. Và đáng lưu ý, những yếu kém trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan được xác định là yếu tố chính do vẫn còn tình trạng thu hút đầu tư thiếu chọn lọc, không cân nhắc, xem xét các yếu tố, tiêu chí về môi trường.

Chính vì vậy, để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Nghị quyết 56 yêu cầu tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất trong toàn xã hội về nhận thức và hành động trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường gia tăng, đang trở thành nguy cơ đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, đời sống nhân dân, sự phát triển bền vững của đất nước. “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường. Bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tích cực tham gia công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường”- Nghị quyết nêu rõ.

Có 3 vấn đề đều liên quan đến yếu tố “môi trường” đang ảnh hưởng đe dọa tới sự phát triển, phồn vinh của mỗi quốc gia và toàn thế giới gồm: an ninh nguồn nước; an ninh lương thực; và an ninh năng lượng. Không riêng chỉ Việt Nam, cả 3 vấn đề trên đang ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi quốc gia do bị tác động mạnh mẽ từ yếu tố môi trường đem lại. Bởi môi trường không chỉ là không gian sinh tồn của con người, mà còn là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế xã hội bền vững. Do đó không phải ngẫu nhiên, Đại hội đồng lần thứ 40 Hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA40) với chủ đề chung “Thúc đẩy quan hệ đối tác nghị viện vì cộng đồng bền vững” đang diễn ra tại Thái Lan với sự tham dự của đoàn Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu, vấn đề môi trường đã được Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha (với tư cách chủ nhà) nhắc đến và cho rằng “môi trường đang là vấn đề được đặc biệt quan tâm”, thu hút sự quan tâm trên toàn thế giới, trong đó có việc giảm thiểu phát thải khí CO2. Trên cương vị chủ nhà, Thủ tướng Thái Lan cho rằng phải xử lý được các thách thức về môi trường và trong Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 đã nói rất nhiều đến vấn đề xử lý rác thải nhựa và mong nhận được sự phối hợp, hợp tác ủng hộ của tất cả các nước thành viên AIPA trên toàn bộ các nội dung bàn thảo để các nước thành viên có thể phối hợp để thúc đẩy phát triển bền vững trên tất cả các lĩnh vực trong ASEAN và thúc đẩy ASEAN ngày càng trở nên bền vững, có tính cạnh tranh cao hơn.

Nói vậy để thấy, không chỉ riêng Việt Nam mà môi trường đang là nỗi lo chung của toàn thế giới. Bởi “bà mẹ Trái đất” đang ngày càng suy yếu khả năng “miễn dịch” do khí thải CO2 tăng lên khiến trái đất đang nóng lên từng ngày, còn những lá phổi xanh của thế giới đang ngày càng teo tóp do cháy rừng, và chặt phá để phát triển kinh tế tại mỗi quốc gia.

Một nỗi lo chung của toàn thế giới và một cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cần được thể hiện bằng hành động thiết thực. Mà trước hết là không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, là nói không với túi ni lon, hay rác thải nhựa. Muốn vậy, ngoài việc đẩy mạnh vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia và giám sát việc thực hiện Nghị quyết và chính sách, pháp luật phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường thì cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe mới giúp cho sức khỏe, đời sống nhân dân được nâng lên gắn với sự phát triển bền vững của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không đánh đổi môi trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO