Không để ai bị bỏ lại phía sau

Hạnh Nguyên 17/11/2019 08:00

Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Tĩnh có nhiều hộ dân nộp đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Đây là một việc đáng mừng, không chỉ thể hiện tinh thần tự thân, tự lực vươn lên trong cuộc sống của người nghèo mà còn thấm đẫm tình cảm tương thân tương ái. Đằng sau những lá đơn xin thoát nghèo này là câu chuyện đáng bàn về công tác giảm nghèo.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Ở trong ngôi nhà khang trang cùng con cháu, vợ chồng cụ Lương viết đơn xin thoát nghèo.

Sự tiên phong của người già cả

Sau nhiều năm thuộc diện hộ nghèo của xã, mới đây, cụ Nguyễn Văn Lương và vợ là cụ Dương Thị Huệ (đều 90 tuổi, trú tại thôn Liên Hương, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà) quyết định gửi đơn xin thoát nghèo. Quyết định bất ngờ của hai cụ nhận được sự đồng thuận rất cao của con cháu cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương.

Vợ chồng cụ Lương vốn là gia đình thuần nông, trước đây hai vợ chồng cụ làm hơn 1 mẫu ruộng để nuôi 6 đứa con (3 trai, 3 gái) ăn học. Nhiều năm thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo ở xã, vợ chồng cụ nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ những chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước. Giờ đây, con cái trưởng thành, người con trai út duy nhất còn lại của gia đình cụ là anh Nguyễn Văn Hùng lấy vợ, ở gần bố mẹ già để tiện chăm sóc. “Bây giờ xã đã đạt chuẩn nông thôn mới rồi, tư duy cũng phải mới, phải cố gắng thoát nghèo bằng mọi cách” – cụ Lương vui vẻ nói.

Cụ Huệ kể: Đầu năm nay, cháu nội của hai cụ (con trai anh Hùng) đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản gửi tiền về cho bố mẹ xây nhà. Tháng 5/2019, ngôi nhà khang trang được dựng lên, hai cụ chuyển từ ngôi nhà gỗ chật hẹp, xuống cấp lên ở cùng con cháu. 3 đứa con gái của cụ cũng có cuộc sống ổn định, thường xuyên gửi tiền về chăm lo cho hai cụ. Mỗi tháng con, cháu gửi về cho ông bà bình quân 3 đến 4 triệu nên ông bà không phải lo lắng gì nữa. Nhận thấy nhiều hộ trong thôn, trong xã còn khổ hơn mình nhiều nên chúng tôi quyết định xin thoát nghèo để nhường cơ hội, chế độ cho người khác.

Được con cháu đồng tình ủng hộ, nghĩ là làm, ngày 22/10, vợ chồng cụ Lương sang nhà Bí thư Chi bộ thôn Liên Hương nhờ viết đơn xin thoát nghèo gửi UBND xã Thạch Đài. Trong đơn có đoạn viết: “Vợ chồng chúng tôi xin ra khỏi hộ nghèo năm 2020 để nhường lại cho hộ khác. Mặc dù vợ chồng chúng tôi tuổi đã già, sức khỏe yếu, bệnh tật liên miên. Nhưng nay nhờ con cháu nuôi dưỡng đến nơi, đến chốn. Vậy vợ chồng chúng tôi làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Rất mong các cấp chấp nhận”.

Theo ông Nguyễn Phúc Bảy - Trưởng thôn Liên Hương - năm 2019, toàn thôn có 12 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo. Mới đây rà soát lại có 2 hộ đã thoát nghèo, cùng với vợ chồng cụ Lương tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo nữa sẽ có 3 hộ thoát nghèo vào năm sau. “Ý định của hai cụ Lương - Huệ có từ lâu nhưng mới đây khi rà soát lại hộ nghèo năm 2019, xóm và xã đã về kiểm tra, nhận thấy nguyện vọng của hai cụ rất chính đáng nên cả xóm và xã đã vận động hai cụ viết đơn để có cơ sở xem xét. Sắp tới đến Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18/11, xóm sẽ đề xuất biểu dương, khích lệ tinh thần tiên phong của hai cụ Lương - Huệ” - Trưởng thôn Liên Hương cho biết thêm.

Chủ tịch UBND xã Thạch Đài Trương Quang Anh cũng rất tán đồng với quyết định của vợ chồng cụ Lương: “Việc tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo thể hiện lòng tự trọng rất cao của hai cụ. Qua đó cho thấy đây là một gia đình tuy nghèo nhưng các thành viên sống có trách nhiệm, con cái biết nhận thức và có giáo dục, biết chăm lo đối với các bậc sinh thành. Việc làm này cần được biểu dương, noi gương, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng”. Cũng theo ông Quang Anh, toàn xã Thạch Đài hiện có 74 hộ nghèo, 103 hộ cận nghèo. Mặc dù chế độ cho những đối tượng này không được nhiều nhưng thể hiện tính nhân văn của Đảng và Nhà nước. Về phía địa phương, UBND xã Thạch Đài cũng đã dành mọi nguồn lực, tạo mọi điều kiện để những hộ này thoát nghèo, có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Lan tỏa hành động đẹp

Việc viết đơn xin thoát nghèo của vợ chồng cụ Lương không phải là trường hợp duy nhất ở Hà Tĩnh mà đã lan tỏa ra nhiều hộ dân. Đến nay, hầu hết tất cả các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đều có những lá đơn đặc biệt – đơn xin thoát nghèo. Thống kê chưa đầy đủ, hiện có hơn 180 hộ nghèo viết đơn xin được thoát nghèo. Đặc biệt, chỉ riêng xã ven biển Cẩm Lộc (huyện Cẩm Xuyên) có tới 42 hộ, xã miền núi Hương Liên (Vũ Quang) có 57 hộ…

Không để ai bị bỏ lại phía sau - 1

Lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo của gia đình cụ Lương.

Chia sẻ về việc này, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Mai Thủy cho biết: Chúng tôi rất hoan nghênh tinh thần tiên phong đi đầu của các hộ dân tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Việc xin thoát nghèo của các hộ dân không chỉ đơn thuần là xóa tên trong danh sách những người nhận trợ cấp, ưu đãi của nhà nước hàng tháng, mà hơn hết đó là sự tự trọng, là ý thức không trông chờ, ỷ lại vào xã hội. Họ là những tấm gương, là động lực để các hộ nghèo khác nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Những lá đơn tự nguyện xin thoát nghèo của các hộ dân một mặt thể hiện sự tự lực vươn lên của người nghèo, mặt khác góp phần không nhỏ trong việc giảm gánh nặng về chính sách cho người nghèo và còn tạo ra cơ hội thiết thực hơn cho các hộ khó khăn ở những địa phương khác. “Mặt khác, quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát phản biện, MTTQ Hà Tĩnh hết sức chú trọng giám sát việc bình xét, phúc tra hộ nghèo hằng năm nhằm đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch, dân chủ. Xác định đối tượng nghèo phải đúng và trúng thì mới đề ra được phương thức giúp người nghèo thoát nghèo bền vững” – bà Nguyễn Thị Mai Thủy nhấn mạnh.

Thực tế tại Hà Tĩnh hiện nay hộ nghèo, cận nghèo chủ yếu là các hộ già cả, neo đơn, trong đó có không ít trường hợp con cái tách hộ ra ở riêng và có điều kiện kinh tế khá giả nhưng bố mẹ lại thuộc diện hộ nghèo. Đối với những trường hợp như thế cần phải rà soát lại và có hướng xử lý để công tác giảm nghèo hiệu quả hơn. Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, bên cạnh đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cùng chung tay ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, MTTQ Hà Tĩnh còn đổi mới, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ, chú trọng tạo sinh kế, xây dựng các mô hình kinh tế giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống. 9 tháng đầu năm 2019, Quỹ “Vì người nghèo” 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) huy động được hơn 10 tỷ đồng, các nguồn khác không qua quỹ hơn 28 tỷ đồng. Hỗ trợ làm mới 413 nhà, sửa chữa 80 nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn…

Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận, việc viết đơn xin thoát nghèo của các hộ dân hiện nay đa phần là các hộ già cả. Với đối tượng này, MTTQ và các tổ chức thành viên đã và đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động bà con, lối xóm, anh em, con cháu thân cận cùng chung tay hỗ trợ, với phương châm là phải phát huy được tinh thần tương trợ của người thân đối với người nghèo trước khi nghĩ đến sự trợ giúp từ bên ngoài.

Sẽ đáng mừng hơn nếu danh sách những hộ viết đơn xin thoát nghèo này đa phần là những hộ nghèo trong độ tuổi lao động. Muốn vậy, các cấp, các ngành phải làm sao để người nghèo thoát nghèo về chất. Và, để làm được điều này, ngoài nỗ lực của MTTQ và các tổ chức đoàn thể thì cần sự trợ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là nỗ lực của chính các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình của họ.

Những năm qua, Ủy ban MTTQ Hà Tĩnh luôn đồng hành cùng người nghèo và có nhiều hoạt động ý nghĩa giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Công tác an sinh xã hội, đặc biệt là chăm lo cho người nghèo là 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá và nằm trong chương trình hành động của MTTQ Hà Tĩnh, được Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2019-2024 đề ra. Từ đó, Ủy ban MTTQ Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp, phát động các tổ chức thành viên huy động đoàn viên, hội viên tham gia đỡ đầu, kêu gọi, giúp đỡ người nghèo vươn lên. Đáng chú ý là phát huy hơn nữa vai trò của gia đình, con cháu trong việc chăm sóc ông bà, cha mẹ, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để ai bị bỏ lại phía sau

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO