Không để lọt nguồn lây nhiễm

Lê Anh Đức 25/03/2020 07:30

Suốt thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và toàn dân phải gồng mình lên chống dịch Covid-19.

Đáng tiếc là vẫn có một số cá nhân thiếu trách nhiệm và một số nơi vẫn xảy ra tình trạng cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở chưa thực sự quyết liệt vào cuộc, chủ quan dẫn đến để lọt một số trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, gây nguy cơ lây nhiễm cho nhiều người. Trường hợp của bệnh nhân số 100 tại quận 8, TP HCM là một ví dụ điển hình.

Bệnh nhân số 100 đó đã dự lễ hội Hồi giáo ở Malaysia và nhập cảnh về Việt Nam tối 3/3. Từ ngày 4/3 đến ngày 17/3, người này liên tục đi lễ tại Thánh đường Hồi giáo Jamiul Anwar (số 157B/9 Dương Bá Trạc, phường 1, quận 8, TP HCM) với tần suất 5 lần/ngày và tiếp xúc với rất nhiều người khác. Mãi tới sáng ngày 19/3, khi nhận được kết quả xét nghiệm người này dương tính với SARS-CoV-2, các cơ quan chức năng mới “tá hỏa” thực hiện các biện pháp cần thiết: cách ly tập trung 129 người có liên quan tới bệnh nhân này.

Vì sao phải sau tới 14 ngày bệnh nhân số 100 về nước, cơ quan chức năng mới lấy mẫu xét nghiệm đối với người này? Theo lý giải của UBND quận 8, do chưa có khuyến cáo dịch Covid-19 tại Malaysia, đồng thời chưa có chỉ đạo của cấp trên nên không thực hiện các biện pháp theo dõi, cách ly cần thiết đối với bệnh nhân số 100. Phải tới ngày 16/3, khi thông tin ca bệnh Covid-19 số 61 ở Ninh Thuận được công bố, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận 8 mới rà soát những người đi dự lễ hội tôn giáo tại Malaysia. Và tới ngày 17/3, mẫu xét nghiệm của người này mới được gửi đi kiểm tra.

Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thì chủ quan, lơ là, chờ “chỉ đạo”; còn bệnh nhân số 100 thì vô trách nhiệm, hồn nhiên đi lại khắp nơi, tiếp xúc với nhiều người trong khi mang theo mầm bệnh. Sau khi đi dự lễ hội ở Malaysia về, thay vì tự cách ly 14 ngày, tránh tiếp xúc với mọi người thì bệnh nhân lại “chăm chỉ” đi lễ nhà thờ tới... 5 lần/ngày. Chính từ sự vô ý thức của bệnh nhân số 100 đã tạo ra một nguồn lây nhiễm dịch Covid-19 ra cộng đồng hết sức nguy hiểm.

Đáng tiếc, trường hợp của bệnh nhân số 100 lại không phải là trường hợp duy nhất thiếu ý thức đối với sức khỏe của cộng đồng xã hội. Trước người này, từng có bệnh nhân số 21, bệnh nhân số 34... cũng “hồn nhiên” mang mầm bệnh Covid-19 đi khắp nơi khiến nhiều người bị lây nhiễm.

Theo các chuyên gia y tế thì điểm mấu chốt để kiểm soát dịch Covid-19 trước hết là ý thức của mỗi cá nhân trong cộng đồng xã hội. Tạm chưa bàn tới việc ở một số nơi, một số lúc, lực lượng chức năng, chính quyền sở tại còn chưa ý thức hết mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19 nên có sự chủ quan, lơ là phòng chống dịch; ngay cả khi các cơ quan chức năng có cố gắng nỗ lực thế nào mà chỉ cần có vài người vô ý thức thì mọi nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát dịch Covid-19 đều vô giá trị.

Điều nguy hiểm là dịch Covid-19 là loại bệnh siêu lây nhiễm với cấp số nhân. Chỉ cần có vài cá nhân không có ý thức phòng chống dịch Covid-19, thì hậu quả là bệnh dịch này sẽ nhanh chóng bùng phát trong cộng đồng xã hội một cách nhanh chóng khó bề kiểm soát. Chẳng phải đã có tới 10 người bị lây nhiễm dịch Covid-19 từ bệnh nhân số 34 đó sao? Thử hỏi 10 người đó sẽ lây cho bao nhiêu người khác?

Mặc dù đã có chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ là phải xử lý nghiêm những người cố tình trốn tránh cách ly, thiếu trách nhiệm gây lây lan dịch bệnh. Song, thời gian qua có không ít người cố tình vi phạm, nhưng chưa có ai bị xử lý để làm gương cho những người khác. Mới cách đây ít lâu thôi, người thân của bệnh nhân số 35 đã tự ý phá khóa cửa sau trốn khỏi khu cách ly tập trung. Dù những người này âm tính với SARS-CoV-2, nhưng cách hành xử vô ý thức như vậy không bị xử lý sẽ tạo ra tiền lệ xấu.

Lại còn có ông giám đốc một công ty chỉ đạo cấp dưới đi cách ly thay cho bản thân. Giả sử, chỉ là giả sử thôi, người đàn ông đó dương tính với SARS-CoV-2, thì đó chẳng phải là một ổ dịch di động gây nguy hiểm cho cộng đồng xã hội hay sao? Đã tới lúc, các cơ quan chức năng phải dùng các biện pháp mạnh tay xử lý những người thiếu ý thức đối với cộng đồng xã hội trong việc phòng chống dịch Covid-19. Khi và chỉ khi người ta có lý do để sợ thì những hành vi vô ý thức như trốn cách ly, khai báo gian dối... mới chấm dứt. Chỉ vậy mới có thể chiến thắng đại dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để lọt nguồn lây nhiễm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO