Không để lúng túng

Lê Anh Đức 18/02/2020 07:35

Hiện, bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) đang diễn biến phức tạp thì việc nhiều người dân thiếu ý thức vứt bừa bãi khẩu trang trên đường khiến nguy cơ bùng phát dịch tăng cao. Cơ quan chức năng cũng đã đưa ra khuyến cáo: Hành vi xả rác là khẩu trang y tế không đúng nơi quy định có thể bị phạt tiền lên tới 7 triệu đồng (theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP). Song, để phạt được một cá nhân, tổ chức cụ thể nào đó vứt khẩu trang bừa bãi trên đường phố lại không hề đơn giản, bởi các quy định của pháp luật đang bị chồng chéo, thiếu tính khả thi trong thực tiễn.

Nói như vậy không có nghĩa là bàn lùi, là ủng hộ cho hành vi xả rác (khẩu trang y tế đã qua sử dụng) bừa bãi trên hè phố. Phải khẳng định ngay và luôn rằng, bài viết này hết sức ủng hộ các biện pháp mạnh cùng chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi xả rác vô ý thức, gây ra nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng xã hội. Song, chúng ta vẫn thường nói, mọi người phải sống và làm việc theo pháp luật. Do vậy, việc xử phạt vi phạm hành chính (ở đây là xả rác) cũng phải căn cứ vào các quy định của pháp luật, chứ không thể làm tùy hứng, theo cảm tính.

Đơn cử, với hành vi xả rác nơi công cộng thì hiện nay có tới 3 nghị định điều chỉnh. Tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, hành vi xả rác không đúng nơi quy định bị xử phạt 300.000-400.000 đồng; theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP thì mức phạt lên tới 5-7 triệu đồng; còn ở Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì mức phạt cho hành vi trên là 1-2 triệu đồng. Như vậy, cùng một hành vi xả rác ra hè phố, nơi công cộng... thì cơ quan chức năng sẽ phải xác định áp dụng theo nghị định nào để xử phạt người vi phạm. Nếu không khéo sẽ trái với quy định của Chính phủ, dẫn đến người dân không phục.

Người xả rác khẩu trang y tế ra hè phố, nơi công cộng có thể bị chế tài theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 20, Nghị định 155/2016/NĐ-CP, nghĩa là sẽ bị phạt 5-7 triệu đồng. Song, người có hành vi vi phạm nêu trên cũng có thể chỉ bị cơ quan chức năng áp dụng Điểm c, Khoản 2, Điều 7, Nghị định 167/2013/NĐ-CP để xử phạt với mức 1-2 triệu đồng. Đó là còn chưa kể, cũng vẫn với hành vi xả rác khẩu trang y tế trên đường phố, người có vi phạm có thể sẽ chỉ bị áp dụng theo quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 12, Nghị định 46/2016/NĐ-CP, với mức phạt 300.000-400.000 đồng.

Ngay việc cơ quan chức năng lấy căn cứ nào để áp dụng một trong 3 nghị định nêu trên đã là điều đau đầu, chưa kể đến việc ai sẽ là người giám sát để thực hiện các chế tài đó. Cá nhân, đơn vị nào sẽ “theo dõi” để kịp thời phát hiện và lập biên bản người xả rác khẩu trang y tế trên hè phố? Theo quy định của pháp luật, muốn xử phạt hành chính thiết yếu cần phải có biên bản vi phạm. Nếu không có đủ lực lượng căng ra trên mọi nẻo đường, từng tuyến phố... thì làm sao có thể kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính? Đã không có biên bản vi phạm hành chính thì làm sao có thể xử phạt người vi phạm?

Quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cũng là một “rắc rối” không nhỏ đối với các cơ quan chức năng. Chẳng hạn nếu lực lượng làm nhiệm vụ đã “bắt quả tang” và lập biên bản vi phạm đối với một người nào đó về hành vi xả rác khẩu trang y tế ra hè phố, có thể chiếu theo Nghị định 155 để xử phạt. Song, không phải ai cũng có thể phạt tiền ở mức lên đến 7 triệu đồng. Theo quy định, chủ tịch UBND cấp xã (phường, xã, thị trấn) chỉ được phạt hành chính tới 5 triệu đồng. Muốn phạt kịch khung (7 triệu đồng) thì thẩm quyền lại thuộc về chủ tịch UBND và trưởng công an cấp huyện.

Qua những phân tích nêu trên có thể thấy, việc có tới 3 văn bản quy phạm pháp luật cùng điều chỉnh một hành vi vi phạm hành chính là xả rác khẩu trang y tế ra hè phố sẽ khiến lực lượng chức năng lúng túng trong xử lý vi phạm. Không thể để xảy ra tình trạng nơi thì áp dụng Nghị định 155 để xử phạt hành vi trên, nơi thì áp dụng Nghị định 167, còn nơi khác lại áp dụng Nghị định 46. Muốn áp dụng văn bản nào đều phải có căn cứ để người vi phạm thực sự tâm phục, khẩu phục. Ngoài ra, việc áp dụng thống nhất văn bản pháp luật cũng còn để đảm bảo công bằng giữa những người vi phạm.

Song, dù hành lang pháp lý không còn chồng chéo mà thống nhất quy về một mối, nhưng thử hỏi các cơ quan chức năng có thể đủ lực lượng để kiểm soát 24/7 đối với các hành vi vô ý thức của người dân? Mà dù có đủ lực lượng để kịp thời lập biên bản đối với hành vi xả rác khẩu trang y tế ra hè phố, thì việc phải ký thêm quá nhiều văn bản xử phạt hành chính như vậy liệu có khiến chủ tịch UBND, trưởng công an các cấp bị quá tải? Vậy nên, ngoài hành lang pháp lý, bên cạnh các chế tài nghiêm khắc, vẫn rất cần việc tuyên truyền, giáo dục để mỗi người dân tự có ý thức không vứt rác thải là khẩu trang y tế đã qua sử dụng, vừa khiến đường phố văn minh sạch đẹp, lại tránh lây lan bệnh tật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để lúng túng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO