Không thể chỉ là cái vỏ

Minh Quân 02/10/2019 07:30

Rất nhiều địa phương trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ thôn, ấp, bản, gia đình văn hóa rất cao. Nhưng vì sao tình làng nghĩa xóm phai nhạt, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội gia tăng? Phải chăng còn chạy theo thành tích, chưa thực chất? Và nông thôn mới có nơi dường như được hiểu là cái vỏ bề ngoài, tức là tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng trụ sở, đường sá, cầu cống, xây dựng mới các công trình văn hóa, xây cái vỏ thật to, mà không cần biết nó có hoạt động như thế nào, đem lại lợi ích gì.

Báo cáo mới đây của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương chỉ ra: Trong thực tế đang diễn ra tình trạng hệ thống thiết chế văn hóa ở nông thôn tuy đã đi vào hoạt động nhiều năm, nhưng kém hiệu quả, nhiều công trình văn hóa, thể thao thiếu người tham gia, hoạt động cầm chừng, chỉ diễn ra “xuân thu nhị kỳ” vào những dịp lễ, Tết. Nhiều nhà văn hóa ít khi hoạt động và thường khóa cửa. Đặc biệt, nhiều nhà văn hóa huyện được đầu tư với kinh phí lớn song phần lớn thời gian “nằm im”, sân nhà văn hóa trở thành bãi đỗ xe, nơi thả trâu bò…

Đáng tiếc là báo cáo còn rất chung chung, không “chỉ tên, điểm mặt” được những địa chỉ cụ thể. Nhưng qua đó đủ hình dung về một phong trào mà không ít nơi, ít chỗ chỉ lo về hình thức, chỉ là bề nổi trong xây dựng nông thôn mới. Khái niệm nông thôn mới dường như được hiểu là cái vỏ bề ngoài, tức là tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng trụ sở, đường sá, cầu cống, xây dựng mới các công trình văn hóa, xây cái vỏ thật to, mà không cần biết nó có hoạt động như thế nào, đem lại lợi ích gì?

Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, có nhiều lý do để giải thích sự yếu kém trong khai thác, sử dụng các nhà văn hóa ở nông thôn, song nguyên nhân chính vẫn là địa phương chỉ quan tâm xây dựng quy mô to đẹp, nhưng không chú ý nội dung hoạt động bên trong, chỉ lo “cái vỏ” để chạy theo thành tích. Nội dung hoạt động của các nhà văn hóa còn rất nghèo nàn, kém hấp dẫn. Bên cạnh đó, do đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao thôn, xã còn thiếu và yếu, chủ yếu sử dụng cán bộ kiêm nhiệm trái ngành nghề, không sáng tạo được những hoạt động phong phú, gần gũi cuộc sống, được người dân yêu thích.

Việc hình thức thể hiện rất rõ trong những báo cáo về việc xây dựng gia đình văn hóa. Dư luận đang đặt câu hỏi, tại sao tỷ lệ đạt gia đình văn hóa, nông thôn, ấp bản văn hóa rất cao mà vẫn diễn ra rất nhiều vụ bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội gia tăng, tình làng nghĩa xóm suy giảm. Việc bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa gia đình văn hóa ở một số địa phương đang không phản ánh đúng thực chất, còn hình thức và có biểu hiện chạy theo thành tích.

Trong thực tế, nhiều hình thức văn hóa, lối sống không lành mạnh thâm nhập về nông thôn, làm mất đi nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có. Chưa kể, những nét đẹp truyền thống trong tình cảm gia đình, họ mạc, hàng xóm láng giềng cũng đang có xu hướng phai nhạt do sự gia tăng kiểu nhà cửa kiên cố, kín cổng cao tường, sự xâm lấn của quan điểm sống sòng phẳng, cực đoan.

Hiện nay, thiết chế văn hóa ở cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân nên phát sinh các phương thức hoạt động văn hóa sai lệch. Bên cạnh đó, mặc dù tỷ lệ gia đình văn hóa ở các xã, thôn đạt trên 90%, nhưng có thể nói, con số chưa thực chất. Hiện, đời sống văn hóa ở nông thôn còn chứa đựng nhiều yếu tố, nhất là mối quan hệ văn hóa giữa con người với con người vẫn còn nhiều chuyện cần bàn.

Nông thôn mới là một nông thôn tiến lên hiện đại văn minh, nhưng không làm mất đi bản sắc vốn có. Đó phải là nơi di dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách con người Việt Nam đáp ứng được với thời đại mới. Xây dựng nông thôn mới không thể chỉ là cái vỏ bề ngoài, không chỉ dừng lại ở chỗ chỉ xây cái nhà, cái trụ sở mà phải đồng thời đầu tư cho cái ruột tức là những thiết chế văn hóa hoạt động phong phú, đa dạng, lôi cuốn đông người tham gia. Nhà văn hóa phải thật sự là nơi cố kết cộng đồng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân và ở đó, bản sắc nông thôn được gìn giữ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể chỉ là cái vỏ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO