Không thể thoái thác

Lê Anh Đức 05/01/2016 11:00

Nói như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn đặt quyền lợi của NLĐ, của nhân dân lên hàng đầu. Luật BHXH (sửa đổi) là bộ luật mang tính nhân văn, hướng tới quyền lợi của NLĐ. Song, quá trình thực hiện Luật BHXH cần phải có lộ trình, có bước đi thận trọng để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho NLĐ.

Không thể thoái thác

Ảnh minh họa.

Từ 1/1/2016, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của đơn vị (ĐV) và người lao động (NLĐ) sẽ tăng lên do phải cộng thêm khoản phụ cấp lương. Về lý thuyết thì tỷ lệ đóng BHXH không thay đổi, song do phải cộng thêm khoản phụ cấp lương nên số tiền đóng BHXH hàng tháng của NLĐ và chủ sử dụng lao động sẽ bị trội lên so với mức đóng BHXH cũ. Có ý kiến e ngại việc phát sinh thêm chi phí đóng BHXH sẽ khiến nhiều ĐV trốn đóng BHXH cho NLĐ. Song, nay các chủ sử dụng lao động sẽ hết đường trốn, bởi đã có chế tài lên tới 7 năm tù cho hành vi trên.

Theo quy định mới, mức đóng BHXH sẽ vẫn là 26%, trong đó NLĐ đóng 8%; ĐV đóng 18%. Mức đóng BHYT là 4,5%, trong đó NLĐ đóng 1,5%; ĐV đóng 3%. Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp là 2%, trong đó NLĐ đóng 1%; ĐV đóng 1%. Kinh phí công đoàn 2% sẽ do ĐV đóng tất. Như vậy, tổng số tiền phải nộp hàng tháng sẽ là 34,5% (bao gồm cả 2% phí công đoàn), thì NLĐ phải nộp 10,5% và ĐV phải nộp 24%. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2016 đến hết năm 2017 (1/1/2016 đến 31/12/2017), ĐV sẽ phải đóng BHXH trên cả phụ cấp lương của NLĐ.

Phụ cấp lương ở đây được hiểu là các khoản phụ cấp để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động, phụ cấp chức vụ, trách nhiệm... Để trấn an dư luận về việc nền đóng BHXH bị nâng cao hơn trước, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) Trần Thị Thúy Nga khẳng định, Bộ đã có Thông tư hướng dẫn rõ cách xác định các khoản tiền lương, các khoản phụ cấp và các khoản bổ sung khác. Các loại tiền thưởng, tiền sáng kiến, hỗ trợ đi lại, xăng xe, điện thoại, nuôi con... sẽ không được đưa vào khoản phụ cấp hay bổ sung để tính vào BHXH.

Cũng theo quy định mới thì mức đóng BHXH hàng tháng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng (được quy định tại Nghị định 122/2015/NĐ-CP ban hành ngày 14/11/2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016) tại thời điểm đóng: Vùng 1 là 3,5 triệu đồng/tháng , vùng 2 là 3,1 triệu đồng/tháng, vùng 3 là 2,7 triệu đồng/tháng, vùng 4 là 2,4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, NLĐ đã qua học nghề (kể cả lao động do DN dạy nghề) thì tiền lương đóng BHXH bắt buộc phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng, nếu làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì cộng thêm 5%. Ví dụ, một người tốt nghiệp trung cấp, làm việc tại Hà Nội, thì mức đóng bảo hiểm không được thấp hơn: 3,5 triệu + 3,5x7% = 3,745 triệu đồng/ tháng.

Quy định mới trong việc đóng BHXH sẽ có lợi nhiều hơn cho NLĐ, bởi cho dù có bị nâng tổng số tiền BHXH phải nộp hàng tháng thì con số chênh lệch NLĐ phải nộp thêm cũng không nhiều, trong khi các chế độ: ốm đau, thai sản, tử tuất, hưu trí đều nâng cao hơn trước nhiều.

Để giảm bớt khó khăn cho ĐV, DN trong tình hình kinh tế - xã hội hiện nay nên Quốc hội đã quyết định đưa ra lộ trình 2 bước thực hiện quy định BHXH mới. Cụ thể, trong 2 năm (2016- 2017), mức đóng BHXH chỉ tính theo lương và phụ cấp lương. Bắt đầu từ 1-1-2018, mức đóng BHXH sẽ cộng thêm có thêm các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. Ở đây, các khoản bổ sung khác là các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương. Hoặc các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của NLĐ.

Từ 1/1/2016 đến 31/12/2017, vẫn tạm thời đóng BHXH bắt buộc đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trong tất cả các cơ quan, đơn vị (không phân biệt số lượng lao động đơn vị đang sử dụng). Song, từ 1/1/2018, sẽ đồng loạt thực hiện đóng BHXH bắt buộc đối với người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng. Sở dĩ bổ sung quy định này bởi theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, “lưới” an sinh hiện rất mỏng.

Đặc biệt, công cụ hữu hiệu nhất để bảo vệ NLĐ, tránh việc các chủ sử dụng lao động trốn đóng BHXH, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã quy định tại Điều 216 phạt tới 7 năm tù đối với hành vi trốn tránh đóng BHXH cho NLĐ. Theo Điều 216 Bộ luật Hình sự (sửa đổi), người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH theo quy định từ sáu tháng trở lên (đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm) thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc bị phạt tù 2-7 năm.

Nói như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn đặt quyền lợi của NLĐ, của nhân dân lên hàng đầu. Luật BHXH (sửa đổi) là bộ luật mang tính nhân văn, hướng tới quyền lợi của NLĐ. Song, quá trình thực hiện Luật BHXH cần phải có lộ trình, có bước đi thận trọng để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho NLĐ. Từ nay, các chủ sử dụng lao động sẽ hết đường trốn chạy, không thể thoái thác trách nhiệm đối với NLĐ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể thoái thác

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO