Không thể trăm sự đẩy lên...

Lê Anh Đức 25/04/2020 08:00

Mới đây, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc một đơn vị cung cấp 310 m3 đá dăm không đạt yêu cầu của chủ đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Về việc này, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, trách nhiệm giải quyết nguyên vật liệu chưa đạt chuẩn thuộc chủ đầu tư và đơn vị cung cấp, chỉ cốt sao dự án đạt chất lượng là được. Một việc “cỏn con” như vậy mà cũng phải báo cáo Thủ tướng thì có đáng hay không? Không nên trăm sự đều đẩy lên Chính phủ.

Không thể trăm sự đẩy lên...

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sau 10 năm thi công vẫn dang dở.

Cụ thể, tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ GTVT, tỉnh Tiền Giang và các đơn vị liên quan tới Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, một số ý kiến đã đưa ra “mổ xẻ” về việc có cần thiết phải “chuyện bé xé ra to”, chỉ có 310m3 đá dăm dùng gia tải mà cũng phải khiến Thủ tướng Chính phủ phải bận tâm. Theo phân cấp, việc phải đảm bảo chất lượng công trình giao thông là trách nhiệm của chủ đầu tư, Bộ GTVT và địa phương chứ không phải của Chính phủ. Thủ tướng chỉ cho ý kiến về những vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nêu trên.

Thủ tướng Chính phủ phải điều hành vĩ mô trên tất cả các lĩnh vực, nên không thể có thời gian để giải quyết những việc cụ thể đã phần cấp, phân quyền. Đáng buồn là lâu nay, có nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành, địa phương, nhưng những cơ quan này không chịu giải quyết mà cứ automatic “báo cáo” Thủ tướng, đẩy quả bóng trách nhiệm lên Chính phủ. Lý do của việc làm trên hết sức đơn giản: Nếu xảy ra việc gì ngoài ý muốn thì cá nhân, đơn vị đó sẽ không phải chịu trách nhiệm gì cả.

Nói có sách, mách có chứng. Vụ việc quán cà phê “Xin chào” là một ví dụ điển hình của việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Xét về thẩm quyền, khi công an xã, thậm chí công an huyện làm sai thì trách nhiệm giải quyết thuộc về Công an TPHCM và Viện KSND cùng cấp. Song, đáng tiếc là các cơ quan này cứ lờ đi coi như không nghe, không thấy, chỉ đến khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mới nháo nhào vào cuộc để xác minh, làm rõ.

Có lẽ sẽ có ý kiến cho rằng, vụ việc quán cà phê “Xin chào” xảy ra lâu rồi, cái thời đó thế chứ bây giờ đã “tiến bộ” hơn rất nhiều rồi. Vâng, vậy thì xin điểm ra việc mới xảy ra nóng hôi hổi tại thời điểm này để minh chứng cho sức ì của không ít cơ quan chức năng. Trong bối cảnh cả nước phải gồng mình lên chống đại dịch Covid-19, có không ít cá nhân, đơn vị vẫn thiếu trách nhiệm hoặc có hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch. Song, không có bất cứ cơ quan chức năng nào thực hiện thẩm quyền được giao để xử lý.

Chỉ đến khi Thủ tướng Chính phủ hơn một lần yêu cầu xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về phòng chống đại dịch Covid-19, lúc đó các cơ quan có thẩm quyền mới rục rịch thực thi pháp luật. Sau vài lần Thủ tướng, Phó Thủ tướng (Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19) yêu cầu thực hiện các biện pháp mạnh tay, mới có các cá nhân bị phạt hành chính. Và cũng phải đến khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mới có hướng dẫn xử lý hình sự những trường hợp vi phạm quy định về phòng chống đại dịch này.

Trong khuôn khổ bài viết này không thể liệt kê hết được những trường hợp bộ, ngành, địa phương đùn đẩy trách nhiệm lên Chính phủ. Song, qua những ví dụ nêu trên cũng đủ thấy có khá nhiều cơ quan chức năng, những cá nhân lãnh đạo bộ, ngành, địa phương chưa làm hết trách nhiệm được giao, khiến Thủ tướng Chính phủ thêm vất vả. Hàng ngày, Thủ tướng Chính phủ đã có hàng “núi việc” phải giải quyết, nếu bộ, ngành, địa phương nào cũng “báo cáo” những sự vụ nhỏ nhặt thì làm sao Thủ tướng có thể giải quyết hết?

Trong các quy định của pháp luật đã có sự phân cấp, phân quyền rõ ràng về việc bộ sẽ làm gì, ngành trách nhiệm ra sao, địa phương thế nào. Song, có khá nhiều đơn vị không làm tròn chức trách, sợ trách nhiệm nên tìm cách đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan khác, hoặc tiện nhất là đẩy lên Chính phủ dưới hình thức... báo cáo. Việc phân cấp, phân quyền là để mọi việc được giải quyết suôn sẻ, nhanh gọn, tránh mọi phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cũng là để tránh quá tải cho các cơ quan Trung ương, nhất là Chính phủ. Song, nếu bất cứ việc gì cũng “báo cáo” Thủ tướng thì lãnh đạo bộ, ngành, địa phương sẽ làm gì?

Trở lại câu chuyện “báo cáo” Thủ tướng 310m3 đá dăm dùng gia tải ở Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chưa đạt chuẩn. Bộ GTVT, tỉnh Tiền Giang và các đơn vị liên quan hoàn toàn có thể tự xử lý được việc này để đảm bảo chất lượng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, chứ không phải báo cáo Thủ tướng. Nếu phát hiện vật liệu không đạt chuẩn thì loại ra, nếu không phát hiện được thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về chất lượng con đường vì đã không thực hiện giám sát tốt...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể trăm sự đẩy lên...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO