Lại một đề xuất trái khoáy

Lê Anh Đức 11/05/2020 07:30

Tại Khoản 3, Điều 27, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi, bổ sung Luật GTĐB 2008), Bộ GTVT đề xuất quy định: Mô tô, xe máy, xe điện... phải bật đèn cả ngày để “nhận diện”. Bộ GTVT cho rằng, từ năm 2004 Việt Nam đã tham gia Công ước Viên (1968) nên phải tuân thủ quy định của Công ước này về việc bật đèn phương tiện giao thông cả ngày.

Lại một đề xuất trái khoáy

Dự thảo quy định bật đèn xe máy ban ngày đang nhận được nhiều ý kiến.

Việc một số nước trong khu vực ASEAN (Thái Lan, Indonesia, Malaysia...) đã áp dụng quy định này cũng là một căn cứ để Bộ GTVT đối chiếu, “học tập”. Ngay lập tức, vấn đề đã nhận được nhiều ý kiến.

Trước làn sóng phản ứng trái chiều của dư luận xã hội về đề xuất trái khoáy này, Bộ GTVT giải thích: Việc đưa quy định mô tô, xe máy, xe điện... phải bật đèn cả ngày không chỉ là tuân thủ quy định chung của công ước quốc tế, mà còn để đảm bảo an toàn cho người điều khiển phương tiện. Bộ GTVT cho rằng, trong dòng xe hỗn hợp thì mô tô, xe máy được coi là yếu thế hơn nên cần bật đèn để tăng cường nhận diện, giúp người điều khiển ô tô dễ dàng nhận ra tránh xảy ra các vụ TNGT đáng tiếc.

Về việc vì sao mô tô, xe máy phải bật đèn cả ngày thì lái xe ô tô mới có thể “nhận diện”, đại diện Bộ GTVT lý giải: Xe ô tô, nhất là xe tải, xe container thường có “điểm mù” nên tài xế khó phát hiện ra nếu xe máy đi vào điểm mù đó. Việc bật đèn sẽ giúp các lái xe ô tô “nhìn thấy” mô tô, xe máy ở “điểm mù”, giảm thiểu nguy cơ TNGT. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giao thông đường bộ thì cách lý giải trên là hết sức khiên cưỡng, không thuyết phục, chỉ nhằm mục đích bảo vệ đề xuất bất hợp lý.

Giờ hãy thử phân tích từng lý do giải thích cho đề xuất quy định mô tô, xe máy, xe điện phải bật đèn cả ngày, để có được cái nhìn toàn diện. Trước hết, phải thừa nhận rằng khi chúng ta tham gia vào bất cứ công ước quốc tế nào cũng cần tuân thủ các quy định của nó. Song, điều đó không có nghĩa chúng ta “bê nguyên si” quy định của công ước về để xây dựng luật ở Việt Nam. Trong trường hợp này, quy định bật đèn cả ngày chỉ phù hợp với các nước có ánh sáng yếu, sương mù...

Ngay cả ở Việt Nam, vào những ngày đông rét mướt, khi mà ánh sáng không đủ, sương mù dày đặc khiến tầm nhìn xa bị hạn chế, dù luật không quy định bắt buộc thì người điều khiển phương tiện vẫn phải bật đèn xe để đảm bảo ATGT. Có ai dại gì “đi mò” trong khi xe có đèn mà không bật? Có ai không muốn bật đèn để rồi bất ngờ bị xe phía sau húc vào đuôi, xe ngược chiều lao vào mình hay không? Với một điều “tất nhiên” như vậy thì liệu có cần thiết phải quy định vào luật?

Tiếp đến là lý do “điểm mù” của xe ô tô. Không phủ nhận hầu hết các loại xe ô tô, nhất là xe tải, xe container có một số hạn chế về quan sát. Song, do xe vẫn đang di chuyển nên “điểm mù” là điểm mù động, vì thế không thể có chuyện mô tô, xe máy luôn ở trong “điểm mù” khiến tài xế không “nhận diện” được. Nếu lái xe ô tô tuân thủ đúng các quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn giữa các phương tiện, đi đúng làn đường, phần đường... thì dù có “điểm mù” cũng không thể gây TNGT.

Ở trên mới chỉ phân tích việc không cần thiết phải bật đèn, giờ hãy xem xét đến việc không nên bật đèn vì khía cạnh gây hại của nó. Với một môi trường giao thông có tầm nhìn hạn chế thì việc bật đèn là cần thiết và bắt buộc đối với tất cả các phương tiện chứ không riêng gì mô tô, xe máy. Tất nhiên, trong trường hợp này thì việc bật đèn chỉ có lợi mà ít gây hại tới phương tiện khác. Song, nếu ban ngày mà bật đèn sẽ gây chói mắt người điều khiển phương tiện ngược chiều, làm họ giật mình không thể xử lý tình huống.

Nguy hại hơn ở chỗ, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới nên nhiệt độ luôn ở mức cao, thử hình dung hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu chiếc xe máy cùng bật đèn suốt ngày thì sẽ xảy ra điều gì? Việc bật đèn suốt ngày không chỉ tăng thêm nhiệt độ, mà còn khiến việc tiêu thụ nhiên liệu (xăng, dầu, điện ắc quy...) tăng lên, xả thải nhiều ô nhiễm hơn ra môi trường. Mô tô, xe máy càng dùng nhiều xăng, dầu thì càng phun nhiều khói bụi, xe điện càng xài nhiều điện thì càng chóng vứt ắc quy, đó không phải là những thứ độc hại hay sao?

Vậy nên, dư luận xã hội mong các cơ quan chức năng, trong trường hợp cụ thể này là Bộ GTVT cần có sự cân nhắc kỹ càng khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Đừng vì lý do nào đó mà copy luật của các nước khác để áp dụng vào Việt Nam. Trước khi “học tập đội bạn”, cần phải quan sát, lắng nghe, tìm hiểu thực tế, thực địa... để áp dụng quy định phù hợp với Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lại một đề xuất trái khoáy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO