Làm giàu từ nông nghiệp

Hạnh Nhân 25/02/2020 07:30

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp nước ta có tiến bộ đáng mừng, từ một nước thiếu ăn, chúng ta trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD. Hiện nay, nông nghiệp Việt Nam còn tiềm năng lớn, có thể làm giàu từ nông nghiệp.

Làm giàu từ nông nghiệp

Sản phẩm nông nghiệp sạch sẽ cho thu nhập cao.

Khẳng định vai trò nòng cốt của doanh nghiệp (DN), đặc biệt là khối DN tư nhân đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa, đưa nông nghiệp phát triển, Thủ tướng ghi nhận: Thông điệp chung các DN khẳng định đầu tư để làm giàu từ nông nghiệp, nông nghiệp có thể làm giàu. Đó là cơ hội, niềm tin mới để chúng ta tiếp tục đầu tư phát triển các thế mạnh nông nghiệp đa dạng, phong phú ở nhiều địa phương.

Trong 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt khoảng 5-7%. Hiện nay, tại nhiều địa phương đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế đảm bảo chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm, có trên 7.500 DN quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu. Ngành hàng có nhiều cơ sở chế biến nhất là gỗ, khi cả nước hiện có khoảng 4.500 cơ sở chế biến gỗ, tập trung 80% ở các tỉnh miền Nam, mỗi năm tiêu thụ trên 40 triệu m3 gỗ. Tiếp đến là thủy sản, có 636 cơ sở chế biến công nghiệp gắn với xuất khẩu và trên 3.000 cơ sở chế biến nhỏ với sản lượng chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa khoảng 4,5 - 5 triệu tấn/năm…

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2030, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của Việt Nam đặt mục tiêu “đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới”, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu và có đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp với tốc độ giá trị hàng nông sản qua chế biến sâu đạt 7-8%/năm; tỷ trọng sản lượng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao của ngành đạt từ 30% trở lên; trên 50% số cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến; xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến nông sản có quy mô lớn, hiện đại, năng lực cạnh tranh quốc tế cao.

Đối với lĩnh vực cơ giới hóa mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt từ 80-100%; công suất máy trang bị bình quân cả nước đạt 5-6HP/ha vào năm 2030. Tại những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa mức độ cơ giới hóa được đồng bộ và tiến tới tự động hóa.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng chỉ ra những khó khăn và tồn tại của ngành chế biến nông sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là những thách thức về hội nhập quốc tế sâu rộng và tác động của biến đổi khí hậu, đe dọa trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp, nhất là nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến nông sản và trình độ công nghệ thích ứng ngày càng cao của lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp.

Do đó vấn đề đặt ra là phải lựa chọn các DN “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị vận hành một cách thông suốt, hiệu quả như: Cụm liên kết vùng trồng lúa gắn với cơ sở xay xát, bảo quản tại các tỉnh ĐBSCL và đồng bằng sông Hồng; Cụm liên kết vùng nuôi tôm nước lợ và cá tra gắn với cơ sở chế biến đông lạnh xuất khẩu tại các tỉnh ĐBSCL; Cụm liên kết vùng trồng rau và cây ăn quả gắn với cơ sở bảo quản, chế biến rau quả xuất khẩu tại các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ...

Và, câu chuyện tìm kiếm, khai thác nhiều thị trường mới để tránh lệ thuộc vào một thị trường đang được đặt ra khi mà vấn đề giải cứu nông sản, nông sản được mùa rớt giá xảy ra thường xuyên. Ông Nguyễn Quốc Toản- Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết: Trước đây, tại các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, các tham tán được bố trí để thực hiện nhiệm vụ giải quyết các vấn đề chung về thương mại. Nay, Chính phủ cho phép ngành nông nghiệp thí điểm cử tham tán thương mại riêng về lĩnh vực nông nghiệp, nhằm nắm bắt thông tin, gỡ vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, tạo dư địa cho việc mở cửa thị trường, chứ không đơn thuần chỉ là tháo gỡ rào cản kỹ thuật. “Đến thời điểm này, Việt Nam đã có tham tán thương mại nông nghiệp tại Mỹ và EU. Đây là những bước thực thi Đề án thí điểm thiết lập hệ thống tham tán nông nghiệp được Chính phủ chỉ đạo”- ông Toản thông tin.

Như vậy, với khoảng 65% nông dân, khi nông nghiệp phát triển mạnh thì khả năng giàu có lên của bà con là khả thi. Đặc biệt là khi nông nghiệp được cơ giới hóa đồng bộ, hiện đại. Và nhất là khi có nhiều DN sát cánh cùng nông dân làm giàu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm giàu từ nông nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO