Lỏng lẻo kiểm định trường 'quốc tế'

Thu Hương 12/08/2019 08:30

Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) và các Luật trước đó chỉ quy định 3 loại hình nhà trường là công lập, dân lập và tư thục nên dù phụ huynh chi hàng trăm triệu đồng để con học trường “quốc tế” thì thực chất, chất lượng đào tạo của các trường này đến đâu vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Sau vụ việc đau xót xảy ra tại Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway (Hà Nội) tuần qua, hàng loạt vấn đề liên quan đến trường quốc tế được ngành giáo dục và cả xã hội “xới lên”. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề nghị Sở GDĐT Hà Nội sớm tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra những cơ sở giáo dục mang danh quốc tế để nhận diện rõ hơn, quản lý tốt hơn, nâng cao chất lượng giáo dục. Kết quả thanh tra trước đó cho thấy, Sở GDĐT Hà Nội chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý hoạt động liên kết đào tạo và cấp phát văn bằng, chứng chỉ. Công tác quản lý thiếu chặt chẽ dẫn đến hoạt động liên kết đào tạo trên địa bàn có nhiều thiếu sót, sai phạm. Công tác quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ của Sở, các phòng GDĐT và các cơ sở giáo dục chưa chặt chẽ, tiềm ẩn phát sinh phức tạp.

Theo thống kê, ở Hà Nội chỉ có 7 trường quốc tế đang hoạt động, số trường còn lại có gắn thêm chữ “quốc tế” nhưng bản chất không phải như vậy. Tương tự, theo số liệu công bố trên website của Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố chỉ có 21 trường phổ thông có yếu tố nước ngoài nhưng trên thực tế, nhiều trường khác tự gắn mác “quốc tế” vào để thu hút tuyển sinh.

Vậy, trường như thế nào được gọi là trường quốc tế?

Hiện chỉ có Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định hợp tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, trong đó quy định: Liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; Cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong đó, Điều 29 quy định việc đặt tên theo thứ tự: Trường - cấp học hoặc trình độ đào tạo - tên riêng. Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài có tên giao dịch bằng tiếng Việt và tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh. Ông Lê Hồng Vũ- Trưởng Phòng GDĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) dẫn chứng ở quận Tây Hồ có một số trường ban đầu xin cấp phép cũng để tên tiếng Anh nhưng đơn vị đề nghị chỉ đứng tên tiếng Việt như: Ánh Dương, Khởi Nguyên… Tên tiếng Anh nếu có cũng chỉ được mở ngoặc để bên cạnh.

Như vậy, trường có vốn đầu tư nước ngoài cũng không quy định có từ “quốc tế”. Việc một số trường “tự phong” quốc tế nhằm đánh vào tâm lý sính ngoại của phụ huynh để thu hút học sinh với học phí cao.

Điều kỳ lạ ở đây, theo TS Vũ Thu Hương- chuyên gia giáo dục, đó là các cấp quản lý khẳng định không có trường nào gọi là trường quốc tế nhưng trong tất cả các hoạt động quảng bá, giao dịch với phụ huynh và xã hội, trường vẫn ngang nhiên gắn thêm từ “quốc tế” mà không hề bị tuýt còi. Phụ huynh thì luôn nghĩ một khi nhà trường đã gắn thêm từ “quốc tế” công khai như vậy, trong một thời gian dài mà không bị xử phạt thì chắc là… đúng “quốc tế” rồi! Trách phụ huynh không tìm hiểu kỹ thông tin nhưng trách nhiệm quản lý lỏng lẻo của các phòng, Sở GDĐT và Bộ GDĐT trong vấn đề này cũng không thể xóa bỏ.

Để phân biệt trường quốc tế và trường mang danh quốc tế, theo các chuyên gia không phải dễ. Trên thực tế, có ý kiến cho rằng những trường quốc tế thực sự phải dạy học theo chương trình quốc tế, 100% vốn đầu tư nước ngoài và nhiều quy định, tiêu chuẩn về giáo viên, ngôn ngữ… Một ý kiến khác cho rằng trường quốc tế phải có học sinh quốc tế, giáo viên quốc tế, có cơ sở ở nhiều nước, được thừa nhận rộng rãi ở nhiều quốc gia; văn bằng, chứng chỉ cũng phải được các nước công nhận…

Ông Nguyễn Hoài Chương- nguyên Phó Giám đốc Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh cho rằng dựa vào chương trình học, đội ngũ giáo viên, ngôn ngữ, cơ sở vật chất hoặc đơn giản là tổ chức kiểm định chương trình… nhiều trường “tự phong” là trường quốc tế bất chấp quy định hiện nay không có khái niệm trường quốc tế trong Luật. Phụ huynh lầm tưởng về cơ sở vật chất hoành tráng, những lời quảng cáo có cánh về chương trình học, đội ngũ giáo viên… với ước muốn con trở thành “công dân toàn cầu” nên không ngại đầu tư hàng trăm triệu đồng để đăng ký học.

Trước khi xảy ra sự việc ở Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway, một thời gian dài không có bất cứ trường “quốc tế” tự xưng nào bị xử phạt mặc dù họ đã để tên không đúng. Vấn đề kiểm định chất lượng của các trường này cũng bỏ ngỏ khi nhà trường thoải mái quảng cáo quảng bá, giới thiệu tới phụ huynh vô số lời có cánh nhưng thực tế đã được các phòng, Sở GDĐT và các cơ quan chức năng khác kiểm định hay chưa thì… không ai biết được!

Vẫn biết với nhân lực có hạn, ngành giáo dục không thể “ôm đồm” làm được tất cả mọi việc nhưng không thể mãi để xảy ra tình trạng sự việc diễn ra rồi mới đuổi theo để “chữa cháy”. Vụ việc ở Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway chính là một hồi chuông cảnh báo ngành giáo dục cần quyết liệt trong việc thanh kiểm tra, chấn chỉnh đối với các trường mang danh quốc tế. Bởi trên thực tế, nếu các trường này dạy học không đúng như quảng cáo, người học sẽ thiệt thòi, phải chi trả mức học phí cao không đáng và không thể có nguồn nhân lực chất lượng như mong đợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lỏng lẻo kiểm định trường 'quốc tế'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO