Một kỳ họp nhiều đổi mới

Hoàng Mai 21/11/2018 08:00

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là kỳ họp tiếp tục có những cải tiến, đổi mới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Quốc hội; việc thảo luận, tranh luận và giải trình không ngừng được tăng cường, không khí làm việc sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm, thu hút sự quan tâm, theo dõi của nhân dân, cử tri.

Một kỳ họp nhiều đổi mới

Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, ngày 20/11/2018. Ảnh: Quang Vinh.

Kết quả của kỳ họp tạo niềm tin về sự nỗ lực, đoàn kết, nhất trí để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ của những năm tiếp theo và cả nhiệm kỳ 2016-2020.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã bàn và quyết định rất nhiều việc trọng đại của quốc gia. Với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước ta, được nhân dân và cử tri đánh giá cao.

Bên cạnh đó, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về nhân sự thành viên Chính phủ bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. Quốc hội cũng đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện mức độ tín nhiệm và sự ghi nhận, đánh giá công tâm, khách quan về những nỗ lực, kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Quốc hội đề nghị những người được lấy phiếu tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Vì là kỳ họp cuối năm, kỳ họp có ý nghĩa sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Qua việc đánh giá cho thấy, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm qua vẫn phát triển khá toàn diện, việc cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt mục tiêu, tiến độ đề ra, GDP tăng trưởng tích cực, an sinh xã hội và đời sống của Nhân dân từng bước được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, hoạt động tư pháp, công tác xây dựng chính quyền có nhiều đổi mới, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao.

Chính vì lẽ đó, “Quốc hội đánh giá cao sự điều hành quyết liệt và sát sao của Chính phủ, sự chủ động, nỗ lực, phối hợp hiệu quả của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương, lực lượng vũ trang và cộng đồng doanh nghiệp, cùng các tầng lớp Nhân dân về những thành tích nổi bật của năm 2018 và trong 3 năm qua; đồng thời, đã phân tích, chỉ ra những bất cập, hạn chế, khó khăn, thách thức của nền kinh tế nước ta và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm tiếp tục phát triển bền vững trong bối cảnh mới. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã quyết định và thông qua 4 nghị quyết về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước”.

Đối với công tác xây dựng luật và pháp lệnh, Quốc hội đã thông qua 9 luật và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Đặc biệt, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với sự đồng thuận rất cao, “là quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định này, điều đó có ý nghĩa quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế”- Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên bế mạc. Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đã giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4.

Bên cạnh những đổi mới, những điều đã làm được, kỳ họp này khép lại với những băn khoăn không nhỏ về ứng xử của ĐBQH- những người được cử tri và nhân dân lựa chọn và thay mặt cử tri, nhân dân quyết định các vấn đề trọng đại. Chuyện ĐBQH tranh luận với trưởng ngành thì không cần bàn; nhưng việc ĐBQH tranh luận với nhau về các vấn đề đặt ra tại chất vấn đã cho thấy không chỉ sự “lạc đề” mà còn là chuyện khác nữa. Tranh luận để đi đến chân lý là điều nên làm; nhưng tranh luận để “vùi dập” nhau qua đó ‘ghi điểm” cho mình dường như không phải là một ứng xử hay. ĐBQH cũng là người của công chúng, xét ở góc độ ảnh hưởng của ĐBQH đến với cử tri và nhân dân, vì thế, mỗi phát ngôn của ĐBQH sẽ còn được cử tri và nhân dân ghi nhớ và giám sát. Dù biết, qua cuộc chất vấn lẫn nhau ấy chắc các ĐBQH cũng đã có thêm một kinh nghiệm cho những ứng xử nơi nghị trường.

Khép lại một kỳ họp với 22 ngày làm việc và những nội dung đầy ắp, Quốc hội đã đi được nửa chặng đường của khóa XIV với nhiều thành công và có cả những tồn tại cần khắc phục; nhưng mỗi niềm vui hay nỗi niềm ấy sẽ là một kinh nghiệm quý trong hoạt động lập pháp và cũng là một kinh nghiệm quý cho ĐBQH và cho cả những ai muốn trở thành ĐBQH.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một kỳ họp nhiều đổi mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO