Những ngày này tại vùng lũ lụt ngoại thành Hà Nội, cùng với biển nước mênh mông, không phân biệt được đâu là đường, đâu là sông, thì thứ mà người ta dễ nhìn thấy nhất là rác nổi lềnh phềnh. Trong đó nhiều nhất vẫn là túi nilon, xác chết động vật… Âu cũng bởi thói quen xả rác bừa bãi hàng ngày ở cả nông thôn và thành thị lâu nay. Giờ thì nước nổi kéo theo cả rác nổi, tiềm ẩm trong đó là nguy cơ các loại dịch bệnh có thể bùng phát ngay từ trong tâm lũ lụt.
Ô nhiễm môi trường do nước ngập dài ngày tại Chương Mỹ (Hà Nội). Ảnh: Quang Vinh.
Sau hơn 10 ngày diễn ra mưa lũ, môi trường tại các xã trong huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội bị ô nhiễm nghiêm trọng. Người dân nhiều xã vùng Hữu Bùi đang phải gồng mình chống lại tình trạng rác bủa vây khắp nơi, thiếu nước sạch trong nhiều ngày, vấn đề thông tin liên lạc và giao thông gần như tê liệt… Nhưng điều đáng lo lắng là hiện có tới hơn 700 người dân nơi đây đang đứng trước nguy cơ nhiễm nhiều dịch bệnh do sống trong vùng mưa lũ kéo dài nhiều ngày qua. Con số người nhiễm dịch bệnh đang được dự báo có thể sẽ tăng cao bởi tình hình ngập lụt vẫn có thể kéo dài trong những ngày tới.
Thậm chí ngay cả ở nội thành Hà Nội, đoạn sông Tô Lịch chảy qua Kim Giang, sau nhiều ngày phải đối mặt với những trận mưa lớn kéo dài, lòng sông nước sủi bọt đen ngòm, rác rưởi trôi nổi trên mặt sông gây mất mỹ quan đô thị. Thời tiết ẩm ướt, nước bẩn tù đọng cùng với sự ô nhiễm môi trường đang khiến người dân lo lắng về nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát trở lại.
Lũ lụt là thời điểm khiến người ta nhìn rõ hơn tác hại của việc xả rác bừa bãi. Vào những ngày trời mưa tầm tã, đường phố đô thị lại tràn ngập trong biển nước với rác thải nổi lềnh bềnh. Ở nhiều vùng nông thôn – cho dù đã xây dựng nông thôn mới, nhưng người dân nhiều nơi vẫn có thói quen xả rác xuống sông, hồ. Động vật chết bệnh hoặc chết hàng loạt do dịch bệnh, thay vì chôn xuống đất, không ít người lại mang bỏ xác động vật chết thả trôi sông. Hoặc thay vì dùng túi chứa đồ thân thiện với môi trường, gói đồ bằng lá sen, lá chuối…thì nhiều năm nay người dân ở nông thôn đã chuyển qua dùng túi nilon. Một số địa phương đã và đang phát động người dân sử dụng túi chứa đồ thân thiện với môi trường, nhưng khi kết thúc những dự án được tài trợ, thì thói quen vẫn trở lại.
Điều đáng suy ngẫm là ngay ở nơi có cắm biển “Cấm xả rác” hoặc “Cấm đổ rác” thì rác lại tập trung nhiều nhất. Ai cũng muốn giữ cho sạch nhà mình, nhưng lại không có trách nhiệm với môi trường xung quanh. Con người đang vô tư xả rác và sống chung với rác. Cống rãnh, ao hồ tắc nghẽn cũng bởi rác bị thả xuống cống thoát nước, chặn dòng chảy của sông hồ. Tất cả cũng do một bộ phận không nhỏ người dân chưa ý thức đúng đắn về việc phải bảo vệ mình, bảo vệ môi trường sống.
Trước tình trạng mưa lớn, ngập lụt kéo dài nhiều ngày ở ngoại thành Hà Nội, các chuyên gia Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế cảnh báo các ổ dịch bệnh truyền nhiễm rất dễ xảy ra như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, đặc biệt cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, ... Do đó giải pháp trước mắt là người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác; đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ…
Được biết hiện tại huyện Chương Mỹ- Hà Nội đã có những trạm y tế dã chiến được thành lập, thường trực cấp cứu 24/24 giờ, tổ chức cấp phát thuốc cho người dân bị cô lập như thuốc ngoài da, thuốc phòng chống đau mắt đỏ, hóa chất CloraminB, phèn chua, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em, phụ nữ có thai và người cao tuổi có nguy cơ mắc các dịch bệnh mùa mưa lũ. Cùng với đó, Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) cũng đã có công văn số 805/MT-SKHC gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, quản lý chất thải cơ sở y tế sau bão lũ.
Ô nhiễm môi trường sau bão lũ, âu cũng là những việc đã được cảnh báo trước. Chỉ mong sau mưa bão, lũ lụt, trước những hệ lụy đang phải trải qua, trước nguy cơ phải đối mặt- mỗi người sẽ ý thức tốt hơn về việc gìn giữ, bảo vệ môi trường sống.