Ngăn ngừa tội phạm

Kiên Long 14/09/2019 08:00

Báo cáo của Bộ Công an về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật vừa qua cho thấy, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Vấn đề đặt ra là cần sớm phải có nhiều biện pháp rốt ráo, kiên quyết hơn để ngăn chặn, phòng, chống tội phạm. Đồng thời không chỉ các cơ quan pháp luật, việc ngăn chặn tội phạm cần phải có sự vào cuộc của toàn xã hội ở mọi lĩnh vực khác nhau, để chung tay xây dựng một xã hội yên bình.

Thực tế xã hội thời gian qua đã minh chứng cho những gì như báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: Xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo như giết nhiều người, giết người vứt xác, chặt xác, đốt xác, giết phụ nữ và trẻ em. Vụ án giết 4 người trong một gia đình xảy ra ở huyện Đan Phượng, TP Hà Nội vừa qua là một ví dụ. Đau xót biết bao khi hung thủ chính là người anh ruột đã ra tay hạ sát cả gia đình người em, không kể đó là em ruột, em dâu, cháu gái, kể cả cháu bé mới 1 tuổi. Hay như vụ án ở huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đầu tháng 9 vừa qua, người bác đã cầm dao chém đứa cháu sinh năm 2009 đứt lìa bàn tay trái, bị thương tay phải, hỏng mắt trái…

Từ các vụ việc xảy ra cho thấy tính chất tội phạm ngày càng dã man, tàn bạo, mất hết nhân tính. Tội phạm do tác động của ma tuý, rượu bia, con người không làm chủ được thời nào cũng có, nhưng thời nay ảnh hưởng của ma tuý, nhất là ma tuý đá lại càng gây hậu quả nghiêm trọng hơn. Không ít các vụ án do ngáo đá, hung thủ giết người thân trong gia đình, thậm chí con giết cha mẹ, vợ chồng anh em giết hại lẫn nhau. Còn với các vụ án là do động cơ cố tình thì thủ đoạn, hành vi lại càng tàn nhẫn hơn. Như vụ án tại Đan Phượng, hung thủ không chừa đất sống cho bất kỳ ai, sau khi gây tội, y vẫn nhơn nhơn kể lại hành vi phạm tội của mình.

Nguyên nhân của hầu hết các vụ án liên quan đến tội phạm đều xuất phát từ lòng tham. Nếu như trước kia vì đồng tiền, người ta mua bán, vận chuyển một vài bánh heroin, thì nay là hàng chục, hàng trăm bánh heroin. Nếu như trước kia chỉ xuất hiện một số vụ tham nhũng, thất thoát mấy chục triệu, vài trăm triệu thì nay nhiều vụ con số lên đến hàng chục, hàng trăm tỉ. Các đối tượng phạm tội cũng đa dạng.

Thực tế từ các địa phương cũng cho thấy như nhận định của Bộ Công an, tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn xảy ra nhiều, nhất là tội phạm dâm ô. Nạn bảo kê, tín dụng đen, cầm đồ, xiết nợ, đòi nợ thuê gắn với hành vi bắt giữ người trái pháp luật liên tục diễn ra. Không chỉ ở thành thị, mà ở các vùng thôn quê, vì cờ bạc, nợ tín dụng đen, nhiều gia đình tán gia, bại sản, mất nhà cửa, nợ nần không biết đến bao giờ mới trả hết.

Trước tình trạng tội phạm nan giải, phức tạp, người ta băn khoăn về trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Bởi để ngăn ngừa tội phạm phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có trách nhiêm. Những năm trước đây, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đã từng gia tăng, hoành hành ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Đảng, Chính phủ đã phải chỉ đạo quyết liệt các ban ngành, ngành công an nỗ lực vào cuộc với những giải pháp tích cực như sự ra quân mạnh mẽ của lực lượng 141, Cảnh sát hình sự..., tội phạm đã giảm, được dư luận hoan nghênh, xã hội ghi nhận.

Thời gian qua, tội phạm vi phạm pháp luật, diễn biến phức tạp có nguyên nhân xã hội, nhưng cũng có cả những nguyên nhân chủ quan trong đấu tranh phòng ngừa của lực lượng chức năng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng yêu cầu “phải quyết liệt, đồng bộ hơn nữa”; “chống bảo kê, bao che tội phạm ở mọi cấp, mọi ngành, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị”. Đặc biệt, “nơi nào tội phạm hoành hành, ở đó cấp uỷ, chính quyền địa phương, trước hết là ngành công an phải chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân và chính quyền”.

Ngăn chặn tội phạm không chỉ trông chờ ở cơ quan bảo vệ pháp luật. Ngăn chặn, phòng chống tội phạm trước hết phải ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức con người. Đạo đức con người có được xuất phát từ quá trình tiếp thu, giáo dục ngay từ khi trên ghế nhà trường, từ thưở ấu thơ. Một khi con người biết yêu thương nhau, khi đạo đức con người được đề cao, tôn trọng, cùng với luật pháp xã hội nghiêm minh chắc chắn tội phạm sẽ giảm.

Để ngăn chặn tội phạm trước mắt các cơ quan bảo vệ pháp luật “cần mở nhiều đợt tấn công tội phạm trên nhiều giác độ khác nhau”, quyết liệt hơn nữa. Đồng thời phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, trong phòng, chống tội phạm. Ngăn chặn tội phạm từ gốc phải đẩy mạnh công tác giáo dục con người từ cán bộ, đoàn viên, hội viên từ các đơn vị, các địa bàn dân cư cho đến học sinh trong nhà trường. Ngay việc đẩy mạnh các phong trào như phong trào “Toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm và quản lý, giáo dục người phạm tội trong gia đình, ở địa bàn dân cư”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”…đạt hiệu quả cũng sẽ góp phần ngăn ngừa tội phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn ngừa tội phạm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO