Thời điểm này, nhiều địa phương đang cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2 phòng ngừa dịch bệnh Covid-19. Chưa biết kỳ nghỉ còn kéo dài bao lâu, nhưng phụ huynh đã “dậy sóng” tranh cãi về việc nên cho các cháu đi học hay nghỉ tiếp. Nhiều người cho rằng sức khỏe của học sinh cần được đặt lên trên hết, nhưng không ít phụ huynh lại muốn các trường sớm tổ chức dạy học lại để con em mình không gián đoạn kiến thức.
Ý thức cao trong phòng chống Covid-19. Ảnh: Quang Vinh.
Nhiều lý do khác cũng được các phụ huynh phân tích, chỉ nên khoanh vùng chống dịch ở những vùng nguy cơ cao. Còn lại những vùng/khu vực khác nên tổ chức dạy và học bình thường. Cho dù Bộ GDĐT cho biết sẽ điều chỉnh thời gian kết thúc năm học, thời điểm thi THPT quốc gia; khuyến khích các hình thức dạy và học trực tuyến, nhưng sự khác biệt vùng/miền sẽ dẫn tới thiệt thòi cho học sinh khi kỳ nghỉ kéo dài. Đó là chưa kể với học sinh học mẫu giáo/tiểu học, việc các em nghỉ học dài ngày còn gây xáo trộn cuộc sống và sinh hoạt của nhiều gia đình.
Không chỉ đến thời điểm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp hoành hành khiến học sinh phải có kỳ nghỉ Tết dài một cách bất đắc dĩ, trước đó đã có nhiều ý kiến cho rằng nên kéo dài kỳ nghỉ đông của trẻ và rút ngắn kỳ nghỉ hè lại. Hay mới đây nhất, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covod-19, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Sở GDĐT đề xuất Bộ GDĐT về việc xây dựng kế hoạch tổ chức 4 kỳ nghỉ/ năm cho học sinh như nhiều quốc gia khác.
Trước đề xuất này, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cho rằng cho học sinh nghỉ 4 kỳ/năm là ý kiến hay, tuy nhiên cần có nghiên cứu, đánh giá mới biết được tính khả thi. Bởi vì, một số vùng miền ở Việt Nam thời tiết khắc nghiệt, học hè sẽ vất vả cho giáo viên lẫn học sinh. Một số giáo viên cho rằng thay vì cho học sinh nghỉ 3 tháng hè như hiện nay, phương án học 2 kỳ với nhiều lần nghỉ trong năm nên được nghiên cứu áp dụng…
Nhân chuyện học sinh nghỉ học phòng Covid-19, ai cũng đã thấy rõ việc kéo dài thời gian nghỉ này đang kéo theo nhiều thay đổi khác của cả xã hội. Dẫu thế, có thể thấy nhiều phụ huynh vẫn chưa an tâm khi trẻ quay lại trường nếu mọi điều kiện phòng chống dịch (vệ sinh trường lớp/tổ chức ăn bán trú…) trong thời tiết hiện nay vẫn chưa được đảm bảo. Nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, an toàn phải cả dưới góc độ chuyên môn lẫn trong suy nghĩ của học sinh, của phụ huynh học sinh. Đó là an toàn và an tâm…
Riêng đối với học sinh đang chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, mối quan tâm lớn nhất lúc này là việc dạy - học và ôn sẽ thực hiện như thế nào cho đảm bảo thời lượng chương trình; kỳ thi có lùi lại so với kế hoạch hay không?
Được biết mới đây nhất Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh đã có đề xuất lùi kỳ thi THPT quốc gia đến cuối tháng 7. Theo dự thảo, Sở này kiến nghị thời gian năm học 2019-2020 được điều chỉnh: Học kỳ II bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 7; kỳ thi THPT quốc gia dời đến cuối tháng 7 (những năm trước đều là tháng 6). Thống kê cho thấy, năm nay cả nước có hơn 24 triệu học sinh, sinh viên. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương có số học sinh đông nhất, khoảng 2 triệu học sinh. Những năm gần đây, có khoảng 800.000-900.000 học sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia mỗi năm. Vì lẽ đó, đề xuất này cũng đang nhận được sự quan tâm từ dư luận.
Trước đó, ông Nguyễn Xuân Thành- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho biết khi điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học, phải tính toán khoảng thời gian tổ chức các kỳ thi với tinh thần hướng tới lợi ích của người học. Theo đó, riêng đối với kỳ thi THPT quốc gia tới thời điểm này, Bộ GDĐT chưa có hướng dẫn cụ thể. Do đó, không thể nói là kỳ thi THPT quốc gia có bị lùi hay không. Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Bộ GDĐT cũng chia sẻ, có thể không cần thiết lùi kỳ thi THPT quốc gia 2020.
Ưu tiên phòng chống dịch, song dù thế nào, việc đảm bảo quyền lợi của người học cũng cần được đặt lên hàng đầu. Việc nghỉ hay học tiếp, ngành giáo dục cần tính toán thực kỹ lưỡng và chi tiết các kế hoạch dạy bù, khắc phục tình trạng sụt giảm chất lượng giáo dục. Theo các chuyên gia, việc này không đơn giản chỉ yêu cầu học sinh đi học ngày thứ bảy, chủ nhật, học tăng ca mà các tổ bộ môn phải họp để đề xuất lên ban giám hiệu, cùng thiết kế một thời khóa biểu hợp lý với từng môn học, linh hoạt thực hiện các nội dung dạy học có thể tích hợp, dạy theo chủ đề, đa dạng hóa hình thức dạy học… thì mới có thể bù đắp được yêu cầu của nội dung chương trình trong điều kiện thời gian eo hẹp.