Nghịch lý Trump và chính trị Mỹ

Thạch Anh (viết từ Boston) 24/11/2019 08:00

Hai tuần vừa rồi Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã tiến hành điều trần luận tội Tổng thống Donald Trump. Câu chuyện luận tội bắt đầu từ tin đồn Tổng thống Trump chậm viện trợ quân sự đối với Ukraina để gây sức ép đổi lấy việc Ukraina tiến hành điều tra công ty Burisma, nơi con trai của cựu Phó Tổng thống Biden ứng cử viên Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử 2020 có chân trong Hội đồng Quản trị.

Nghịch lý Trump và chính trị Mỹ

(Tác giả bài viết: Thạch Anh).

Các thông tin có được cho đến nay từ những người trong cuộc ở Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, Đại sứ quán Mỹ tại EU và tại Ukraina đều cho thấy ít nhất họ đều hiểu Tổng thống Trump thông qua Luật sư riêng Giuliani gây sức ép để thực hiện “đại kế hoạch 2020” (big thing) của mình. Đại sứ Mỹ tại EU nói rất rõ tại phiên điều trần ông không muốn làm việc với ông Giuliani, nhưng nếu không làm việc thì không thông qua được viện trợ cho Ukraina. Ông cũng khẳng định rất rõ là có yêu cầu đánh đổi. Đây rõ ràng là việc lạm dụng quyền lực để trục lợi. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff khẳng định: “Không có nguy hiểm nào hơn khi Tổng thống không có đạo đức và cho phép mình đứng trên pháp luật.”

Tuy nhiên, sau 2 tuần điều trần, trưng cầu ý kiến lại cho thấy uy tín của Tổng thống Trump tăng từ 41 lên 43% số người được hỏi ý kiến, chứ không giảm; tỷ lệ người không ủng hộ giảm 3% từ 57 xuống 54%. Tại sao? Trong khi những người trong cuộc từ Trợ lý Ngoại trưởng về vấn đề châu Âu, Đại sứ Mỹ tại EU, Ukraina, chuyên gia về Nga, Ukraina tại Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng đều hiểu sức ép là có thật và điều này ít nhất đồng nghĩa với lạm dụng vị trí của mình để trục lợi, tại sao người dân bình thường lại có xu hướng bỏ qua cho ông?

Cách làm của ông Trump rất khéo, không để lại dấu vết của ông về sức ép này. Thậm chí, trong cuộc điện thoại với Đại sứ Mỹ tại EU Gordon Sondland, ông Trump khẳng định mình không muốn gì, không muốn đánh đổi (quid pro quo) mà chỉ nhấn mạnh: “Hãy nói với Tổng thống Ukraina Zelensky nên làm điều cần làm (to do the right thing)”. Ông giao cho Giuliani làm công việc gây sức ép, thậm chí còn bất ngờ buộc Đại sứ Mỹ tại Ukraina Yovanovitch từ chức để thực hiện kế hoạch của mình, nhưng chính thức ông tỏ ra không liên quan.

Sau khi Đại sứ Mỹ tại EU xác nhận tại điều trần, trong cuộc điện thoại với mình Tổng thống Trump không đặt vấn đề đánh đổi, ông Trump ngay lập tức họp báo và chỉ nhắc đi nhắc lại “không có đánh đổi quid pro quo”. Câu trả lời ngắn gọn đã tạo ấn tượng với một số cử tri nghĩ đơn giản, họ không muốn mất thời gian để đào sâu suy nghĩ tại sao những người trong cuộc đều hiểu có sức ép và giúp ông Trump có thêm 3% ủng hộ từ những người trước đó còn phân vân hay không ủng hộ ông. Thế mới thấy những điều đơn giản nhưng chưa hẳn đã dễ đi vào lòng người hơn. Những điều cao xa dù có đúng chưa chắc đã được ủng hộ ngay ở nước phát triển.

Thực ra phe Dân chủ cũng hiểu khó có thể phế truất được Tổng thống Trump ngay cả khi Hạ viện có thông qua bản luận tội phế truất. Luận tội sẽ được tổ chức ở Thượng viện với đa số của đảng Cộng hòa và do đó sẽ khó có thể có 2/3 đồng ý phế truất ông. Luận tội lần trước đối với Tổng thống Bill Clinton cũng vậy. Thượng viện với Dân chủ chiếm đa số đã cứu Tổng thống Clinton khỏi bị phế truất. Trong lịch sử Mỹ có 4 tổng thống bị luận tội, chỉ có Tổng thống Nixon từ chức trước khi Hạ viện bỏ phiếu.

Hiểu không phế truất được ông Trump nhưng Hạ viện Dân chủ chiếm đa số vẫn tiến hành điều trần là để nhằm hạ uy tín của Cộng hòa trước thềm bầu cử 2020, hy vọng sẽ tạo được đà cho phe Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Thượng cũng như Hạ viện của Mỹ trong cuộc bầu cử năm tới. Thậm chí họ bắt đầu quá trình luận tội từ một lý do lãng sẹt “có tin đồn”…

Cuộc điều trần cũng cho thấy trong bộ máy chính quyền Mỹ có rất nhiều người không ủng hộ Tổng thống Trump, bất đồng với cách làm và quan điểm của ông. Người ủng hộ sẽ bảo bộ máy quan liêu nên không chấp nhận cách nghĩ mới, còn người không ủng hộ sẽ nói động cơ và cách làm của Tổng thống là có vấn đề. Họ có thể liệt kê ra rất nhiều thất bại về đối ngoại của Mỹ đối với Nga, Trung Quốc, Triều Tiên từ khi ông Trump lên cầm quyền.

Nói gì thì nói nước Mỹ đang bị phân hóa sâu sắc. Câu chuyện luận tội ông Trump những ngày này càng cho thấy rõ điều đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghịch lý Trump và chính trị Mỹ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO