Người lao động trong đại dịch Covid

Lê Minh Long 21/03/2020 07:30

Không sợ dịch, chỉ lo thất nghiệp - đó là chia sẻ của không ít người lao động có mặt tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội mới đây khi đến làm hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đó là tâm lý có thật, và từ đó làm gì để người lao động làm công ăn lương không quá khó khăn trong đại dịch Covid-19 là vấn đề cần phải được đặt ra.

Ngày 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với Covid-19. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ngành LĐTBXH, BHXH Việt Nam đã ngay lập tức triển khai các chính sách như: Thực hiện tạm dừng đóng BHXH đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6 hoặc tháng 12/2020 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Đáng chú ý nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động khi phải đi cách ly BHXH Việt Nam đã có công văn gửi Bộ LĐTB&XH, Bộ Y tế về giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động được yêu cầu thực hiện biện pháp cách ly y tế phòng dịch Covid-19. Theo đó BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ cùng cơ quan LĐTBXH giải quyết thủ tục, bảo đảm quyền lợi BHTN cho người lao động…

Những giải pháp này được xem là động lực quan trọng để giúp người lao động vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19. Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia những chính sách trên chỉ là giải pháp ổn định ngắn hạn, để đảm bảo an sinh xã hội cần những giải pháp mang tính đồng bộ và độ bao phủ rộng hơn. Bởi thực tế những gói hỗ trợ, giải pháp trên mới chỉ hướng đến người lao động khu vực chính thức - đối tượng có chính sách BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp. Trong khi đó theo nghiên cứu mới đây của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho thấy, khu vực hộ sản xuất kinh doanh cá thể và khu vực phi chính thức đang là khu vực tạo ra nhiều việc làm người lao động, song đây cũng là khu vực dễ rơi vào tổn thương nhất khi có những biến cố.

Đánh giá về những hệ lụy mà dịch Covid-19 đối với thị trường lao động, TS Vũ Minh Tiến-Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho biết, hàng loạt doanh nghiệp buộc phải giảm giờ làm, giãn việc hoặc cho thôi việc tăng nhanh từ sau Tết đến nay khiến người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp, gặp nhiều khó khăn nhưng tới nay chưa có con số thống kê cuối cùng về số lao động mất việc, thất nghiệp trên cả nước.

“Xét theo khu vực kinh tế thì lao động làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân nhỏ lẻ, kinh tế hộ gia đình hoặc khu vực kinh tế phi chính thức chịu ảnh hưởng nặng nề, có tỉ lệ mất việc cao hơn. Khu vực này đã cho người lao động nghỉ không lương rất nhiều bởi người lao động làm việc trong khu vực này thường không có hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm nên khi dịch bệnh xảy ra rất khó khăn. Con số lao động mất việc trong khu vực phi chính thức rất lớn nhưng rất khó để thống kê đầy đủ”- ông Tiến cho biết.

Tuy thế, trong khó khăn, Việt Nam đã không để ai “bị bỏ lại phía sau”. Đánh giá về những giải pháp hỗ trợ ứng phó đối với dịch Covid-19 ở Việt Nam, ông Chang Hee Lee- Giám đốc ILO tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã làm rất tốt công tác kiềm chế dịch Covid-19. Sự quyết tâm được thể hiện rõ qua thông điệp của Thủ tướng rằng Chính phủ chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người dân.”Khi cuộc chiến chống Covid-19 có khả năng sẽ còn kéo dài, bây giờ chính là lúc bắt đầu hành động để giảm thiểu những tác động tiêu cực của virus tới doanh nghiệp, việc làm và thu nhập của phần lớn người lao động, bao gồm cả khu vực kinh tế phi chính thức”- ông Chang Hee Lee cho biết.

Chia sẻ về giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, trao đổi với báo chí ngày 20/3 Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết cơ quan này đã trình Thủ tướng đề án hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với những nhóm chính sách hỗ trợ như: Đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề của người lao động; hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động để giữ chân người lao động, đồng thời đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, để khi tình hình ổn định thì người lao động quay trở lại làm việc. Bên cạnh đó sẽ hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn. Với việc hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ có hai giải pháp, một là doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tiền để trả lương trong trường hợp người lao động ngừng việc tạm thời, mục tiêu là để giữ chân người lao động, tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định. Việc thứ hai có tính chất dài hơi hơn là đề xuất Nhà nước cho doanh nghiệp vay để trả lương, bảo hiểm, chi trợ cấp cho người lao động trong trường hợp mà người lao động phải thôi việc, mất việc. Ở đây, Nhà nước hỗ trợ cho vay nhưng không tính lãi, khi doanh nghiệp ổn định trở lại thì doanh nghiệp có trách nhiệm trả lại số tiền này. Đồng thời để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ hợp tác, hợp tác xã, người lao động tự tạo việc làm Bộ LĐTBXH đề xuất chính sách cho vay tín dụng để tái tạo sản xuất, tự tạo việc làm với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, tức vào khoảng 3,96%.

Với tất cả những nỗ lực đó, người lao động sẽ không “bơ vơ” trong đại dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người lao động trong đại dịch Covid

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO