Nhà trường không phải thương trường

Hương Thu 03/12/2019 07:30

Vụ việc nhà trường buộc phụ huynh học sinh phải nộp “tiền lãi” do đóng học phí muộn, tại một trường tư ở Hà Tĩnh đã tạm khép lại. Tuy nhiên, dư âm của nó thì vẫn còn đó.

Trong việc này, nhiều vấn đề được đặt ra, kể cả từ góc độ pháp lý. Nhà trường đã sửa sai thì câu chuyện vẫn không vì thế mà chậm dứt. Phải chăng là trường tư thì muốn làm gì thì làm, và phụ huynh học sinh phải chấp nhận bằng mọi giá? Thực chất, đây cũng chính là chuyện cửa quyền và lạm thu trong nhà trường.

Câu chuyện bắt đầu khi một phụ huynh học sinh một trường tiểu học ở Hà Tĩnh phản đối việc ngoài số tiền thu kỳ 2 của con (bao gồm học phí, tiền ăn, phí bán trú) hết khoảng 8,5 triệu đồng, nhưng phải “nộp phạt” thêm do 2 ngày nộp chậm là hơn 30.000 đồng. Do nhà trường quy định đối với học phí đóng theo kỳ, phải hoàn thành từ ngày 14 đến ngày 23/10, sau thời hạn trên trường sẽ thu phí nộp chậm 0,2%/ngày.

Nói như lãnh đạo trường này, việc thu lãi nhằm đề phòng trường hợp chây ì, đóng nộp chậm.

Đáng chú ý, trường này mới đi vào hoạt động hơn 2 năm. Ấy vậy mà cũng đã nhanh chóng nghĩ ra được cách thu tiền của phụ huynh. Nhưng đau hơn là ở chỗ lại thu tiền “lãi” chỉ vì phụ huynh học sinh đóng học phí chậm.

Trong tất cả các quy định (trong đó có quy định của ngành giáo dục, của Hội đồng nhân dân địa phương), thì không có điều khoản nào cho phép nhà trường được tính lãi khi phụ huynh chậm nộp học phí cho con em mình. Nhiều ý kiến cho rằng cách tính lãi kiểu này không khác gì “tín dụng đen”, hành xử kiểu “xã hội đen”. Đành rằng, khi đã thống nhất với nhà trường, việc phụ huynh đóng học phí muộn là không hay, nhưng không thể vì thế mà nhà trường bắt họ phải nộp lãi. Nhà trường không phải là thương trường, đồng tiền giá trị thật nhưng nó không thể biến tướng để làm hỏng môi trường giáo dục được. Trường tư hay trường công cũng vậy, không thể “áp lãi” đối với phụ huynh như một thương vụ mua bán.

Từ câu chuyện đáng xấu hổ này, người ta lại nhớ tới chuyện lạm thu trong nhà trường. Nhiều năm qua, việc các trường học đặt ra quá nhiều khoản thu đến mức thậm vô lý khiến dư luận bất bình. Trước tình thế đó, ngành giáo dục từ trung ương tới địa phương đã phải ra nhiêu văn bản chấn chỉnh. Lạm thu có giảm bớt, nhưng ở không ít nơi nó vẫn tiếp diễn bằng các “phiên bản” khó lường.

Ai cũng biết, việc lo cho em đi học bây giờ với nhiều gia đình quả là một gánh nặng. Thu nhập không cao, trong khi lại phải chi nhiều khoản thì gánh nặng đóng tiền cho con em đến trường quả là nhọc nhằn. Không chỉ vào thời điểm đầu năm học, mà “lai rai” trong cả năm, nhiều khoản phải đóng lắm. Ở thành thị, hai vợ chồng làm công ăn lương lo cho một đứa con học hết đại học cũng đã rất vất vả. Nếu là hai đứa thì có thể coi là một kỳ tích. Ở nông thôn, tuy chi phí sinh hoạt ít hơn, đóng góp tiền học cho con ít hơn so với thành thị nhưng thu nhập của nhiều hộ nông dân rất thấp.

Trong thực tế, tiền học phí đối với 1 học sinh phổ thông bây giờ không quá cao. Cao lại ở chỗ những khoản thu ngoài học phí. Nhiều khoản đóng góp vào quỹ lớp vượt hẳn so với học phí. Một phụ huynh cho biết, quỹ lớp của mỗi học sinh trung học cơ sở 1 ngày 3.000 đồng, mỗi tuần 6 buổi học là 18 ngàn, mỗi tháng là 72 ngàn đồng, năm học có 9 tháng là hơn 600 ngàn tiền quỹ lớp. Còn tiền học thêm mỗi tháng cũng mất ít nhất là 300.000 đồng. Rồi quỹ Hội cha mẹ học sinh, xã hội hóa giáo dục, tiền giữ xe, tiền ủng hộ tùy tâm cho các phong trào của nhà trường, của lớp… Thật là ma trận tiền trường.

Trong khi nhiều địa phương đã siết chặt những khoản thu ngoài học phí, không để các hiệu trưởng thông qua “cánh tay nối dài” là Hội cha mẹ học sinh “tận thu” nữa, thì tiếc thay vẫn còn đó ám ảnh chuyện lạm thu trong nhà trường, với những biến tướng rất không hay ho gì. Thông cảm với khó khăn của nhà trường, của nhà giáo, của cán bộ ngành giáo dục nói chung, nhưng không thể chấp nhận chuyện lạm thu cùng biến tướng của nó, càng không chấp nhận chuyện “tận thu” dù dưới bất cứ hình thức nào. Việc đặt ra mức “phạt vạ” chỉ do việc phụ huynh đóng học phí cho con chậm là phi pháp và trái đạo lý, không phải là việc làm của một trường học.

Với hệ thống trường tư, rồi đây sẽ còn mở rộng thêm. Nhưng cũng không thể nhân danh trường tư mà hoạt động trái với quy định chung, trái với môi trường dạy người của trường học. Không thể vì việc bỏ vốn ra xây dựng nhà trường thì phải nhanh nhanh tìm cách thu hồi vốn, kiếm lợi nhuận cao. Mà phải hoạt động đúng theo quy định của cả hệ thống. Trường công hay trường tư cũng vậy thì đều là trường học. Không thể biến nhà trường thành thương trường. Nếu để yếu tố tiền bạc chi phối thì còn dạy dỗ làm sao?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà trường không phải thương trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO