Phòng hơn chống

Lê Anh Đức 08/04/2020 08:00

Việc cơ quan chức năng công bố người đàn ông 47 tuổi ở huyện Mê Linh (Hà Nội) dương tính với SARS-CoV-2, sau 23 ngày đến ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai đã dấy lên sự lo ngại về nguồn lây nhiễm trong cộng đồng. Sự lo ngại trên là có cơ sở khi mà những trường hợp từng đến các ổ dịch Covid-19, qua 14 ngày không phát bệnh, xét nghiệm từng âm tính với SARS-CoV-2, vô tư đi lại, tiếp xúc với nhiều người khác, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng xã hội.

Phòng hơn chống

Bảo vệ tốt nhất cho đội ngũ nhân viên y tế, những người trên tuyến đầu dập dịch Covid-19. Ảnh: Quang Vinh.

Ngay sau khi bệnh nhân số 243 (ở huyện Mê Linh, TP Hà Nội) được xác định mắc Covid-19, có tới 75 nhân viên y tế của hai bệnh viện đã phải cách ly theo, một xóm nơi bệnh nhân ở cũng bị phong tỏa. Trong số 75 nhân viên y tế phải cách ly, có 63 y bác sĩ của BV Phụ sản Hà Nội, còn lại 12 y bác sĩ của BV đa khoa Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).

Đáng nói, đây không phải là trường hợp đầu tiên khiến nhiều nhân viên y tế phải cách ly, không thể tiếp tục khám chữa bệnh cho nhân dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Từng có ổ dịch BV Bạch Mai khi chưa nắm bắt được tình hình. Hoặc BVĐK huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) cũng với lý do tương tự nên đã khiến hàng trăm người, trong đó có nhiều bệnh nhân tiếp xúc với bệnh nhân 178, gây nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Tất nhiên, ngay sau đó, cả BV Bạch Mai và BV Đại Từ đã kiên quyết áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ để phong tỏa, khoanh vùng dập dịch.

Trong khi cả xã hội đang gồng mình chống dịch, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã phải đưa ra các biện pháp mạnh tay để ngăn chặn sự lây lan Covid-19 trong cộng đồng, người dân phải chấp nhận giảm thu nhập, ở trong nhà theo chỉ thị giãn cách xã hội... thì rất cần tỉnh táo, không chủ quan trong phòng, chống dịch. Đặc biệt, nếu sự chủ quan, lơ là lại đến từ nhân viên y tế (nếu có) thì tác hại còn sâu rộng hơn, chỉ riêng việc nhiều nhân viên y tế phải cách ly dẫn tới việc thiếu y bác sĩ ở tuyến đầu chống đại dịch Covid-19 cũng đủ cho thấy điều đó.

Tất nhiên, trong câu chuyện bệnh nhân số 243 cũng cần phải bàn tới trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong việc quản lý người cách ly tại nhà. Ở không ít địa phương hiện nay chưa thực sự giám sát chặt chẽ những người cách ly tại nhà, dẫn tới việc nhiều người vẫn tự do “tung tăng” đi khắp nơi, gây nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 trong cộng đồng xã hội. Đáng tiếc, tới nay cũng chưa có lãnh đạo địa phương nào phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra việc trốn cách ly.

Ngoài ra, trường hợp sau 23 ngày mới dương tính với SARS-CoV-2 của bệnh nhân số 243 cũng cần được các cơ quan chức năng nghiên cứu, cân nhắc trong việc đưa ra các biện pháp cách ly phòng chống đại dịch Covid-19. Liệu việc cách ly với những trường hợp có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 đã thực sự đảm bảo an toàn cho cộng đồng xã hội, không dẫn tới nguy cơ bùng phát dịch Covid-19? Giả sử, chỉ là giả sử thôi, có tới vài người, thậm chí vài chục người như bệnh nhân số 243, không có biểu hiện bệnh, hơn 14 ngày mới phát bệnh, liệu chúng ta có thể khống chế, kiểm soát sự lây lan?
Đó thực sự là vấn đề đáng lo ngại không chỉ của riêng các cơ quan chức năng, mà còn của toàn thể cộng đồng xã hội. Rất may là Chính phủ đã kịp thời thực hiện biện pháp mạnh bằng việc ban hành Chỉ thị số 16 về cách ly xã hội. Khi các địa phương thực hiện nghiêm việc này thì nguy cơ lây lan đại dịch Covid-19 trong cộng đồng cũng giảm thiểu đáng kể, ngay cả khi có tới vài trường hợp phát bệnh sau 14 ngày. Các cụ xưa có câu “phòng hơn chống”. Vậy nên chúng ta cần thực hiện các biện pháp đồng bộ để phòng Covid-19 lây lan, chứ đừng để đến lúc phải chống khi nó thực sự bùng phát.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng hơn chống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO