Quà tặng và nhận quà

Nam Việt 12/10/2019 08:00

Thông tin mới đây cho biết, Thanh tra Chính phủ đã hoàn tất báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 trình Chính phủ để gửi tới kỳ họp Quốc hội sắp tới. Trong đó, riêng về “lĩnh vực” quà tặng (biếu- gọi chung là quà tặng), xác minh của cơ quan có thẩm quyền đã  phát hiện 10 trường hợp vi phạm, 8 trường hợp đã bị xử lý còn 2 trường hợp đang xem xét kỷ luật. Đáng chú ý, có cán bộ nhận ô tô 3,72 tỷ đồng (tại Cao Bằng) như một loại quà tặng. Còn thì có 9 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị 4,172 tỷ đồng.

Quà tặng và nhận quà
Một biếm họa về quà tặng.

Theo Thanh tra Chính phủ, để nâng cao hiệu quả thực hiện các quy định về kiểm soát việc tặng quà, nhận quà, phòng ngừa việc lợi dụng truyền thống tốt đẹp để tham nhũng, đưa hối lộ, Chính phủ đã rà soát, ban hành quy định mới về tặng quà, nhận quà, nộp lại quà tặng. Quy định người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân dưới mọi hình thức nếu liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo đúng quy định. Người vi phạm quy định về nhận, tặng quà thì bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức…

Như vậy, quy định của Chính phủ về việc tặng quà - nhận quà là rất rõ ràng, nhằm ngăn ngừa mọi hành vi lợi dụng danh nghĩa tặng quà để hối lộ, mưu cầu lợi riêng cho cá nhân, kể cả cho đơn vị khi dùng tiền ngân sách hoặc là tiền của tập thể để đút lót. Đáng chú ý, quy định nêu rất rõ ràng việc người có chức có quyền, đứng đầu đơn vị, người trực tiếp giải quyết công việc liên quan khi nhận quà tặng với mục đích không trong sáng sẽ bị xử lý kỷ luật. Và những món quà tặng với mục đích vụ lợi ấy sẽ bị xử lý theo quy định.

Trong thực tế, việc tặng quà diễn ra dưới nhiều hình thức. Nếu như tặng quà là thực lòng, không vụ lợi để cảm ơn người đã giúp mình trong công việc, vượt qua khó khăn…, thì cũng là thái độ có trước có sau, không phải là loại người vô ơn. Nhưng việc tặng quà nhằm ngấm ngầm móc ngoặc để trục lợi theo kiểu “ra giá” thì đó là vi phạm pháp luật. Trong trường hợp đó, cả người tặng quà lẫn người nhận đều biết rõ mình đang thực hiện một hành vi rất không trong sáng. Đó là việc nhân dịp sinh nhật của ai đó, nhân dịp thành lập ngành, tái lập tỉnh (huyện), hay là chuyện “đón đầu việc phân bổ dự án”… người ta đã dùng kinh phí của tập thể để “làm quà tặng nhau”. Trước hết và gốc rễ chính là ở chỗ người nhận khi triệt để lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để “đánh tiếng” nhắc nhở, “dọa” sẽ làm khó đối tượng liên quan để họ buộc phải “đi cửa sau” tặng quà. Tuy không phải là việc sống sượng đòi ăn chia phần trăm của từng phi vụ, nhưng việc làm đó cũng là sai phạm, cho thấy sự suy thoái đạo đức, không xứng làm công bộc.

Nhân đây, cũng nói thêm chút ít việc gần đây dư luận râm ran về một người vốn trụ trì một ngôi chùa nọ. Người này bị tố giác có hành vi rất tệ hại, mất uy tín quá đã đành phải xin xuất tu. Đáng nói là ông ta xin được giữ lại một khối tài sản rất lớn được “cúng dường”, lên tới vài chục tỉ đồng. Cúng dường không phải là quà tặng, nhưng là sự đóng góp của thiên hạ cho nhà chùa để phục vụ hoạt động của nhà chùa, chứ không phải là “cúng dường” cho cá nhân bất cứ vị trụ trì nào. Việc xin được giữ lại phần tài sản có được từ việc cúng dường sau khi xuất tu là vô lý. Nhưng, ở đây, liên quan đến việc tặng quà cho thấy vấn đề không đơn giản, nó diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều nơi. Đó là một căn bệnh, mà là bệnh rất nặng vì nó liên quan đến tiền, đến tài sản - thứ mà không dễ gì người nhận chịu nhả ra. Trong một xã hội văn minh thì điều đó là không thể chấp nhận.

Nhìn ra thế giới, cũng có chuyện tặng quà. Nhưng thiên hạ có quy định hẳn hoi loại quà nào thì cá nhân người đó được nhận, còn loại quà nào đó phải nộp lại chứ không phải nghiễm nhiên mang về nhà làm của riêng. Chúng ta cũng đã có quy định về nhận quà tặng (số 64/2007/QĐ-TTg) nhưng nhiều người đã cố tình quên. Vậy thì xin được nhắc lại một vài điểm cơ bản của quyết định này. Điều 4 của quy định nêu rõ: Nghiêm cấm việc sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để làm quà tặng không đúng quy định dưới mọi hình thức. Điều 5: Nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức nhận quà tặng, nhận thay người khác hoặc nhận qua các cơ quan, đơn vị, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động công vụ do mình hoặc người mà mình nhận thay chịu trách nhiệm giải quyết (trước, trong và sau khi thực hiện công vụ) hoặc thuộc phạm vi quản lý. Còn tại Điều 11 quy định: Cơ quan, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý. Cán bộ, công chức, viên chức khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải báo cáo Thủ trưởng trực tiếp và nộp lại quà tặng cho cơ quan, đơn vị mình trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng. Cán bộ, công chức khi ốm đau, tai nạn hoặc nhân dịp hiếu, hỷ, lễ, tết truyền thống được tặng quà có trị giá dưới 500.000 đồng thì người được tặng quà tự quyết định mà không phải báo cáo và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Thiết nghĩ, nhắc lại việc này cũng không hẳn đã thừa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quà tặng và nhận quà

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO