Sắp xếp lại đơn vị hành chính

Nguyên Khánh 12/12/2019 07:10

Hiện nay Bộ Nội vụ và các địa phương đang hoàn tất các Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã với mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ở các cấp.

Sắp xếp lại đơn vị hành chính

Ảnh minh họa.

Về cơ bản Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ Đề án của trên 24 địa phương, thẩm định được 38 địa phương liên quan đến sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, xã. Bộ Nội vụ cho biết, đến nay chỉ còn khoảng 5 - 7 địa phương chưa gửi Đề án sắp xếp ĐVHC về cho Bộ nội vụ.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc Bùi Thị Thu Hằng, Vĩnh Phúc có 03 ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. Tỉnh này đề xuất sắp xếp, sáp nhập xã Phú Thịnh và xã Tân Cương để thành lập xã Tân Phú. Đối với thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị giữ nguyên hiện trạng thị trấn như hiện nay, không thực hiện sắp xếp, sáp nhập trong giai đoạn 2019-2021. Như vậy, sau khi tiến hành sắp xếp, sáp nhập, tỉnh Vĩnh Phúc giảm 1 ĐVHC cấp xã. Sau khi sắp xếp, sáp nhập, số cán bộ, công chức dôi dư là 14 người (10 cán bộ, 4 công chức) và số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 22 người.

Với Vĩnh Long, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Long Trần Văn Hên cho biết, Vĩnh Long xây dựng phương án sắp xếp 7 ĐVHC cấp xã để thành lập 5 ĐVHC mới, trong đó, 1 ĐVHC thuộc diện phải sắp xếp; 6 ĐVHC liền kề và thuộc diện khuyến khích. Như vậy, sau khi tiến hành sắp xếp các ĐVHC cấp xã, tỉnh Vĩnh Long giảm 2 xã.

Đó chỉ là 2 trong số những địa phương của cả nước đang hoàn thiện nốt những khâu cuối cùng trong sắp xếp lại các ĐVHC của địa phương mình. Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua, phê duyệt Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 10 tỉnh là Thanh Hóa, Hải Dương, Tuyên Quang, Điện Biên, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Phú Yên, Bình Thuận, Lạng Sơn. Qua đó, đã giảm được 209 ĐVHC cấp xã. Chính phủ sẽ tiếp tục trình Đề án của các tỉnh còn lại trong thời gian tới. Đợt sắp xếp này (2019-2021), có 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc sắp xếp, qua đó sẽ giảm 6 ĐVHC cấp huyện, 564 ĐVHC cấp xã. Bộ Nội vụ đã thẩm định được 38 địa phương, đã trình Chính phủ được 24 địa phương. Nếu kết thúc đợt sáp nhập này thì đến trước năm 2022 sẽ giảm được khoảng gần 10.000 cán bộ, công chức và khoảng gần 6.000 người hoạt động không chuyên trách.

Như vậy, lợi ích dễ nhìn thấy nhất của công cuộc sắp xếp lại các ĐVHC chính là tinh gọn bộ máy, giảm biên chế. Chính vì vậy, khâu bố trí lại nhân sự cho các ĐVHC vừa sắp xếp có lẽ là khâu khó nhất.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết, việc sáp nhập các ĐVHC sẽ giúp cho tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương, giảm được số lượng lớn cán bộ, công chức cấp xã, giảm được gánh nặng của ngân sách nhà nước. Nhưng trong sắp xếp, số cán bộ, công chức dôi dư cũng phải giải quyết thế nào cho thỏa đáng. Đó là cái khó nhất trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp lại các ĐVHC. Do đó, việc sắp xếp này khi tiến hành không phải chỉ vận động người dân mà còn phải vận động cả cán bộ công chức, giúp họ đả thông được tư tưởng, yên tâm công tác, yên tâm trong việc tham gia vào việc sáp nhập này.

Để tránh những sự xáo trộn không đáng có, nhiều địa phương đặc biệt quan tâm đến khâu bố trí lại nhân sự sau sắp xếp. Cụ thể, với Vĩnh Phúc sau khi sắp xếp lại ĐVHC tỉnh này đã xây dựng phương án sắp xếp, giải quyết số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư như tuyển dụng vào công chức cấp xã, công chức, viên chức cấp huyện nếu đáp ứng đủ điều kiện và còn chỉ tiêu. Đồng thời, điều động đến ĐVHC cấp xã còn thiếu hoặc giải quyết chính sách thôi việc, tinh giản biên chế theo quy định.

Hay như với Vĩnh Long, sau khi sắp xếp, tổng số cán bộ, công chức dôi dư là 27 người (12 cán bộ, 15 công chức), Vĩnh Long dự kiến điều chuyển về huyện 04 cán bộ; nghỉ hưu trước tuổi và nghỉ việc tự nguyện 8 cán bộ, điều động đến các ĐVHC cấp xã còn thiếu là 10 công chức, nghỉ hưu trước tuổi và nghỉ việc tự nguyện 05 công chức. Như vậy, các phương án bố trí việc làm cho người lao động đã được đề cập đến trong các đề án sắp xếp lại các ĐVHC.

Tuy nhiên, để tránh chuyện người lao động “tâm tư” sau khi bố trí lại việc làm mới cho họ thì cơ quan quản lý cần phải có các giải pháp hết sức cụ thể, rõ ràng. Điều đó có nghĩa, giảm biên chế không phải đơn thuần là đưa hết những cán bộ này ra khỏi bộ máy công vụ bằng các chính sách tinh giản biên chế, thôi việc, nghỉ hưu... mà rất nhiều cán bộ, công chức dôi dư sẽ được bố trí hoặc xem xét, tuyển dụng về công tác ở những cơ quan, tổ chức, đơn vị khác phù hợp với trình độ, năng lực và phẩm chất của từng người.

Có thể nói, mục tiêu của việc sáp nhập, sắp xếp lại các ĐVHC cấp xã, huyện đang được tính toán theo hướng giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Qua việc sắp xếp, sáp nhập này sẽ chọn được những cán bộ, công chức đáp ứng tốt nhất yêu cầu của nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao. Tuy nhiên, cần phải tính tới yếu tố đặc thù, bảo đảm sự kế thừa, ổn định, phát triển, tạo thuận lợi trong hoạt động quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân; tránh sắp xếp một cách cơ học, máy móc…

Đặc biệt, muốn nhập, hay tách các ĐVHC phải tính đến yếu tố người dân, phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, tránh chuyện sáp nhập ĐVHC mà người dân phải đi lại quá xa để làm một loại giấy tờ nào đấy hoặc sự thay đổi về tên gọi, chức danh của người đứng đầu nơi có sắp xếp ĐVHC sẽ có ảnh hưởng phần nào đến các đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn thông tin, sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính, trước mắt, người dân vẫn thực hiện theo giấy tờ hiện hành. Khi có địa danh mới, nếu người dân cần đổi thì chính quyền sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân trong việc thay đổi này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sắp xếp lại đơn vị hành chính

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO