Tăng cường giám sát

Kiên Long 30/11/2019 06:00

Trong tháng 11, nhất là những ngày 27, 28 vừa qua, Đoàn giám sát của UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tiếp tục làm việc với một số ban ngành Hà Nội và UBND quận Hai Bà Trưng xung quanh việc khiếu nại, tố cáo tại chung cư 229 Phố Vọng. Việc Mặt trận tăng cường giám sát, các vụ việc cụ thể, ở cơ sở, đã nâng cao vai trò, vị thế của Mặt trận, góp phần tích cực trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng; đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.

Câu chuyện khiếu, tố ở cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội từ năm 2017 đến nay vẫn xoay quanh việc chủ đầu tư thiếu trách nhiệm trong việc bảo trì phần sở hữu chung; việc sử dụng phần diện tích tầng một, tầng hầm; việc bàn giao không đầy đủ hồ sơ…gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân. Vụ việc này cũng là chuyện của không ít các chung cư, địa bàn dân cư hiện nay. Từ vấn đề bảo trì, hồ sơ, quyền sử dụng…cho đến điện, nước, trông giữ xe…đều có những phát sinh. Nếu không có sự phát hiện, giải quyết xử lý kịp thời, công tâm, khách quan thì sẽ dẫn đến những mâu thuẫn, phức tạp, khiếu tố kéo dài. Và vai trò giám sát của Mặt trận các cấp sẽ là rất quan trọng. Việc giám sát, hướng dẫn nhân dân cùng tham gia giám sát ngay từ cơ sở phát huy tinh thần dân chủ, thực hiện đúng pháp luật, giúp giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn, tồn tại ngay từ ban đầu.

Việc giám sát của MTTQ đã được quy định rõ trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Khoản 2, Điều 25 của Luật nêu rõ: “Giám sát của MTTQ Việt Nam mang tính xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh”.

Thời gian qua, thực hiện Luật MTTQ Việt Nam, công tác giám sát đã được đẩy mạnh từ trung ương cho đến cơ sở. Các chương trình giám sát ở trung ương như Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại tố cáo ở cơ sở; Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam về việc thực hiện những nhiệm vụ giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh…Các chương trình cụ thể phòng, chống cát tặc; an toàn vệ sinh thực phẩm.v.v..đều đã tích cực triển khai. Mỗi chương trình đã có hàng chục đoàn liên ngành được thành lập, trực tiếp xuống địa bàn, cơ sở. Cùng với Trung ương, MTTQ các cấp cũng tích cực giám sát và hướng dẫn nhân dân tham gia giám sát, phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, việc thực hiện chính sách pháp luật trong đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường, bảo hiểm xã hội…xây dựng nông thôn mới, đã thu được nhiều kết quả.

Có thể nói, trong quá trình giám sát, việc đi vào các vụ việc cụ thể, vấn đề cụ thể, làm triệt để, kiến nghị rõ để giải quyết hiệu quả càng cho thấy vai trò giám sát của Mặt trận, của người dân là rất quan trọng. Không ít vụ việc qua giám sát cho thấy nguyên nhân chậm giải quyết, tắc trách, sai phạm nhiều khi ngay từ chính chính quyền cơ sở. Năm 2012, tại Tiên Lãng, TP Hải Phòng từng đã xảy ra điểm nóng, khi UBND huyện Tiên Lãng tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn. 6 cán bộ, chiến sĩ công an đã bị thương bởi gia đình đã chống đối bằng mìn tự tạo, súng bắn đạn hoa cải. UBTƯ MTTQ Việt Nam sau đó đã lập Đoàn giám sát về làm việc và phát hiện những sai phạm, tồn tại trong quá trình thu hồi, bồi thường, giao đất của chính quyền địa phương, và kiến nghị việc giải quyết thoả đáng…

Sau mỗi vụ việc, vấn đề sai phạm xảy ra, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của dân, người ta thường đặt câu hỏi trách nhiệm của chính quyền, các đoàn thể ở cơ sở. Ở đây cũng cần phải đặt vấn đề trách nhiệm, yêu cầu đối với MTTQ địa phương. MTTQ đại diện cho dân, cũng là đại diện cho việc giám sát của dân, vận động nhân dân cùng giám sát. Nguyên nhân cũng một phần do công tác giám sát không làm, không làm hết trách nhiệm. Và rồi thực tế cho thấy, không ít nơi công tác giám sát, nhất là kết quả giám sát của Mặt trận còn bị xem nhẹ. Nếu mỗi địa bàn, mỗi cụm dân cư tăng cường giám sát, giám sát tốt từ các việc cụ thể, sẽ hạn chế tiêu cực, tham nhũng, hạn chế khiếu nại, tố cáo...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường giám sát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO