Tết an lành

Kiên Long 18/01/2020 07:45

Tết Nguyên đán Canh Tý đã cận kề. Khắp nơi, đâu đâu cũng đã thấy không khí đón xuân. Nhà nhà tân trang, thay áo mới. Đào, mai, quất và đủ các loại hoa đang khoe sắc khắp các phố phường, đường ngõ thôn quê. Bên cạnh niềm vui đón xuân là những trăn trở, nỗi lo mỗi dịp Tết đến, xuân về. Năm nay, cùng với nhiều quy định mới của pháp luật như việc thực hiện Nghị định 100/CP, người ta hy vọng có một cái Tết thực sự an lành, hạnh phúc.

Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, cái nỗi lo đầu tiên, trước hết, có lẽ là nỗi lo về tai nạn giao thông (TNGT). Còn nhớ vào Tết năm ngoái, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch UBATGT Quốc gia đã phải đặc biệt lưu ý về việc cứ đến các dịp lễ, tết là TNGT lại tăng cao cả 3 tiêu chí; số vụ, số người chết và số người bị thương. Chính phủ kêu gọi sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là chính quyền các địa phương, phải quyết tâm đẩy lui vấn nạn nhức nhối này.

Chuẩn bị đón năm mới, Tết Canh Tý năm 2020, ngày 19/12/2019 Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Canh Tý vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, trong đó yêu cầu “tăng cường giải pháp kiềm chế, giảm thiểu TNGT, giảm thiểu TNGT và khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông nhất là các tuyến đường cửa ngõ các đô thị lớn, nhà ga, sân bay; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông...”. Đặc biệt bước vào năm 2020, với việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, Nghị định 100/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đã thực sự mang lại hiệu quả trong việc kiềm chế TNGT. Theo thống kê bước đầu của Cục CSGT, từ ngày 1/1-15/1 cả nước xẩy ra 322 vụ TNGT làm chết 249 người, bị thương 158 người, so với thời gian tháng trước đó đã giảm 31 vụ (8,8%), giảm 38 người chết (13,2%), giảm 57 người bị thương (26,5%)...

Một trong những nguyên nhân kéo giảm TNGT là việc người dân, người tham gia giao thông đã thực sự có ý thức tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, như đã uống rượu, bia thì không lái xe. Bởi trong những nguyên nhân gây TNGT, nhiều vụ TNGT nghiêm trọng là do lái xe có nồng độ cồn trong người, thậm chí say xỉn vẫn lái xe. Thực tế đã có rất nhiều vụ TNGT xảy ra trong các dịp lễ, tết, TNGT rất nghiêm trọng đều liên quan đến rượu, bia...

Trong việc thực hiện Luật Chống tác hại của rượu bia, thực hiện Nghị định 100/CP cũng đã có không ít ý kiến bàn thảo, cho rằng những quy định về nồng độ cồn chưa hợp lý. Nhiều người quen với việc sử dụng rượu bia thì sốc, phản ứng. Rồi các cơ sở, nhà hàng, nơi tiêu thụ bia, rượu nhiều thì bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đa số đều ủng hộ quy định của pháp luật. Bởi ai đó chỉ cần chứng kiến các vụ tai nạn, thấy được hậu quả, hệ lụy đau lòng của những vụ TNGT, nhất là các vụ TNGT liên quan đến bia, rượu thì chắc chắn đều nhiệt liệt ủng hộ. Còn như chỉ vì thói quen, không làm chủ được mình, ngày Tết để xảy ra tai nạn, hay nếu chỉ vì vài cốc bia, rượu, bị phạt hàng triệu đồng, thậm chí mấy chục triệu đồng, lại mang tiếng vi phạm pháp luật thì cũng thật buồn.

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia; Nghị định 100/CP được thực hiện triệt để, ngoài giảm TNGT còn giảm người uống rượu, bia bị ngộ độc phải nằm viện, giảm bệnh nhân ẩu đả vì say. Nhiều bệnh viện lớn trước đây liên tục đón bệnh nhân bị ngộ độc rượu, bia, bị thương tích vì ẩu đả nay đã giảm hẳn, thậm chí không có bệnh nhân. Trước đó, các bệnh viện liên tục phải đón bệnh nhân ngộ độc rượu, bệnh nhân ẩu đả nhau vì hơi men kích động, nhất là mỗi dịp lễ, tết. Một cái Tết có đến hàng trăm ca ngộ độc rượu, 5- 7 ngàn ca phải nhập viện vì đánh nhau thì còn đâu niềm vui...

Để cho Tết an lành, Tết thực sự vui, ngoài việc tuân thủ pháp luật về giao thông cũng phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, giữ gìn vệ sinh môi trường...Năm nào cũng vậy, Chính phủ đều nhấn mạnh về việc phòng, chống mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ, pháo nổ; xử lý nghiêm các vi phạm về sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo nổ trái phép; chỉ đạo kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy, chấn chỉnh về điều kiện về phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu dân cư... Chỉ một phút lơ là, đốt hương, đốt nến không cẩn thận, kiểm soát thì hậu quả khó lường. Như ngôi chùa Cự Đà (Gia Lâm-Hà Nội), di tích lịch sử - văn hóa đã tồn tại mấy trăm năm gần đây bỗng bất ngờ bị thiêu rụi trong một đêm, thật quá đau lòng.

Thực hiện nghiêm pháp luật, động viên mọi người xung quanh cùng thực hiện nghiêm pháp luật, luôn cảnh giác với chính mình, cùng giữ gìn, xây dựng nếp sống, nét đẹp văn hóa. Ngày Xuân không có TNGT, không còn ẩu đả, thương tích, ngộ độc rượu, ngộ độc thực phẩm...Hãy cùng nhau giữ cho Tết an lành để những niềm vui, hạnh phúc của mọi cá nhân, gia đình thực sự được trọn vẹn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tết an lành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO