Thân thiện và tử tế

Miên Thảo 07/08/2019 08:00

Trang mạng w.w.whuboages.com đánh giá: Trong nhóm 10 quốc gia thân thiện với du khách nhất thế giới, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 4. Tiêu chí đánh giá dựa vào nhận xét về những người mà du khách thường tiếp cận trong chuyến du lịch như người phục vụ nhà hàng, tài xế, người dân trên đường phố…

Trang web này cũng nhận định, người Việt rất hào phóng với du khách, nhiệt tình giúp đỡ người nước ngoài, du khách có thể trò chuyện thân thiện với người dân... Tất nhiên không chỉ có trang mạng kể trên đánh giá cao điểm đến Việt Nam, mà còn nhiều xếp loại của quốc tế nữa. Chính vì thế, thật buồn khi có những người có hành vi xấu với du khách, ảnh hưởng tới du lịch cũng như hình ảnh Việt Nam.

Thân thiện và tử tế

Gìn giữ, phát huy tính mến khách, sự chân thành, thân thiện của người Việt Nam.

Việc du khách Nhật Oki Toshiyuki, 83 tuổi, phải trả 2,9 triệu đồng cho một cuốc xích lô 5 phút đi từ chợ Bến Thành về một khách sạn ở TP HCM đã gây bức xúc lớn trong cộng đồng. Thật đáng tiếc khi đây cũng không phải là lần đầu những “đại sứ hình ảnh” của đất nước ra tay “chặt chém” du khách nước ngoài. Chỉ vì lợi ích rất riêng của mình mà họ đã làm xấu đi hình ảnh một đất nước có thiên nhiên tuyệt vời, những con người chân thành, thân thiện. Nó đã ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam.

Nhiều ý kiến bất bình về sự việc này, trong đó có cả ý kiến của luật sư khi cho rằng hành vi đó có dấu hiệu lừa đảo, trấn lột du khách; có dấu hiệu của hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai. Như vậy, câu chuyện không hề nhỏ. Chỉ là hành vi của một cá nhân nhưng “con sâu làm rầu nồi canh” là điều rất đáng tiếc.

Du lịch được coi là “ngành công nghiệp không khói”, mang lại lợi nhuận lớn, và cũng rất quan trọng vì chính ngành này là hình ảnh của đất nước, không chỉ với những danh lam thắng cảnh “Trời cho” mà còn là văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam. Năm 2019, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 103 triệu lượt khách, trong đó có 18 triệu khách quốc tế. Ngành du lịch cũng quyết tâm về đích trước 1 năm so với mục tiêu tại Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là đón thu hút 17-20 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 82 triệu lượt khách nội địa. Có thể dẫn ra một con số: Năm 2018, ngành du lịch đón 15,5 triệu lượt khách nước ngoài đến Việt Nam, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 620.000 tỷ đồng. Đó là những con số rất ý nghĩa và rất giá trị.

Cũng chính vì thế càng không thể xuê xoa với những hành vi xấu trong hoạt động du lịch, hoạt động phục vụ du lịch. Xây dựng được hình ảnh đẹp rất khó, nhưng để hủy hoại nó lại rất nhanh, có khi chỉ từ những việc rất cỏn con. Nhiều quy định đặt ra với đầy đủ chế tài cho những hành vi ấy, nhưng để thật bền chắc thì rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng. Đó là việc bảo ban, nhắc nhở nhau phải biết gìn giữ, phát huy tính mến khách, sự chân thành, thân thiện của người Việt Nam. Từ đó cần lên tiếng phê phán những hành vi có thể làm tổn hại đến sự phát triển bền vững của du lịch cũng như hình ảnh của đất nước.

Người viết bài này chợt nhớ tới câu chuyện của một hướng dẫn viên du lịch trẻ tuổi. Anh kể rằng: Một lần, theo yêu cầu của một đoàn khách du lịch châu Âu, anh đưa họ vào một cửa hàng bán đồ lưu niệm. Họ rất thích thú trước những sản phẩm thủ công tinh tế của Việt Nam, nên hầu như ai cũng mua một hai món làm kỷ niệm. Điều đáng nói là khi đoàn khách rời khỏi cửa hàng, người chủ cửa hàng đã “bấm nhẹ” bảo anh nán lại rồi dúi vào tay anh một chiếc phong bì. Ngạc nhiên, anh hỏi lại thì được cho biết đó là tiền “lại quả” do anh dẫn khách vào. “Thật buồn khi tôi được biết đó là “thông lệ” vẫn thường diễn ra. Đương nhiên chủ cửa hàng không móc tiền túi ra cho hướng dẫn viên du lịch, mà họ đã đẩy giá sản phẩm lên, chặt chém du khách rồi trích ra để “lại quả” cho hướng dẫn viên”- anh này nói và cho rằng, nếu không chấm dứt thói móc ngoặc đó thì sẽ rất mất uy tín đối với ngành du lịch.

Trong hoạt động du lịch, trên thực tế mỗi người dân là một “đại sứ hình ảnh”. Nói như một lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội thì người dân phải hiểu và thấy rằng đón tiếp khách du lịch phải bằng lòng tự trọng, sự nhiệt tình, mến khách để họ nhớ đến và quay lại lần sau. Ý thức tự giác của những người trong ngành du lịch, của người dân buôn bán, kinh doanh, phục vụ tại những điểm du lịch phải trở thành nếp. Nếu không, việc xử lý một vài trường hợp cá biệt cũng sẽ chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa”, rồi đâu lại đóng đó, để rồi thỉnh thoảng dư luận lại sôi lên vì chuyện chặt chém, lừa gạt rất đáng xấu hổ.

Nhân đây cũng xin được nhắc lại nhận xét về Việt Nam với tư cách là một điểm đến, của trang Happy Lifestyle Journal: Với số tiền chỉ đủ thuê một phòng khách sạn 3 sao bình dân ở New York thì du khách có thể tận hưởng dịch vụ đẳng cấp, chất lượng tại các khách sạn 5 sao hoặc khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Việt Nam. Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện nhất Đông Nam Á trong danh sách 30 điểm du lịch lý tưởng. Việt Nam là đất nước nhiều danh lam thắng cảnh, đất nước có bề dày văn hóa và lịch sử; ẩm thực được nâng lên thành nghệ thuật. Và nhất là người dân thân thiện, tử tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thân thiện và tử tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO