Thất thoát hữu hình

Thúy Hằng 22/09/2017 10:35

Nhiều người nói rằng 0 đồng là cái giá của hơn 5.400 m2 đất vàng Thụy Khuê - Tây Hồ . 0 đồng cũng là cái giá cho giá trị thương hiệu một hãng phim mang thương hiệu “quốc gia” –Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) với hơn 60 năm xây dựng và phát triển; với vị thế vững chắc trong lòng công chúng yêu điện ảnh. Nếu như các nước trên thế giới, giá trị thương hiệu thường chiếm 47% tổng giá trị doanh nghiệp thì ở Việt Nam con số này lại là 0%.

Bỏ qua các yếu tố lùm xùm về lương, hay những mâu thuẫn nội tại ở ngay Hãng phim này thì rõ ràng việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam cung cấp thêm một minh chứng thực tiễn điển hình nhất, cụ thể nhất cho những bất cập trong công tác cổ phần hóa; những khoảng trống pháp lý trong định giá thương hiệu khiến nguy cơ gây thất thoát vốn, tài sản của nhà nước luôn hữu hình, nghiêm trọng.

Từ thời điểm tháng 4/2014, Hãng phim truyện Việt Nam tổ chức phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). VFS chỉ bán được 115 ngàn, trong tổng số 525 ngàn cổ phần đem ra chào bán, thu về vỏn vẹn gần 1,2 tỷ đồng. Theo phương án, sau CPH, Nhà nước nắm giữ 20%, cán bộ CNV 4,5% và 65% bán cho Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso) với giá chào bán thấp nhất: 10.200 đồng/cp. Và VFS đã chính thức về tay Tổng Công ty Vận tải thủy, có giá trị chỉ khoảng 50 tỷ đồng. Trong khi, theo Quyết định 4126/QĐ-BVHTTDL ngày 26/11/2015 của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, tổng giá trị thực tế của Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam tại thời điểm 30/09/2014 là hơn 91,7 tỷ đồng.

Như vậy có nghĩa là VFS đã được bán với giá thấp hơn giá thực tế, chưa bao gồm cả thương hiệu và hơn 1,4 hecta đất do VFS nắm quyền sở hữu. Trong đó có khu đất vàng số 4 Thụy Khuê, rộng 5.450m2 thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội, 900m2 tại ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, Quận Ba Đình và những trường quay ở vị trí đắc địa khác tại thành phố Hồ Chí Minh không được tính vào giá trị DN khi thực hiện CPH.

Thực tế, tài sản của DNNN chưa cổ phần hóa phần lớn là đất và nhiều nhà đầu tư cũng săn đầu tư CPH DNNN là vì khối tài sản này. Trong khi đó theo quy định hiện nay, xác định giá trị đất đai khi cổ phần hóa DNNN không bao gồm đất thuê của nhà nước và trả tiền thuê hằng năm. Đây chính là kẽ hở được nhiều DN lợi dụng thực hiện dưới nhiều chiêu thức tinh vi “liên doanh liên kết”, làm thất thoát tài sản nhà nước khi cổ phần hóa.

Những câu chuyện thôn tính “đất vàng” khi cổ phần hóa cũng không chỉ diễn ra VFS mà còn nhiều nơi khác nữa. Chẳng hạn như năm 2016, thị trường nóng lên với thông tin Kem Tràng Tiền có 1.500 m2 đất vàng trên phố Tràng Tiền (Hà Nội) chỉ được định giá 3,2 tỷ đồng khi cổ phần hóa… Vì vậy, việc xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp CPH.

Và không chỉ dừng lại ở đất vàng, giá trị thương hiệu doanh nghiệp cũng là vấn đề đáng coi trọng nhất trong CPH. Không phải ngẫu nhiên nhiều chuyên gia định giá thương hiệu tha thiết mong mỏi có một hành lang pháp lý ở Việt Nam chính thức công nhận: Cần đưa giá trị thương hiệu vào tổng tài sản của doanh nghiệp. Nếu như các nước trên thế giới, giá trị thương hiệu thường chiếm 47% tổng giá trị doanh nghiệp thì ở Việt Nam con số này không tính được vì không nằm trong bảng cân đối kế toán. Sổ sách theo dõi sự biến động của tài sản không theo dõi sự biến động của tài sản vô hình - thương hiệu doanh nghiệp. Vì vậy, trong nhiều cuộc mua bán, sáp nhập, chuyển nhượng, IPO, phát hành cổ phiếu, lợi ích thuộc về nhóm có mục tiêu thôn tính. Còn nguy cơ thất thoát thuộc về nhà nước, thiệt thòi thuộc về người lao động yếu thế.

Chuyên gia Lại Tiến Mạnh - giám đốc Công ty Mibrand Việt Nam, đại diện chính thức của Hãng Brand Finance - hãng định giá thương hiệu hàng đầu thế giới có trụ sở tại London (Anh) - khẳng định chúng ta đang sống trong một nền kinh tế ý tưởng, nền kinh tế tài sản vô hình, theo đó, thương hiệu chính là tài sản trí tuệ quan trọng nhất. Thương hiệu cũng là tài sản vô hình mang lại nhiều giá trị nhất cho cổ đông và doanh nghiệp. Điều này có lợi cho cả doanh nghiệp và Nhà nước, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Ông Đặng Quyết Tiến, phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thừa nhận , việc xác định giá trị, nhượng quyền sử dụng thương hiệu, góp vốn liên doanh, liên kết... bằng giá trị thương hiệu đối với các DN thuộc mọi thành phần kinh tế ở nước ta vẫn còn là một khoảng trống bỏ ngỏ. Nhiều thương hiệu mạnh lại chưa được xác định như giá trị tài sản DN tại Việt Nam. Điều này khiến Nhà nước có thể bị thất thoát lớn trong quá trình CPH, DN thiệt thòi trong quá trình cạnh tranh, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thất thoát hữu hình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO