Thay đổi tư duy lúa gạo

Minh Phương 04/11/2015 09:15

Việt Nam giờ đã trở thành một cường quốc xuất khẩu gạo và lọt hẳn vào tốp đầu các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Thế nhưng, đằng sau sự thành công đó, vẫn là sự bấp bênh thu nhập của người nông dân, sự lên xuống thất thường của giá gạo xuất khẩu… Mà nguyên nhân chính là bởi gạo Việt Nam chưa tìm thấy thương hiệu cho chính mình.

Theo giới chuyên gia ngành nông nghiệp, mặc dù đạt được thành tích trong xuất khẩu, song lâu nay, cái mà ngành gạo của Việt Nam đang đi tìm là thương hiệu hạt gạo “made in Vietnam” lại vẫn còn ở đâu đó rất xa. Trong khi đó, có xuất phát điểm sau nước ta rất nhiều năm, nhưng Campuchia đã đánh dấu được tên tuổi của sản phẩm gạo nước nhà trên bản đồ thế giới.

Mặc dù chỉ mới bước chân vào ngành xuất khẩu gạo được nửa thập kỷ, song gạo của Campuchia đã có mặt tại 53 quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, “sinh sau đẻ muộn” trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, nhưng đến thời điểm này, Thái Lan đã có tới 8 thương hiệu gạo được thế giới biết đến.

Trên thực tế, câu chuyện xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam đã được đề cập đến từ rất lâu và đây cũng là vấn đề thường xuyên đưa ra bàn thảo trong các cuộc hội họp liên quan vấn đề này. Tuy nhiên, dường như câu trả lời vẫn chưa được ngã ngũ. Cho đến thời điểm này, thương hiệu hạt gạo Việt Nam vẫn chưa rõ là sẽ xây dựng như thế nào, bắt đầu từ đâu?

Đã có đề xuất cho rằng, nên lấy gạo jasmine làm thương hiệu cho gạo thơm của Việt Nam. Đây chính là đề xuất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Song, đề xuất này ngay lập tức nhận được sự phản ứng của giới chuyên gia, các nhà khoa học ngành nông nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, jasmine không những là giống lúa khó trồng mà còn khó tìm đầu ra, chất lượng thiếu ổn định.

Nhận định về thực trạng hiện nay của ngành lúa gạo Việt Nam, ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, mặc dù ngành hàng lúa gạo của Việt Nam hội nhập rất sớm, và chúng ta cũng có sản lượng lương thực đứng đầu thế giới (hàng năm xuất khẩu 7-8 triệu tấn lương thực), song giá trị hạt gạo của chúng ta không cao.

Lâu nay, bà con nông dân và kể cả DN vẫn đang sản xuất lúa gạo theo phương cách truyền thống là chỉ hướng đến thị trường dễ tính nên gạo xuất khẩu vẫn chủ yếu là gạo phẩm cấp thấp. Điều này dẫn đến gạo Việt Nam không thể khẳng định được thương hiệu trên thị trường thế giới.

Theo ông Trung, việc lựa chọn giống lúa không phải chỉ là lựa chọn một loại giống phải là một nhóm giống lúa và nhóm này phải có những đặc tính nổi trội của lúa gạo Việt Nam. Khi đã có nhóm giống lúa riêng, chúng ta đưa gạo Việt Nam tiếp cận được với thị trường khó tính, từ đó sẽ gây dựng được thương hiệu cho gạo Việt.

“Để xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam, việc đầu tiên cần làm hiện nay là chúng ta phải thay đổi tư duy”, ông Trung nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thay đổi tư duy lúa gạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO