Thiên tai và sự cảnh báo

Nam Việt 30/05/2020 08:16

Mới đây, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019 theo hình thức trực tuyến, kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kết nối với đầu cầu 689 huyện. Điều đó cho thấy do biến đổi khí hậu, thiên tai đã ngày một thêm nguy hiểm, cần có giải pháp ứng phó hữu hiệu.

Thiên tai và sự cảnh báo

Đê biển Tây ở Cà Mau bị triều cường uy hiếp.

Trong năm 2019, với nước ta, thiên tai có nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước với 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 11 trận rủi ro thiên tai cấp độ 3; 8 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới; 222 trận giông, lốc sét; 10 trận lũ quét, sạt lở đất; 4 đợt rét đậm, rét hại; 13 đợt nắng nóng; 63 trận mưa lớn, ngập lụt; 13 trận động đất; triều cường, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại nhiều khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long… Cho dù thiệt hại do thiên tai năm 2019 đã được giảm thiểu tối đa nhưng cũng khiến 133 người chết và mất tích. Tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng, đã giảm nhiều so với thiệt do thiên tai gây ra năm 2018 (ước tính gần 20.000 tỷ đồng).

Từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường. Trên phạm vi cả nước đã xảy ra 7 đợt giông lốc, mưa đá diện rộng. Đáng chú ý, nhiệt độ ngày 24/4 tại Hà Nội xuống 16,5 độ C, thấp nhất 50 năm gần đây. Trong khi đó, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (5 tỉnh đã phải công bố tình trạng khẩn cấp); cùng đó là 11 trận động đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt diễn biến phức tạp tại đồng bằng sông Cửu Long. Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ nắng nóng kéo dài, lượng mưa cực thấp khiến cho tình hình khô hạn tăng mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân.

Tính đến hết tháng 4/2020, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích; trên 44.000 nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; trên 100.000 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng. Nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm, sẽ có khoảng từ 11 đến 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5 đến 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.

Trước tình hình đó, tại Hội nghị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh không được đầu hàng trước bất cứ tình huống nào, nhất là trong bối cảnh thời tiết biến đổi. Phải thích nghi và phát triển. “Tất cả chúng ta cùng xác định, quán triệt công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, hết sức khó khăn, phức tạp và chưa bao giờ kết thúc trong lịch sử Việt Nam”-Thủ tướng nêu rõ đồng thời lưu ý tới trách nhiệm của chính quyền các địa phương, trong mọi tình huống thì phải đặt an toàn của người dân lên hàng đầu.

Suốt mấy tháng qua, khô hạn hoành hành ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ. Nhiều nơi bà con phải bỏ vụ vì thiếu nước. Ngay đến nước ngọt cho sinh hoạt của người dân và chăn nuôi trồng trọt cũng thiếu hụt nghiêm trọng. Với Đồng bằng sông Cửu Long, gần 50% dân số trong vùng khô hạn thiếu nước ngọt. Khu vực này vừa là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản của cả nước thì khô hạn và xâm nhập mặn kéo dài sẽ hủy hoại nhiều thành quả. Chưa có năm nào xâm nhập mặn lại dữ dội như năm nay, khi nước mặn theo những dòng sông vào sâu trong nội đồng tới hơn 100km.

Trước mắt, với vùng miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ, mưa to gió lớn bất thường rất có thể sẽ gây ra những vụ sạt lở. Thực tế những năm qua cho thấy, việc người dân dựng nhà bên bờ suối hoặc tựa lưng vào đồi núi đã mang tới nhiều hiểm họa khi nước suối bất thần dâng cao bởi những con lũ và nạn sạt lở. Những vụ lũ quét, sạt lở cuốn trôi, vùi lấp những con người vô tội vẫn còn đó như một sự cảnh báo đầy đe dọa.

Còn ở cực Nam của Tổ quốc, những tuyến đê biển Cà Mau cũng đã trở nên mong manh trước những đợt triều cường.

Nhận diện những nguy cơ từ thiên tai, càng phải quyết tâm hơn trong việc phòng, chống. Giải pháp căn cơ cho những vùng hạn mặn phải được đặt ra. An cư và an toàn cho người dân sống trong vùng sạt lở phải được đặt ra. Dồn sức khắc phục khi thiên tai trút xuống là điều phải làm, nhưng cũng rất cần một chiến lược dài hơi khi buộc lòng phải sống trong một thế giới chịu tác động xấu của biến đổi khí hậu cũng như sự cực đoan bất thường, sự “đỏng đảnh” của thời tiết. Giải pháp tình thế phải đi cùng với biện pháp dài hơi mới hy vọng giảm thiểu tác hại của thiên tai.

Vấn đề càng trở nên cấp thiết khi Việt Nam là một trong những nước chịu tác động trực tiếp từ biến đổi khi hậu toàn cầu và mùa bão năm nay cũng đã đến rất gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiên tai và sự cảnh báo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO