Thiếu đồng bộ, khó thực thi

Minh Phương 23/11/2019 08:00

Theo báo cáo mới đây của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến tháng 10/2019, mới chỉ có 800.000 thẻ/3,5 triệu xe ô tô dán thẻ thu phí không dừng sử dụng dịch vụ này, con số quá khiêm tốn này cho thấy, dường như mục tiêu thu phí không dừng của nhà quản lý đang trở thành một bài toán quá khó sau 3 năm triển khai. Việc thu phí không dừng chỉ đạt được con số khiêm tốn cũng không có gì quá khó hiểu khi thời gian qua, cả chủ phương tiện lẫn chủ đầu tư đều… thiếu sự đồng thuận.

Thiếu đồng bộ, khó thực thi

Việc thực hiện thu phí không dừng vẫn gặp khó khăn.

Có chủ phương tiện cho biết, mặc dù xe ô tô đã có dán thẻ thu phí tự động không dừng (e-tag) sử dụng dịch vụ này, tuy nhiên khi đi qua trạm thu phí đã lắp đặt hệ thống thu phí tự động, chủ xe vẫn bị yêu cầu nộp tiền mặt. Trong khi ở một số điểm thu phí khác, chủ xe lại không muốn trả phí bằng hình thức tự động. Nghịch lý này đang khiến cho chủ trương thu phí không dừng của Chính phủ gặp phải nhiều rào cản.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Giao thông vận tải, Dự án Thu phí tự động không dừng giai đoạn I theo hình thức hợp đồng BOO (Dự án BOO1), doanh nghiệp dự án (là Công ty cổ phần VETC) với 44 trạm thu phí (26 trạm trên Quốc lộ và 18 trạm trên cao tốc) hiện đã lắp đặt, vận hành 25/26 trạm trên Quốc lộ 1 và 13 trạm trên các tuyến quốc lộ khác. Riêng 5 tuyến cao tốc do Tổng Công ty đầu tư phát triển cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý chỉ có 1 tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình lắp đặt thiết bị, dự kiến vận hành ngay trong năm 2019. 4 tuyến còn lại chưa triển khai được do thiếu vốn.

Nhiều chủ BOT cho biết, do vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán, nhiều chủ phương tiện vẫn rút tiền trả khi đi qua các trạm BOT. Mặt khác, việc thanh toán, nộp và quản lý tài khoản giao thông chưa tạo sự thuận tiện cho người sử dụng, do đó chưa thể khuyến khích được người dân tham gia dịch vụ.

Thực tế này đã dẫn đến câu chuyện khá “nực cười” đó là việc Công ty VETC liên tục xin trả lại Dự án do không còn mặn mà với việc triển khai thu phí không dừng mà nhà quản lý đưa ra. Có thể thấy, mục tiêu thu phí không dừng của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn nhằm giải quyết những bức xúc trong dư luận liên quan đến câu chuyện về các trạm thu phí BOT thời gian qua, đồng thời thúc đẩy tính minh bạch hóa, lấy lại niềm tin của người dân đối với các dự án BOT giao thông. Tuy nhiên, do chưa đồng bộ từ cơ sở hạ tầng cho đến việc vận dụng các công nghệ mới của các cán bộ BOT.

Thêm vào đó là thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của phần lớn người dân Việt Nam chưa thay đổi (chủ yếu vẫn dùng tiền mặt) dẫn đến những bất cập xảy ra trong việc thu phí tự động không dừng. Ở đây, câu chuyện không chỉ dừng lại ở việc nhà đầu tư chịu lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí hay không, mà còn phụ thuộc vào ý thức của các chủ phương tiện giao thông khi qua các trạm thu phí.

Mới đây nhất, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng. Theo đó, để tiếp tục triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng theo quy định tại Quyết định số07/2017/QĐ-TTg và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số06/CT-TTg ngày 27/02/2018, Công điện số 849/CĐ-TTg ngày 15/7/2019, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2019 về tiến độ triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Trong đó tập trung vào phân tích thực trạng, khó khăn, vướng mắc và đánh giá khả năng hoàn thành đối với việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Phó Thủ tướng cũng đưa ra yêu cầu đối với Bộ Giao thông vận tải về việc đề xuất các giải pháp đồng bộ, khả thi (về hoàn thiện thể chế cũng như phương án xử lý cụ thể) nhằm bảo đảm chuyển toàn bộ các trạm thu phí sang thu theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Tuy nhiên, theo thực tế đã và đang diễn ra, thì quả thực việc thu phí không dừng khó có thể hoàn thành đúng kỳ hạn. Và nếu thế, cần mổ xẻ, phân tích và có giải pháp chứ không thể… quay về như cũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiếu đồng bộ, khó thực thi