Thuận theo tự nhiên

Lê Anh Đức 12/07/2018 08:00

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá nửa đầu năm 2018 vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phê bình Bộ GTVT vì đã cho tăng giá hàng loạt dịch vụ vận tải như vé máy bay, tàu hỏa, thậm chí vé xe bus, khiến tháng 6 phát sinh lạm phát.

Thuận theo tự nhiên

Khách quốc tế làm thủ tục tại sân bay Nội Bài.

Phó Thủ tướng cho rằng, nghỉ hè là mùa du lịch, lượng khách đông, đầy trọng tải, nhưng Bộ GTVT lại cho các hãng tăng giá vé là bất hợp lý. Phó Thủ tướng khẳng định, việc tranh thủ lúc “người đông, đò đầy” mà tăng giá là đi ngược lại với quy luật kinh tế thị trường.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 6, giá vé tàu hỏa tăng 7,41%; vé xe buýt ở các tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Thanh Hóa, TP HCM, Long An, Vĩnh Long cũng tăng 2,68%. Việc hai hãng hàng không Vietjet Air và Jetstar Pacific tăng phụ thu khiến giá vé máy bay tăng 2,59%.

Dịch vụ vận tải tăng giá đã đẩy nhiều lĩnh vực tăng giá theo khiến chỉ số lạm phát tăng cao. Điều đáng nói, việc điều chỉnh tăng không có trong kịch bản mà Bộ GTVT báo cáo tại kỳ họp trước đó, ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phải đưa ra những ví dụ cụ thể để lãnh đạo Bộ GTVT dễ hình dung hơn về kinh tế thị trường. Chẳng hạn, thông thường vào mùa lễ hội, du lịch... khi khách sạn đầy phòng, các loại dịch vụ được sử dụng nhiều thì giá phải giảm (hoặc chí ít là giữ nguyên) sẽ tạo hiệu quả tốt hơn. Hiệu quả ở đây là gì?

Chính là việc khách du lịch trong và ngoài nước không cảm thấy mình bị “chặt chém” vào thời điểm mà họ có nhu cầu cần nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Tạo dựng được niềm tin với du khách sẽ giữ chân họ lưu trú lâu hơn, để họ có mong muốn quay lại trong tương lai.

Đó là những lý thuyết cơ bản, thô sơ nhất của nền kinh tế thị trường mà bất kể doanh nhân, nhà quản lý nào cũng phải biết nếu đã góp mặt trên thị trường. Song, đáng tiếc là các hãng vận tải (cả hàng không, đường bộ và đường sắt), các đơn vị cung cấp dịch vụ... chưa thật sự thấm nhuần những quy luật tự nhiên của nền kinh tế thị trường tưởng như quá đơn giản đó. Đó là lý do mà hễ vào mùa lễ hội, du lịch, phàm là những nơi tập trung đông người thì giá dịch vụ, vận tải... bắt đầu leo thang, hoặc là tự phát, hoặc là có sự “phê chuẩn” của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Mới có giá vé các hãng hàng không, giá vé tàu hỏa, xe khách tăng mà đã đẩy chỉ số lạm phát lên cao, vậy mà trong mấy tháng qua không ít ngành nhấp nhổm muốn tăng giá để thu được nhiều tiền hơn. Chẳng phải ngành điện cũng năm lần bảy lượt đề nghị cho phép tăng giá điện, nhưng đã nhận được cái lắc đầu của Chính phủ. Chẳng phải mới đây nếu không có sự “tuýt còi” của cơ quan chức năng thì một số “ông lớn” trong ngành ngân hàng cũng đã tăng phí dịch vụ rút tiền ATM để “bù đắp” các chi phí: Thuê chỗ đặt máy ATM, đường truyền, bảo trì, điện...

Tất nhiên không phải các doanh nghiệp cứ thích, cứ muốn là được. Nhà nước sẽ can thiệp kịp thời vào từng giai đoạn, từng thời điểm, từng lĩnh vực cụ thể... để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhưng tránh lạm phát. Xét về logic thông thường thì đã “đi buôn” ai mà không muốn có nhiều lãi, giá trị thặng dư cao? Song, ở bất kể bối cảnh xã hội nào thì lợi ích của doanh nghiệp, doanh nhân cũng phải gắn liền với lợi ích của Nhà nước, của cả cộng đồng xã hội. Do đó, họ không thể tự do làm theo ý thích để rồi gây hệ lụy xấu cho đất nước.

Và các cơ quan quản lý nhà nước chính là những chiếc barie để cản, là trọng tài nghiêm khắc để “thổi phạt” các tổ chức, cá nhân cố tình đặt lợi ích của doanh nghiệp, đơn vị mình lên trên lợi ích xã hội, lợi ích của đất nước và lợi ích của nhân dân. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cảm thấy phiền lòng bởi thay vì phải xây dựng “kịch bản” và báo cáo Chính phủ để có thể kịp thời ứng phó khi phát sinh tình huống xấu, thì Bộ GTVT lại “bật đèn xanh” cho các đơn vị, doanh nghiệp tăng giá dịch vụ vận tải.

Không chỉ nghiêm khắc phê bình lãnh đạo Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ còn yêu cầu cơ quan này phải kiểm tra, rà soát không thể cho phép các hãng vận tải tăng một cách tùy tiện. Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GTVT cần có sự điều chỉnh phù hợp với xu hướng thị trường, từ đó đưa ra chính sách điều hành hợp lý. Trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT trong tháng 7 phải có chỉ đạo các hãng vận tải cả hàng không, đường bộ, đường sắt giảm giá các dịch vụ để hạ nhiệt.

Cũng may là chỉ số lạm phát của tháng 6 vẫn ở trong ngưỡng kiểm soát của Chính phủ, nếu không thì khó có thể tưởng tượng được hậu quả tai hại của nó. Song, đây cũng là bài học cảnh tỉnh không chỉ đối với Bộ GTVT, mà còn đối với tất cả các bộ, ngành, địa phương trong việc kiểm soát giá cả, giúp Chính phủ điều hành ổn định kinh tế vĩ mô.

Chỉ cần một vài bộ, ngành, địa phương lơ là với chức trách được giao sẽ không chỉ ảnh hưởng tới chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, mà còn khiến phát sinh những hệ lụy khôn lường cho nền kinh tế đất nước như giảm phát, thiểu phát hay lạm phát.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thuận theo tự nhiên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO