Ước mơ 'Make in Việt Nam'

Hoài Vũ 11/05/2019 08:00

Điều ấy, giờ đây có lẽ còn hơn cả một ước mơ mà đã trở thành một khát vọng “vì một Việt Nam hùng cường”. Đó là khát khao cháy bỏng vươn tầm thế giới của đất nước. Điều đó nằm ở cộng đồng các doanh nghiệp (DN) công nghệ Việt Nam với vai trò là nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển.

Tại Diễn đàn quốc gia phát triển DN công nghệ Việt Nam ngày 9/5, đặt vấn đề: “Làm thế nào để có bước tiến dài, mạnh mẽ để đến năm 2045 Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp thịnh vượng, hơn 50% dân là ở tầng lớp trung lưu”-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến 2 yếu tố, đó là “khoa học và công nghệ” và “DN công nghệ”. Theo đó, thời gian tới, Việt Nam không chỉ hấp thụ công nghệ để làm chủ công nghệ và tích lũy năng lực mà cần phải phát minh, sáng chế công nghệ. Đó là con đường duy nhất và tất yếu dẫn đến một quốc gia hùng cường. Dùng công nghệ của nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam và từ cái nôi Việt Nam, các DN công nghệ này sẽ đi ra toàn cầu, giải quyết các bài toán toàn cầu. “Chúng ta cần xây dựng và tuyên bố một cách dứt khoát, rõ ràng một chiến lược phát triển DN công nghệ Việt Nam: Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất (Make in Việt Nam)” -Thủ tướng nhấn mạnh đồng thời cho rằng, cần khuyến khích các DN lớn đã thành công trong môi trường quốc tế về Việt Nam thể hiện tinh thần trách nhiệm dẫn dắt phát triển DN công nghệ Việt Nam.

Chưa bao giờ niềm tin, sự kỳ vọng của đất nước đặt lên vai cộng đồng DN lại lớn như hiện nay. Nếu như tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, DN được coi là “hạt nhân” thì tại Diễn đàn Phát triển DN công nghệ Việt Nam, DN được coi là “nhân tố chính”. Điều đó cho thấy vai trò của DN ngày càng được quan tâm, đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước, đưa đất nước tiến xa hơn, nhanh hơn nhằm thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, mà đằng sau đó là cải thiện đời sống của gần 100 triệu dân.

“Tăng năng suất lao động, phát triển nhanh, bền vững, thoát bẫy thu nhập trung bình”- là bài toán đang đặt ra cho Việt Nam hiện nay. Và, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, “công nghệ chính là lời giải cho những bài toán này”. Theo đó Việt Nam cần các startup công nghệ, bước đầu sử dụng công nghệ để phát triển giải pháp rồi từ đó tạo nên cuộc cách mạng công nghệ toàn dân. Vấn đề được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề cập đến cũng chính là những trăn trở nội tại của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây nhất là về năng suất lao động. Năng suất lao động của ta thua xa các nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore, Myanmar, thậm chí còn thua cả Lào và Campuchia. Một câu hỏi đau đáu được đã được đặt ra: Tại sao con người Việt Nam lao động sáng tạo, cần cù, luôn nằm trong top đầu thế giới trong các cuộc thi Olympic, hay tay nghề song năng suất lao động lại thấp? Nguyên nhân cơ bản được xác định chính là do khoa học công nghệ thấp, do đó công nghệ chính là lời giải cho bài toán tăng trưởng.

Nói đến sự phát triển công nghệ, có thể coi Hàn Quốc là hình mẫu cho nhiều nước noi theo, trong đó có Việt Nam, khi xuất phát điểm của Hàn Quốc gần như tương đồng với nước ta hiện nay là sản xuất nông nghiệp lạc hậu. Nhưng chỉ trong vòng một thế hệ, Hàn Quốc từ một quốc gia nông nghiệp nghèo nàn trở thành một trong những nước giàu nhất thế giới. Điển hình năm 2017, GDP của nước này đã đạt 1.530 tỷ USD, gấp 765 lần so với năm 1960. Chìa khóa của sự tăng trưởng mạnh này chính là khoa học công nghệ, chuyển mình thành công từ nhập khẩu công nghệ thành quốc gia đi đầu về công nghệ, sở hữu nhiều DN tư nhân lớn mạnh và có năng lực chế tạo, nắm bắt công nghệ. Bằng công nghệ, người nông dân của nước này có thể quản lý kho trại từ xa bằng điện thoại, sử dụng chíp, cảm biến để kiểm soát chất lượng. Khi phân phối qua thương mại điện tử, ứng dụng trên máy tính, điện thoại có thể giới thiệu, mua, bán các sản phẩm. Từ đó người bán và người mua dễ dàng giao dịch với nhau, tạo quá trình vận chuyển, bảo quản và tiêu thụ nhanh chóng. Tổ chức xếp hạng chỉ số đổi mới Bloomberg (Bloomberg Innovation Index) đã xếp hạng Hàn Quốc là đất nước có nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới, vượt qua Đức, Thụy Điển, Nhật Bản và Thụy Sỹ. Các chỉ số đánh giá quốc gia sáng tạo theo 5 hạng mục khác nhau, bao gồm: Các công ty công nghệ cao, sản xuất, lực lượng nghiên cứu, sáng chế và giáo dục.

Từ thành công của Hàn Quốc vốn có những điểm xuất phát khá tương đồng với Việt Nam, quay trở lại vấn đề nội tại của Việt Nam cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng được cơ hội để phát triển một nền kinh tế công nghệ cao nhờ “sức khỏe” của DN công nghệ đang cải thiện và có sự nỗ lực vươn lên. Đơn cử như sau khi thành công ở Việt Nam, một số ứng dụng của Công ty cổ phần MISA cũng đã bắt đầu triển khai thành công và có mặt tại 10 nước trên thế giới. Đặc biệt trong nước cũng đang xuất hiện một số tập đoàn dám đương đầu, vượt qua khó khăn, thử thách và đã đem lại thành công không nhỏ như: Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn Công nghệ CMC, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Công ty VC Corp. “Chúng tôi tự tin mà nói rằng, các DN phần mềm có thể giải quyết được các bài toán thuần Việt, tự tin ứng dụng được những công nghệ mới nhất của thế giới để giải quyết các bài toán của Việt Nam” là điều được ông Lữ Thành Long- nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần MISA nói như một sự cam kết đầy tự tin của khối DN công nghệ.

Thế nhưng, các DN nói chung hay DN công nghệ nói riêng chỉ có thể có “đất sống” khi có được thị trường đa dạng với sự cạnh tranh bình đẳng. Chỉ khi nào các DN nhà nước thoái vốn, tập trung sản xuất những lĩnh vực mà khối DN tư nhân không làm được thì DN tư nhân mới có “đất” để phát triển. Và không phải ngẫu nhiên, yếu tố “đòn bẩy” được Thủ tướng nhắc đến để DN công nghệ có thể cất cánh chính là việc cần tháo gỡ rào cản cho DN công nghệ phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ước mơ 'Make in Việt Nam'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO