Xóa điểm đen trách nhiệm

Hoài Vũ 24/07/2019 07:00

Ngay trước ngày diễn ra Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông 1 ngày, hàng loạt những vụ tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra trên cả nước như là minh chứng hiện hữu cho những “điểm đen”.

Xóa điểm đen trách nhiệm

Hiện trường vụ tai nạn giao thông ngày 20/7 tại Km 146+200 QL6 đoạn qua xã Tân Sơn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.

Xin được đưa ra một số vụ: Khoảng 10h00 trên đường Tô Ngọc Vân, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP HCM, một chiếc xe bán tải chạy từ cửa hàng rửa xe ra với tốc độ cao, sau đó lao sang làn đường ngược lại tông thẳng vào xe máy do nam thanh niên điều khiển, chở đồ sửa máy giặt, đi đúng đường. Tại Đà Nẵng, một “ma men” lăn ra ngủ giữa đường sau khi gây tai nạn tại đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Khuê Đông, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng. Thật trớ trêu vì gia đình người bị nạn ở tỉnh Quảng Nam nên phải mất nhiều giờ đồng hồ mới đến được hiện trường vụ tai nạn, nhưng trong lúc chờ người nhà người bị nạn, Cảnh sát giao thông phải vừa chăm sóc, vừa bảo vệ tài sản cho người đàn ông “nằm ngủ”. Còn trên quốc lộ 1A (đoạn qua xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) thì một xe khách khi đang chạy trên trên QL1 theo hướng từ Bắc vào Nam bỗng lao lên dải phân cách giữa, rồi lật nghiêng…

Một điểm chung trong những vụ việc trên được xác định đều do lỗi của người điều khiển phương tiện giao thông thay vì những “điểm đen” tồn tại tại các giao lộ, quốc lộ. Nếu như tại TP HCM, người điều khiển ô tô bán tải chạy từ cửa hàng rửa xe ra với tốc độ cao, sau đó lao sang làn đường ngược lại tông thẳng vào xe máy, thì tại Đà Nẵng, nguyên nhân được xác định do người điều khiển xe máy say rượu. Những sự việc đó càng đặt ra vấn đề về siết ngay từ người điều khiển phương tiện giao thông, trong đó có điều kiện “đầu vào” là các trung tâm đào tạo lái xe. Vì thế không phải ngẫu nhiên, Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ ra việc các “điểm đen” ngay chính tại cơ quan đào tạo, kiểm tra, “đăng kiểm thì xe xấu thành xe tốt, đào tạo thì không nghiêm khắc”. “Điểm đen” này còn nguy hiểm hơn “điểm đen” trên đường. Việc Cục Đăng kiểm Việt Nam đã kiểm tra, xác minh, quyết định thu hồi giấy phép hoạt động đối với Trung tâm đăng kiểm 9803D tỉnh Bắc Giang do hành vi cấp khống giấy chứng nhận đăng kiểm cho xe kinh doanh vận tải, cũng là một ví dụ điển hình. Gần đây, báo chí nói nhiều về việc có những trung tâm đào tạo lái xe dễ tính đến “nổi tiếng”, có cả phương thức bảo đảm thi là đỗ…

Sự trăn trở của người đứng đầu Chính phủ cũng là nỗi lo chung của toàn xã hội, cần phải có những giải pháp mạnh mẽ quyết liệt thì mới xoay chuyển được tình tình. Nhiều ý kiến cho rằng, chế tài đối với lái xe vi phạm về nồng độ cồn, dùng ma túy còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Quy trình kiểm tra xử lý lái xe dùng ma túy còn mất nhiều thời gian. Hiện nay, việc kiểm tra sức khỏe lái xe thì đều do lái xe tự đi khám mà không có sự giám sát của cơ quan chức năng nên xảy ra tình trạng gian lận. Có trường hợp lái xe nhờ người lấy hộ mẫu nước tiểu. Đối với việc xử lý xe quá khổ, quá tải, theo đại diện tỉnh Nghệ An, có trường hợp chủ xe thuê người giám sát hoạt động của lực lượng chức năng để trốn tránh. Còn Bộ Y tế cho rằng, khi phát hiện lái xe sử dụng ma túy cần tước bằng lái xe ngay, bởi nếu nương tay, sẽ có nguy cơ tiếp tục gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng.

Hàng tá những giải pháp đã được các cơ quan chức năng, thậm chí chính quyền địa phương “hiến kế” với Chính phủ để ngăn chặn tình trạng tai nạn giao thông. Nhưng có một tồn tại đáng suy ngẫm được Bộ Tư pháp nhắc đến được coi là “thâm căn cố đế”, và đến nay vẫn đang là sự lo ngại khi việc xử lý chưa nghiêm vi phạm, khiến lái xe “nhờn luật”. Điều đó đang đặt ra vấn đề trách nhiệm của cơ quan chức năng bởi đằng sau việc xử lý chưa nghiêm là vấn đề mà lâu nay cử tri vẫn đang bức xúc đó là “mãi lộ”. Việc “mãi lộ” không những làm hư hỏng cán bộ mà còn làm “xói mòn” lòng tin của người dân vào hệ thống công quyền, và pháp luật nước nhà. Bởi xử lý không nghiêm nên dẫn đến “nhờn luật”, giải quyết “bằng tiền” là có thể tiếp tục lưu thông trên đường tiềm ẩn những nguy cơ gây tai nạn, là nỗi bất an đối với mọi người, mọi nhà khi “sáng dắt xe đi, chiều không trở về”.

Cũng giống như “lời hứa” trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 và tại Hội nghị trước Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã đưa ra cam kết chính trị trong năm 2019, sẽ xóa tất cả “điểm đen” trên các tuyến quốc lộ; lắp hệ thống camera ở những điểm có tình trạng xe dù, bến cóc, những ngã ba, ngã tư xung yếu, để tăng cường công tác xử phạt nguội các hành vi vi phạm; cũng như chế tài xử phạt các hành vi vi phạm giao thông sẽ được sửa đổi theo hướng nặng hơn. Những cam kết đã được đưa ra, những giải pháp đã được nhắc đến nhưng có một giải pháp hơn lúc nào hết cần được nhắc đến là siết “ý thức trách nhiệm” của cán bộ thực thi pháp luật ngay từ các khâu như: Đào tạo cấp phép lái xe, tuần tra xử lý vi phạm. Khi những “điểm đen trách nhiệm” được xóa bỏ thì mới xóa bỏ được những điểm đen giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xóa điểm đen trách nhiệm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO