Xử lý điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công

Hoàng Mai 09/07/2019 09:00

Trong cuộc họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra vào giữa tuần qua, bên cạnh những điểm sáng trong kinh tế - xã hội được đưa ra phân tích cặn kẽ, tỉ mỉ, có một vấn đề nổi lên và đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận ngay tại phiên họp đó là vấn đề liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA.

Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 119 nghìn tỷ đồng, bằng 32,41% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ (33,85%). Trong đó, có 6 bộ, ngành và 13 địa phương có số giải ngân đạt trên 50%. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có 35 bộ, ngành và 16 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%; trong đó 15 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%.. “Lý do là cùng một mặt bằng quy định pháp luật, vẫn có 6 bộ, ngành, 13 địa phương đã đạt tỷ lệ giải ngân trên 50%, trong khi đó, có tới 35 bộ, ngành, 16 địa phương giải ngân đạt dưới 30%”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Lý giải nguyên nhân chậm giải ngân này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua tổng hợp báo cáo, việc giải ngân chậm do cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Có những tồn tại từ thời gian trước mà không hiểu sao vẫn chậm được khắc phục, xử lý như: Năng lực một số chủ đầu tư còn hạn chế, chưa nắm bắt kịp thời, đầy đủ các thủ tục đầu tư, xây dựng; chậm trễ trong công tác chuẩn bị hồ sơ mời thầu, đấu thầu; chưa sâu sát, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị tư vấn, các nhà thầu thi công kịp thời; chậm triển khai các thủ tục và các vấn đề liên quan đến công tác giải ngân của các dự án; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án trọng điểm gặp khó khăn, vướng mắc kéo dài do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, nhà thầu và chính quyền địa phương.

Còn ở cấp quản lý, dường như công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc hoàn thiện thủ tục, triển khai thi công, hoàn thiện hồ sơ giải ngân của các cấp, các ngành chưa quyết liệt, xuất hiện tâm lý ngại hoàn thiện thủ tục, ngại triển khai do chưa nắm vững quy định pháp luật, sợ trách nhiệm... Công tác giao kế hoạch và điều chỉnh kế hoạch chậm do phải báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định, một số dự án chưa đảm bảo thủ tục đầu tư theo quy định dẫn tới chưa giao kế hoạch chi tiết, thời gian hoàn thiện thủ tục kéo dài, nhất là các dự án ODA. Nhìn từ các nguyên nhân ấy có thể thấy nổi lên một số vấn đề như từ nội tại cơ quan được giao làm chủ đầu tư các khoản đầu tư công kể cả trong năng lực thực hiện cũng như năng lực quản lý.

Đáng nói là những vấn đề liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công luôn được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao. Mới đây nhất, vào đầu tháng 5, lãnh đạo Chính phủ đã ra thông báo về giải pháp thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập 3 đoàn công tác làm việc với 12 tỉnh, thành phố. Qua làm việc bước đầu của các đoàn công tác cho thấy nguyên nhân giải ngân 6 tháng đầu năm chậm hơn so với cùng kỳ là do những tháng đầu năm các bộ, ngành và địa phương tập trung giải ngân vốn kế hoạch năm 2018 kéo dài sang năm 2019 theo quy định tại Nghị định số 120/2018/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời việc giao vốn kế hoạch năm 2019 còn chậm so với các năm trước ở cả cấp trung ương và địa phương.

Tóm lại, nguyên nhân chủ quan và khách quan đã rõ, vấn đề ở chỗ, từ nay đến cuối năm 2019 chỉ còn 6 tháng nữa làm sao để có thể thực hiện tốt việc giải ngân vốn đầu tư công, góp phần vào sự phát triển của đất nước. Sẽ không thể có cách nào khác nếu từng cơ quan, đơn vị không chủ động, quyết liệt mà vẫn thể hiện sự trông chờ hay cầm tay chỉ việc.

Vì thế, ngoài việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 3/8/2017 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, nếu đến thời điểm cuối tháng 9 năm nay nơi nào có tốc độ giải ngân ở mức “rùa bò”(tức là dưới 30% sẽ không được tiếp tục bố trí kế hoạch vốn năm sau), có lẽ cần tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong việc đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung hoàn thiện thủ tục pháp lý, nghiệm thu khối lượng, thủ tục thanh toán, quyết toán... không để dồn vào cuối năm, tránh tình trạng đùn đẩy, kéo dài thời gian nhằm né tránh trách nhiệm. Và, có lẽ, chỉ có thực hiện hệ giải pháp đồng bộ mới mong đạt kế hoạch được Chính phủ nêu ra về giải ngân đầu tư công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO