Gọi tên trách nhiệm

Cẩm Thúy 28/05/2020 08:00

Vào cữ này mọi năm, học sinh đã chuẩn bị bước vào những ngày hè. Nhưng năm nay đại dịch Covid-19 làm mọi việc bị đảo lộn. Và phượng vốn là loài hoa biểu tượng cho sự thân thương của mùa hè học trò, bước vào mùa hè đặc biệt mà năm học chưa kết thúc này đã trở thành một nỗi buồn, phải trả giá bằng tính mạng một học trò.

Gọi tên trách nhiệm

Hoa phượng gắn liền với tuổi học trò. (Ảnh minh họa).

Phượng có lỗi không? Đương nhiên là không. Thầy hiệu trưởng của Trường THCS Bạch Đằng - nơi có cây phượng đổ khiến 1 em học sinh tử vong, nhiều em khác bị thương - đã nhận lỗi cây đổ là sự cố đáng tiếc mà nhà trường không mong muốn nhưng thầy vẫn nhận trách nhiệm về mình. Và từ lúc sự cố đáng tiếc xảy ra xuất hiện trên nhiều cơ quan truyền thông, nhiều diễn đàn người ta bắt đầu vạch vòi về đặc tính của cây phượng, rằng rễ nông rễ sâu, rằng đáng lẽ phải thế nọ thế kia, ví như là tỉa cành cắt lá…

Phải nói cho công bằng rằng trên đời có những sự cố mà ngay cả ngồi trong nhà có khi người ta vẫn có thể gặp phải. Bất trắc thì cuộc đời này nhiều lắm, không tránh khỏi. Nhưng ai trong chúng ta khi đưa con đến trường học, đều cũng nghĩ rằng đang gửi con đến một môi trường an toàn, lành mạnh. Một cháu bé bị bỏ quên trên xe bus dẫn đến tử vong hay những đứa trẻ bị cây phượng bật gốc đè lên đều trở thành một nỗi ám ảnh, rất lớn, với toàn xã hội, rằng có thể ngay cả trong lúc đến trường, thậm chí đã ở trong sân trường, hiểm họa cũng có thể rình rập con em mình.

Bởi vậy, sẽ còn có thể có bất trắc xảy ra nếu mỗi khi có sự cố, trách nhiệm không được gọi tên cụ thể. Đành rằng có những việc chúng ta không lường được. Không cần nói ở trong sân trường, mà nói chung ở ngoài đường, trong điều kiện thời tiết bình thường một người dân đang đi mà bị cây đổ vào người thì trách nhiệm đó thuộc về ai. Để một cái cây đổ, để một cái giàn giáo bị sập, để một đứa trẻ bị bỏ quên… tất cả những trách nhiệm để xảy ra sự cố đều phải gọi được tên người chịu trách nhiệm để xử lý, thậm chí là truy tố trước pháp luật.

Có những ai phải chịu trách nhiệm trong một vụ việc là cây phượng đổ trong sân trường. Nhà trường chịu trách nhiệm quản lý học sinh trong thời gian ở trường. Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cái cây trong trường cũng do trường quản lý. Đã có việc thầy hiệu trưởng nhận trách nhiệm về mình. Vừa quản lý học sinh vừa quản lý cây phượng, nghĩa là trong vụ việc cây phượng đổ, có vẻ như rất dễ để xác định trách nhiệm thuộc về đâu. Nhưng đó không phải là một trách nhiệm chung chung. Bấy lâu nay có quá nhiều trách nhiệm chung chung. Và đó là nguyên nhân khiến sau mỗi sự cố thì trách nhiệm hòa cả làng. Mà tính mạng con người thì không thể chung chung được. Có một đứa trẻ một ngày đi học đã không trở về nhà. Cây phượng thân thương đã trở thành phượng buồn đối với gia đình, thầy cô và bè bạn.

Rồi rất có thể sau sự cố này người ta sẽ rà soát cây xanh trong sân trường, để cho an toàn người ta sẽ cắt bớt cây xanh. Mất bò mới lo làm chuồng là tâm lý dễ hiểu.

Nhưng nhân việc một cái cây bật gốc, việc quan trọng không kém việc xác định trách nhiệm thuộc về ai là nhìn lại việc chúng ta đã chăm lo cho trẻ em thế nào, để mỗi ngày đến trường không trở thành một nỗi phấp phỏng. Đang có nhiều tranh luận trong vụ việc một học sinh khác ở Hải Phòng, việc để cháu đứng ngoài nắng là lỗi của nhà trường hay lỗi của phụ huynh. Nhưng người lớn mải mê ăn thua với nhau, quên rằng rồi đứa bé sẽ lớn lên thế nào. Ưu tiên lớn nhất bao giờ cũng thuộc về trẻ em, để các em chịu bất cứ thiệt thòi nào, lỗi cũng thuộc về người lớn.

Một đứa trẻ đứng ngoài nắng hay một đứa trẻ bị cây bật gốc đổ vào người trách nhiệm đều là của người lớn, chúng ta phải gọi tên trách nhiệm ấy ra, một cách cụ thể, mới mong hạn chế tối đa bất trắc. Bởi vì trong rất nhiều trường hợp, chính sự vô cảm và vô trách nhiệm, bởi vì trách nhiệm không bao giờ được gọi tên cụ thể, đã là mầm mống của tai họa. Khi bất kỳ sự cố nào cũng có người phải chịu trách nhiệm về nó, phải trả giá vì nó, thì sự cố mới hạn chế xảy ra. Chỉ có sự chịu trách nhiệm rõ ràng, cụ thể mới nâng cao trách nhiệm của những người có trách nhiệm. Ví dụ khi một cái cây đổ trên đường, trong sân trường hay bất kỳ đâu, dù khiến chết người hay không chết người, cũng có trách nhiệm rất cụ thể của một ai đó, thì lần sau tất không còn cây vô cớ đổ…

Một đứa trẻ đã không trở về nhà sau một ngày đi học. Trường học đã trở thành nỗi phấp phỏng của cha mẹ lúc đưa con đến trường. Chúng ta sẽ đảm bảo thế nào về một môi trường an toàn cho con trẻ khi mà mỗi khi có một sự cố cây đổ thì không có một trách nhiệm thật cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gọi tên trách nhiệm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO