Gọi thí sinh nhập học sớm: Vẫn tồn tại tình trạng nộp tiền để 'giữ chỗ'

NGUYỄN HOÀI 29/06/2022 07:07

Tình trạng các trường tuyển sinh bằng phương thức riêng, yêu cầu thí sinh phải xác nhận nhập học ngay khi chưa có kết quả xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc phải nộp tiền để “giữ chỗ” đã tồn tại thời gian qua, gây bức xúc cho thí sinh và xã hội. Mùa tuyển sinh năm nay, dù đã có “lệnh cấm” nhưng hiện tượng này vẫn xảy ra.

Thí sinh làm thủ tục nhập học.

Chiêu “lách luật” tuyển sinh

Quy chế tuyển sinh đại học 2022 có nhiều điểm mới. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quy định các trường phải qua hệ thống lọc ảo chung tất cả các phương thức, kể cả các phương thức xét tuyển sớm (xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực...). Bộ GDĐT cũng quy định, các trường không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung, không được yêu cầu thí sinh nộp phí “giữ chỗ”.

Trong khi đó, từ mùa tuyển sinh 2021 trở về trước, Bộ GDĐT chỉ lọc ảo đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Những trường có xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực hoặc xét tuyển theo phương thức riêng về cơ bản được tự chủ hoàn toàn về mặt tuyển sinh.

Mặt trái của việc này là nhiều trường gọi thí sinh nhập học sớm mà không cập nhật dữ liệu lên hệ thống chung, dẫn tới số lượng thí sinh ảo gia tăng, làm ảnh hưởng đến kết quả lọc ảo chung của toàn hệ thống. Một số cơ sở đào tạo xét tuyển bằng các phương thức khác (chủ yếu là xét tuyển học bạ) yêu cầu thí sinh phải xác nhận nhập học ngay khi chưa có kết quả xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, làm thí sinh mất cơ hội nhập học ở các trường có mức ưu tiên cao hơn hoặc phải nộp tiền để “giữ chỗ”, gây bức xúc cho thí sinh và xã hội.

Tình trạng này đã tồn tại nhiều năm qua và ngay cả mùa tuyển sinh năm nay, dù Bộ GDĐT đã đặc biệt lưu ý các trường không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm, không được yêu cầu thí sinh nộp phí “giữ chỗ” nhưng hiện tượng này vẫn xảy ra.

Con trai chị Nguyễn Hồng Tú (quận Hoàng Mai, Hà Nội) năm nay thi tốt nghiệp THPT. Vì muốn nắm bắt, chia sẻ thông tin về kỳ thi cũng như những quy định tuyển sinh đại học nên chị Tú tham gia nhiều hội nhóm trên mạng xã hội facebook, zalo. Chị Tú cho biết, cách đây khoảng hơn chục ngày, trên nhóm zalo của các phụ huynh có con năm nay thi tốt nghiệp THPT, nhiều phụ huynh chia sẻ, con của họ nhận được email của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo trúng tuyển tạm thời.

Hiện tượng này cũng đã được báo chí phản ánh trước đó. Theo đó, trong email gửi đến thí sinh, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội có gửi đường link để xác nhận thông tin. Đường link này có nội dung yêu cầu thí sinh xác nhận các bước để nhận giấy báo trúng tuyển chính thức. Trong đó, nội dung đầu tiên là thí sinh sẽ sắp xếp nguyện vọng trúng tuyển tạm thời là nguyện vọng 1.

Trước nội dung này, nhiều phụ huynh và thí sinh băn khoăn có nên xác nhận thực hiện các bước trên hay không, việc xác nhận này liệu có ảnh hưởng tới quyền lợi sau này của thí sinh?

Tương tự, ở phía Nam, từ đầu tháng 5, nhiều thí sinh cũng nhận được giấy báo trúng tuyển tạm thời vào địa chỉ email từ một số trường đại học như: Trường Đại học Hoa Sen, Trường Đại học Hồng Bàng, Trường Đại học Gia Định... Trong thư điện tử gửi các thí sinh, các trường cũng đưa ra mức ưu đãi học phí, học bổng khi thí sinh đăng ký nhập học sớm kèm theo thông tin về mức học phí của trường. Trong khi đó, trên website Trường Đại học Văn Hiến, trường hiện đang thông báo tuyển sinh đại học chính quy đợt 3 năm 2022 theo kết quả học bạ THPT. Đáng chú ý, trước đó, trường đã thông báo điểm trúng tuyển đại học chính quy đợt 1 năm 2022 theo phương thức xét tuyển này trên website của nhà trường.

Thí sinh tham khảo thông tin tuyển sinh của các trường tại một ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp.
Ảnh: N. Hoài

Cần khung pháp lý ổn định

Theo lý giải của các trường, tại thời điểm các trường gửi giấy báo trúng tuyển tạm thời là lúc Bộ GDĐT chưa ban hành quy chế tuyển sinh 2022. Tuy nhiên, kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với công tác tuyển sinh, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam cho hay, tình trạng trên đã tồn tại từ năm này qua năm khác và các trường luôn vin vào cớ chỉ gửi thông báo trúng tuyển tạm thời hoặc gửi vào lúc Bộ GDĐT chưa ban hành quy chế tuyển sinh, thực chất là đối phó, “lách luật”.

Theo chuyên gia này, việc thí sinh xác nhận nhập học trước có thể làm mất đi cơ hội được nhập học vào các trường và ngành mà thí sinh mong muốn, hoặc thí sinh phải nộp một khoản phí giữ chỗ.

Những năm trở lại đây, các trường đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh, trong đó dành nhiều chỉ tiêu bằng phương thức xét học bạ. Ông Khuyến e ngại về tính minh bạch, công bằng của phương thức xét tuyển này. Bởi theo ông, đến kỳ thi tốt nghiệp THPT huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc mà vẫn còn có gian lận thì ở bậc phổ thông, tình trạng xin điểm, “chạy” điểm, thậm chí là “mua” điểm để có học bạ đẹp là không tránh khỏi. Việc xét tuyển sớm cũng là một trong số nguyên nhân hình thành tình trạng các trường đua nhau gọi thí sinh nhập học sớm khi chưa có kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Với cơ chế tự chủ tài chính như hiện nay, thu nhập các trường chủ yếu từ hoạt động đào tạo, tuyển sinh. Thế nên, các trường có xu hướng tuyển sinh càng nhiều càng tốt. Xu hướng chạy theo quy mô, số lượng dẫn tới những tiêu cực trong tuyển sinh. Tình trạng cá biệt một số trường gửi giấy báo trúng tuyển sớm, yêu cầu thí sinh nhập học sớm tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong công tác tuyển sinh. Trước tình trạng này, ông Khuyến cho rằng: “Bộ GDĐT cần xây dựng hệ thống chính sách tuyển sinh, chính sách đầu tư cũng như chất lượng rõ ràng, ổn định. Đi đôi với đó là kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh với trường có sai phạm”.

Liên quan đến việc tổ chức đăng ký và xét tuyển sớm, Bộ GDĐT lưu ý các cơ sở đào tạo chỉ xét tuyển sớm đối với các phương thức không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Trong trường hợp phương thức xét tuyển có sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 thì thực hiện xét tuyển theo kế hoạch chung.

Bộ GDĐT cũng lưu ý, các cơ sở đào tạo phải có biện pháp kiểm soát các điều kiện sơ tuyển, điều kiện phụ trong tuyển sinh, không để xảy ra tình trạng thí sinh đã trúng tuyển nhưng bị loại khi nhập học do không đủ điều kiện sơ tuyển, điều kiện phụ. Cơ sở đào tạo không được thông báo thí sinh trúng tuyển chính thức dưới mọi hình thức khi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT.

TS Hà Thúc Viên.

TS Hà Thúc Viên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức:

Tránh bị dao động bởi các thông tin bên ngoài

Năm nay, Bộ GDĐT ban hành quy chế tuyển sinh muộn nên các trường khá lúng túng trong việc triển khai phương án tuyển sinh. Về vấn đề này, Bộ GDĐT cần có định hướng xây dựng quy chế theo tính hệ thống, quy định khung và có tính ổn định chứ không phải thay đổi hàng năm. Dựa trên khung pháp lý đó, các trường sẽ chủ động trong việc triển khai công tác tuyển sinh.

Quan trọng hơn là các trường chịu trách nhiệm về chất lượng, đảm bảo yêu cầu đầu vào, đầu ra trong quá trình giảng dạy, hướng đến kiểm định quốc tế có uy tín và cần công khai minh bạch trước xã hội. Giáo dục là hướng đến sự phát triển tốt đẹp, thịnh vượng của xã hội nên chúng ta cần kiên định thực hiện sứ mệnh đó và cần nhìn nhận dưới góc độ hướng tới chất lượng giáo dục.

Thời điểm này, thí sinh cần tránh bị dao động bởi các thông tin bên ngoài. Cơ quan quản lý và các trường sẽ có những giải pháp phù hợp để bảo đảm quyền lợi thí sinh nên các em không cần lo lắng, để tập trung thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả tốt. Bên cạnh đó, thí sinh cần theo dõi thông tin, nắm chắc các quy định, các mốc thời gian để đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ GDĐT.

ThS Phạm Doãn Nguyên tư vấn tuyển sinh cho các thí sinh.

ThS Phạm Doãn Nguyên - Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh:

Thí sinh dễ ngộ nhận “trúng tuyển” trước lời mời nhập học sớm

Việc các trường gửi giấy báo trúng tuyển tạm thời, giấy báo trúng tuyển có điều kiện cũng xuất phát từ mong muốn tạo điều kiện cho thí sinh. Tuy nhiên, việc làm này cũng có tính hai mặt, nhiều thí sinh ngộ nhận là đã trúng tuyển chính thức rồi nên chỉ cần thi tốt nghiệp THPT cho qua. Điều này làm mất đi khả năng nỗ lực đạt điểm cao của thí sinh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây.

Năm 2022, quy chế tuyển sinh đại học của Bộ GDĐT có quy định các trường không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung. Vì vậy, các trường cần thực hiện đúng quy chế tuyển sinh năm nay của Bộ GDĐT và công khai tư vấn rõ cho thí sinh hiểu về: Quy trình xét tuyển, thời điểm nhập học chính thức, cách đăng ký điều kiện bắt buộc trúng tuyển vào các trường. Khi thí sinh hiểu rõ, các em sẽ cân nhắc đăng ký nguyện vọng.

Với một số trường cá biệt yêu cầu thí sinh nhập học sớm để giữ chỗ bằng cách đóng một khoản học phí, mỗi trường sẽ có quy định riêng. Nếu sau này thí sinh không theo học không thể rút 100% chi phí đã nộp mà sẽ mất một khoản nhất định, thậm chí có trường không hoàn lại số “tiền cọc” hoặc tìm cách giữ chân người học… Hơn nữa, việc nhập học sớm sẽ mất đi cơ hội, quyền lợi khi thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT. Thế nên, thí sinh và phụ huynh cần hết sức cân nhắc và tỉnh táo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gọi thí sinh nhập học sớm: Vẫn tồn tại tình trạng nộp tiền để 'giữ chỗ'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO