Gói ưu đãi lãi suất khởi động “bơm vốn”

H.Hương 28/06/2022 06:51

Thời điểm hiện tại, các ngân hàng đang chuẩn bị gấp rút các thủ tục để giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%. Còn doanh nghiệp đang mong đợi được “bơm” vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp chuẩn bị đón nguồn vốn từ gói hỗ trợ lãi suất 2%. Ảnh: Quang Vinh

Đẩy mạnh việc “bơm” vốn

Ngay sau khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành các quy định liên quan đến chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, các ngân hàng thương mại cho biết đã và đang chuẩn bị để nhanh chóng vào cuộc.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) là ngân hàng đầu tiên ra thông báo triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trên lãi suất vay thực tế áp dụng đối với các thỏa thuận cho vay và giải ngân từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2023 và đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại các kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ phát sinh từ ngày 20/5/2022 đến 31/12/2023. Về điều kiện để được hỗ trợ lãi suất, khách hàng cần có đề nghị được hỗ trợ lãi suất, đồng thời phải đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành và quy định nội bộ của Agribank về hoạt động cho vay đối với khách hàng.

Agribank cũng thông báo đã được phê duyệt hạn mức hỗ trợ lãi suất 2%/năm với quy mô dự kiến 2.500 tỷ đồng trong năm 2022 đối với các đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Tính từ thời điểm khách hàng được hỗ trợ lãi suất đến nay, Agribank đã giải ngân gần 100.000 tỷ đồng dành cho các đối tượng được thụ hưởng.

Ông Nguyễn Việt Cường - Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, ngân hàng sẽ sớm chuẩn bị công tác truyền thông, ban hành các quy trình nghiệp vụ, bảo đảm công khai, đúng đối tượng, không để xảy ra trục lợi chính sách.

Đại diện VietinBank cũng cho hay, ngân hàng đã lên sơ bộ danh sách, dự thảo các văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ lãi suất được thông suốt trong hệ thống.

Ngân hàng An Bình (ABBank) đã được phê duyệt 264 tỷ đồng dành để hỗ trợ giảm lãi suất. Tương ứng, sẽ có khoảng 13.000 tỷ đồng dư nợ cho vay sẽ được ưu đãi. Ngân hàng cho biết sẽ rà soát để có hướng dẫn cho cả nhóm khách hàng đang vay vốn và khách hàng mới.

Bà Phạm Thị Hiền - Phó Tổng giám đốc ABBank cho biết: “Điều kiện để được vay vốn trước tiên là khách hàng phải thuộc nhóm được hỗ trợ lãi suất theo quy định. Đồng thời, khách hàng phải có khả năng phục hồi, không bị gia hạn, quá hạn nợ. Còn các khách hàng mới chúng tôi có hướng dẫn riêng khi làm hồ sơ xin hỗ trợ".

Với ngân hàng VietinBank, khoảng 30% tổng quy mô tín dụng của ngân hàng thuộc nhóm có thể được giảm lãi suất theo Nghị định 31. Do đó, ngân hàng này được dành 7.000 tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất trong năm nay và năm sau. Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung - Phó Tổng giám đốc Vietinbank cho biết: Gói hỗ trợ của ngân hàng tương đương với quy mô dư nợ khoảng 310 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng thực hiện theo 2 phương thức: giảm trừ trực tiếp số lãi tiền vay phải trả cho khách hàng bằng số lãi tiền vay được hỗ trợ lãi suất. Thứ hai là thực hiện thu toàn bộ lãi suất tiền vay trong kỳ và hoàn trả cho khách hàng số tiền lãi vay được hỗ trợ lãi suất trong cùng ngày thu lãi.

Để có đủ vốn đáp ứng nhu cầu vay của các khách hàng đủ điều kiện, nhiều ngân hàng mong muốn Ngân hàng Nhà nước nới “room” cho các tổ chức tín dụng, từ đó triển khai các chính sách được thông suốt, hiệu quả.

Sẽ cân nhắc nới “room” tín dụng

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thực tế tốc độ tăng trưởng tín dụng đã đạt 8,16% tuy là khá nhanh, nhưng so với hạn mức mà Ngân hàng Nhà nước cấp chung cho toàn hệ thống trong năm nay (14%) thì với phần còn lại vẫn còn khoảng gần 6% cho các ngân hàng. Các ngân hàng sẽ phải tự xoay sở để tập trung dòng vốn vào các lĩnh vực thực sự hiệu quả, hạn chế phát sinh nợ xấu mới.

Còn ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho hay, nhu cầu tăng trưởng tín dụng tăng cao đặt ra nhiều vấn đề lớn trong điều hành như áp lực lạm phát tăng, “vòng xoáy” về lãi suất, về nợ xấu... Theo đó, việc điều tiết tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã được thể hiện rất rõ trong Chỉ thị 01 ban hành từ đầu năm, trong đó, việc cấp room với từng ngân hàng sẽ phụ thuộc vào các tiêu chí cụ thể. Các ngân hàng có mức xếp hạng cao hơn về an toàn tài chính có thể sẽ được cấp “room” lớn hơn, ngoài ra “room” cũng có thể được ưu tiên tăng thêm cho các ngân hàng tham gia xử lý các ngân hàng yếu kém”.

Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng chia sẻ, có thể “room” tín dụng không hoàn toàn “đóng cứng” cho đến hết năm, bởi ngay trong định hướng đưa ra thời điểm đầu năm thì chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra là 14%, nhưng cũng có thể điều chỉnh theo diễn biến thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gói ưu đãi lãi suất khởi động “bơm vốn”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO