Gồng mình khắc phục hậu quả cơn 'đại hồng thủy'

Đức Sơn 29/07/2015 22:20

Từ ngày 25 đến 29/7, toàn tỉnh Quảng Ninh chịu đợt mưa lớn kéo dài nhất và lớn nhất trong vòng 40 năm qua. Trận mưa lũ lịch sử này đã làm 23 người chết và mất tích, thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng. Những ngày qua, gồng mình chống chọi với thiên tai, tỉnh Quảng Ninh đã dồn toàn lực khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Gồng mình khắc phục hậu quả cơn 'đại hồng thủy'

Ngổn ngang sau lũ

3 ngày qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có mưa rất to và dông. Đây là đợt mưa lớn nhất từ hơn 40 năm nay đổ xuống Quảng Ninh. Những ngày này, giao thông TP Hạ Long và TP Cẩm Phả bị tê liệt hoàn toàn.

Các phường Cao Thắng, Cao Xanh, Hà Khánh, Hồng Hà, Hồng Hải, Yết Kiêu (TP Hạ Long), phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả), đảo Bản Sen huyện Vân Đồn đang bị ngập lụt và chia cắt hoàn toàn, nhiều khu dân cư nhà ngập đến mái.

Theo thống kê, tính đến chiều 29/7, tổng số hộ dân bị ảnh hưởng do ngập lụt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là hơn 3.700 hộ dân, trường học, bệnh xá bị ngập lụt và rất nhiều tài sản của hộ dân bị thiệt hại. Mưa lũ gây sạt lở đất đã cướp đi tính mạng của 17 người và 6 người mất tích.

Tại TP Hạ Long, 15 ngôi nhà sập đổ hoàn toàn; 50 ha lúa, hoa màu bị ngập úng, thiệt hại 2 đầm nuôi trồng thủy sản; 1.030 con gia cầm bị lũ cuốn trôi…

Còn ở TP Cẩm Phả, ngập úng cục bộ Quốc lộ 18A, ngập lụt trên 2.000 hộ dân tại các phường Quang Hanh, Cẩm Bình, Cẩm Tây…, khu vực phường Mông Dương, bãi thải Đông Cao Sơn bị vỡ, bùn thải tràn vào 40 hộ dân; mưa lũ đã làm thiệt hại nhiều tài sản có giá trị của nhân dân.

Đường ống cấp nước sạch 800 cho TP Cẩm Phả và TP Hạ Long của Nhà máy nước Diễn Vọng bị dứt gẫy. Tại huyện Vân Đồn ngày 29/7, triền đồi khu vực cầu 2 Vân Đồn đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng, gây chia cắt giao thông giữa TP Cẩm Phả với huyện Vân Đồn.

Gồng mình khắc phục hậu quả cơn 'đại hồng thủy' - 1

Chiều tối ngày 29-7, nhiều điểm trong TP. Hạ Long vẫn ngập bùn đất.

Gồng mình chống lũ

1.500 du khách mắc kẹt tại Cô Tô

Do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, vì vậy cơ quan chức năng chưa cấp phép cho bất cứ tàu khách nào rời cảng Cô Tô. Hiện nay còn khoảng 1.500 du khách hiện đang kẹt lại Cô Tô. Tuy nhiên việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân và khách du lịch trên đảo vẫn đang được triển khai bình thường, không gặp khó khăn. Ngay khi điều kiện thời tiết cho phép, cơ quan chức năng sẽ cấp phép cho các tàu du lịch sẽ đưa du khách trở lại đất liền.

Ngay khi có thông tin về tình hình có thể xảy ra mưa to, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các Công điện triển khai ngay các biện pháp cấp bách phòng, chống mưa lớn. UBND tỉnh đã chỉ đạo dừng tất cả các cuộc họp từ tỉnh đến địa phương để tập trung chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn.

Tại TP Hạ Long, ngành chức năng đã huy động hàng nghìn chiến sỹ và phương tiện của quân đội, công an xuống các khu vực bị chia cắt, sập đổ nhà, ngập lụt để cứu dân bị nạn, tìm kiếm người còn mất tích.

Đối với những nơi bị lũ chia cắt, lực lượng quân đội bố trí xuồng cao su đưa mỳ tôm, lương khô đến những nhà cao tầng có người dân đang tạm lánh.

Chia sẻ với phóng viên, chị Lê Thị Lan, một hộ dân ở phường Cao Thắng, TP Hạ Long xúc động: Nhờ sự hỗ trợ và ứng cứu rất kịp thời của bà con lối xóm, ngành chức năng đặc biệt là lực lượng bộ đội. Khu dân cư nơi gia đình chị sinh sống bị ngập sâu, ai cũng lo lắng nhưng ngay sau đó có lực lượng cứu hộ đến ứng cứu. Những hộ chưa kịp di dời đều được chiến sĩ bộ đội lội nước đem mỳ tôm, nước uống đến tận nơi.

Dù không chịu cảnh ngập lụt trên diện rộng như TP Hạ Long nhưng tại TP Cẩm Phả mưa lớn đã làm chia cắt hoàn toàn với TP Hạ Long, do khu vực cổng nghĩa trang An Lạc Viên nước ngập dâng cao khiến giao thông qua khu vực này hoàn toàn bị tê liệt.

Trước tình hình đó, Quân khu 3 đã cho 3 xe tăng lội nước ứng trực tại điểm này để cứu hộ, cứu nạn. Cùng với đó, lực lượng công an đã huy động nhiều xuồng máy đến vận chuyển người dân đi qua khu vực này.

Tại khu 4, phường Mông Dương, lượng nước lớn từ khu vực Bãi thải Đông Cao Sơn và khu vực H10 đổ dồn xuống hạ lưu tiêu thoát không kịp, kéo theo bùn cát tràn vào nhà của hàng trăm hộ dân khiến khu vực này ngập trong bùn thải. Ngay khi xảy ra sự cố, TP Cẩm Phả đã chỉ đạo các lực lượng chức năng của phường Mông Dương và các đơn vị liên quan đến hỗ trợ di chuyển di dời các hộ dân. Đến nay, đã di chuyển toàn bộ 94 hộ dân với 350 nhân khẩu đến các nơi an toàn.

Gồng mình khắc phục hậu quả cơn 'đại hồng thủy' - 2

Khắc phục hậu quả mưa lũ trên các tuyến phố Hạ Long.

Kiên quyết di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm

Ngày 29/7, tại TP Hạ Long tiếp tục có mưa khiến nhiều khu dân cư ở TP Hạ Long bị sạt lở nghiêm trọng, giao thông bị chia cắt. Tại khu 2B, phường Cao Xanh, TP Hạ Long, mưa lớn gây sạt lở đất đồi trôi sạt xuống khu dân cư bịt kín lối đi. Mưa lớn tiếp tục gây sạt lở đất đá tại tổ 34, khu 3, phường Cao Xanh.

Tại khu 2, phường Hà Khánh bùn đất từ trên đồi, các bãi thải trôi xuống khu 2A khiến hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng. Các phường Giếng Đáy, Bãi Cháy, Hà Khánh, Cao Xanh, Cao Thắng, Hồng Hà, Hồng Hải, Hà Trung, Hà Phong, Hà Tu... tình trạng ngập lụt trong các khu dân cư bắt đầu giảm dần nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất cao.

Trước tình hình trên, các lãnh đạo TP Hạ Long đã trực tiếp đến hiện trường sạt lở để chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lụt.

Bí thư Thành ủy Hạ Long Trần Đức Lâm chỉ đạo di dời toàn bộ người dân trong vùng có nguy cơ bị sạt lở đến các khu vực đảm bảo an toàn, ưu tiên người già, trẻ nhỏ và các hộ dân ở trên cao.

Tại TP Cẩm Phả do mưa lớn vẫn tiếp tục kéo dài, làm lượng nước lớn kéo theo đất đá từ bãi thải Đông Cao Sơn dồn xuống đập 790, khiến đập này có nguy cơ bị vỡ. Trước tình trạng đó, địa phương cùng ngành Than và các lực lượng chức năng vừa nỗ lực cứu đập, vừa di dời trên 70 hộ thuộc vùng nguy hiểm ở khu 4, phường Mông Dương.

Ngày 29/7, TP Cẩm Phả và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc đã huy động hàng trăm nhân công và nhiều máy móc, thiết bị để gia cố phần bờ, phần chân đập. Đến 15 giờ cùng ngày, đập nước 790 đã cơ bản được đưa về ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho các hộ dân, ngành chức năng vẫn di dời gần 386 hộ dân ở các khu vực nguy hiểm thuộc khu 3, phường Mông Dương và, khu 1, phường Cửa Ông về nơi an toàn.

Tại huyện Vân Đồn, mưa lớn cũng gây thiệt hại nặng nề cho xã đảo Bản Sen. 2 thôn Nà Na và Bản Sen bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài. Ở thời điểm mưa lũ gây lụt cục bộ tại thôn có 85 nhân khẩu. Thời điểm cao nhất nước lụt cao quá nóc nhà. Toàn bộ tài sản của nhân dân bị ngập lụt.

Trước tình hình trên, huyện Vân Đồn đã tiến hành di dời 27 hộ dân trên về nơi tránh, trú an toàn, đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên, cứu trợ cho các gia đình này.

Theo ngành chức năng tỉnh Quảng Ninh, trước mắt, UBND tỉnh Quảng Ninh đã trích ngân sách tỉnh 15 tỷ đồng để hỗ trợ 3 địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, hỗ trợ các trường hợp bị chết do ảnh hưởng của mưa lũ theo mức 6 triệu đồng/người chết; hỗ trợ toàn bộ chi phí mai táng và hỗ trợ 3 triệu đồng/người bị thương; yêu cầu các địa phương, các ngành, đơn vị kiểm tra thực tế, thống kê chi tiết các thiệt hại; thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kịp thời các gia đình có người bị chết, bị thương, các gia đình có nhà bị sập đổ. Đặc biệt ngành than phải kiểm soát các bãi thải hầm lò, phối hợp các địa phương để di chuyển các hộ có nguy cơ sạt lở về nơi an toàn.

Ngày 29/7,Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh có công điện số17/CĐ-UBND yêu cầu Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc huy động các lực lượng, phương tiện kiểm tra chặt chẽ đến tận các hầm lò, khai trường, đặc biệt là các bãi thải để xử lý, khắc phục các sự cố sập đổ, sạt lở tại các hầm lò, khu vực bãi thải có thể xảy ra do mưa, lũ…

Yêu cầu lãnh đạo các địa phương có sản xuất than chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị ngành than trên địa bàn kiên quyết di dời dân cư ở các khu vực nguy hiểm sạt lở đất đá, mương thoát nước, chân các bãi thải; hỗ trợ đảm bảo sinh hoạt và an toàn tính mạng cho nhân dân trong thời gian có mưa lũ xả ra tại nơi ở cũ và nơi di chuyển đến; kiên quyết không cho người mót than trên các dòng chảy khi có mưa lũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gồng mình khắc phục hậu quả cơn 'đại hồng thủy'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO