Gồng mình trong lũ dữ

Hạnh nguyên - Q.long - X.Thi 15/10/2016 21:17

Kể từ đêm ngày 13/10, các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế mưa rất to khiến nước lũ dâng cao, kèm đó là lốc xoáy đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tổng lượng mưa đo được tại trạm khí tượng Đồng Hới (Quảng Bình) lên tới 747mm, là kỷ lục chưa từng được ghi nhận trong lịch sử quan trắc ở Quảng Bình (kỷ lục cũ ở tỉnh này là mưa 555 mm trong 24 giờ, ngày 9/10/1995). QL1A bị ngập lụt và ách tắc nhiều điểm; nhiều thôn bị nước lũ cô lập. Trong khi đó bão Sakira lại đang hướng vào Biển

(Ảnh: Hạnh Nguyên).

Mưa lũ đã làm hàng ngàn hecta lúa, hoa màu bị ngập, ở nhiều nơi như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế... Mưa lũ cũng làm tê liệt các phương tiện giao thông. Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh nhiều đoạn bị ngập sâu.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn (KTTV) Trung ương, với tổng lượng mưa đo được tại trạm khí tượng Đồng Hới (Quảng Bình) lên tới 747 mm, thì “đây là kỷ lục chưa từng được ghi nhận trong lịch sử quan trắc ở Quảng Bình”. Kỷ lục cũ ở tỉnh này là mưa 555 mm trong 24 giờ, ngày 9/1/1995. “Còn tại Hà Tĩnh, lượng mưa cũng rất lớn, có thể sánh bằng trận mưa năm 2010, gây ngập nặng cho hầu khắp tỉnh”, theo ông Hải. Ngoài ra, miền Trung tập trung nhiều thủy điện, khi mưa lớn nước hồ đập đầy sẽ phải xả. Người dân ở hạ du cần chuẩn bị tâm thế đón nhận lũ nhiều hơn mức thiên nhiên gây ra.

Mưa lũ lớn cũng gây sạt lở, ngập nhiều khu vực khiến ngành đường sắt đang phải dừng 23 đoàn tàu khách và 20 tàu hàng để chờ thông đường sắt. Trong đó, lo ngại nhất là tàu SE19 mắc kẹt ở ga Lệ Sơn với 132 hành khách, trong đó 96 khách quốc tế.

Đường sắt Bắc Nam bị chia cắt khiến các đoàn tàu xuất phát từ phía Bắc phải tạm dừng ở khu vực Hà Tĩnh, Nghệ An; các tàu từ phía Nam đi ra phải dừng tại ga Huế, Đà Nẵng.

Tại Quảng Bình, trận mưa lũ kỷ lục trong mấy ngày qua đã khiến hơn 27.000 nhà dân ở Quảng Bình bị ngập sâu. Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Quảng Bình đều có 9 đoạn bị ngập sâu, hàng nghìn xe ùn tắc. Tại một số điểm trên quốc lộ 1A, dải phân cách bê tông tạo thành “đê” ngăn nước giữa hai làn đường. Nhà chức trách dùng xe cẩu tháo dải phân cách, nhằm thoát nước cho nhà dân và giải tỏa quốc lộ.

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Quang Hải- Giám đốc Sở Giao thông Quảng Bình cho biết, từ trưa 14 đến sáng 15/10, QL1A bị ngập lụt và ách tắc 9 điểm. Đến thời điểm 10h30 ngày 15/10, chỉ còn đoạn phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn bị ách tắc.

Tính thời điểm trưa ngày 15/10, toàn tỉnh Quảng Bình đã có 3 người chết, 4 mất tích, 7 người bị thương do mưa lũ. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hữu Hoài- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh Quảng Bình đang nỗ lực giúp hàng nghìn hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; chỉ đạo ngành giao thông vận tải và các đơn vị, địa phương liên quan điều tiết giao thông nơi vùng ngập lụt một cách an toàn, hạn chế thấp nhất về mức thiệt hại…

“Sáng 15-10, tỉnh đã triển khai cuộc họp khẩn để bàn các biện pháp phòng chống và khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, sau đó lãnh đạo tỉnh chia làm 2 đoàn đi về các địa phương để kiểm tra, nắm tình hình cụ thể. Quan điểm của tỉnh là nhất quyết không để tình trạng người dân bị đói, khát và đặc biệt là phải đảm bảo an toàn tính mạng tối đa cho người dân”, theo ông Hoài.

Trong khi đó, tin từ huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị), suốt buổi sáng nay15/10 nước đã dâng cao, gây ngập tại xã Vĩnh Long; tuyến đường giao thông dẫn vào các địa phương Vĩnh Long, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy ngập sâu 0,7-1 m, không thể lưu thông. Thời điểm này mưa vẫn rất to, tình trạng ngập dự kiến sẽ còn nặng thêm. Đặc biệt, hiện có khoảng 1.000 nhà dân bị ngập trong nước. Có 10 điểm trường, 3 trung tâm Y tế bị ảnh hưởng, 150 ha hoa màu và trên 70% diện tích nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại.

Mưa lũ làm tê liệt nhiều tuyến đường, làm ngập nhiều nhà cửa,
hoa màu của người dân. (Ảnh: Hạnh Nguyên).

Sau 2 ngày mưa tầm tã, Hà Tĩnh - khúc ruột miền Trung đang phải oằn mình chống chọi với lũ giữ, các huyện Hương Khê, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh đều ngâm mình trong nước. Ông Ngô Đức Hợi - Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Hà Tĩnh cho biết: Thống kê đến 15h ngày 15/10, mưa lũ đã khiến 2 người chết. Toàn tỉnh đã có 24.158 hộ dân/93 xã, phường thuộc các huyện Hương Khê, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà, Can Lộc và TP Hà Tĩnh bị ngập lụt. Mưa lũ lụt cũng đã cuốn trôi hàng tỷ đồng của các hộ nuôi cá lồng bè trên sông Hộ Độ (huyện Lộc Hà).

Khi PV Đại Đoàn Kết tiếp cận được xã Phương Điền cũng là lúc nhiều người dân đang tất tả chạy lụt. Dọc bờ sông Ngàn Sâu hung giữ là những ngôi nhà đã ngập chìm trong nước. Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Minh- Chủ tịch UBND xã Phương Điền cho biết: Đến chiều ngày 15-10, toàn xã đã có 32 ngôi nhà bị ngập sâu gần 1m. Nếu nước tiếp tục dâng lên thì nguy cơ ngập lớn hơn. Lãnh đạo xã đang trực tiếp xuống với dân để hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, sáng 15/10, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã về các công trình thủy điện, thủy lợi kiểm tra để có phương án xả lũ nếu trời tiếp tục đổ mưa.

Tại hồ Kẻ Gỗ, chỉ từ ngày 14 đến sáng 15/10, mực nước đã dâng lên đến hơn 5m, đạt mức 30,5m. Theo ông Đặng Quốc Cương- Bí thư huyện ủy Cẩm Xuyên, mực nước hồ Kẻ Gỗ - hồ lớn nhất ở Hà Tĩnh, vẫn đảm bảo an toàn, công tác vận hành vẫn diễn ra bình thường. Tất cả lực lượng vẫn tiếp tục túc trực trên thân đập và có phương án xử lý kịp thời tất cả các tình huống xảy ra. Trong khi đó, theo ông Trần Anh Tuấn - Trạm trưởng trạm đấu mối công trình hồ Kẻ Gỗ, dự kiến ngày 17/10 sẽ tiến hành xả lũ.

Tại Thừa Thiên - Huế, nước lũ từ thượng nguồn sông Ô Lâu đổ về gây ngập lụt các xã vùng trũng huyện Phong Điền như: Phong Bình, Phong Hòa và Phong Thu. Theo ông Phan Thanh Hùng- Trưởng ban Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, mưa lũ đã khiến 1 người chết, 1 người mất tích, gần 90 ngôi nhà bị tốc mái...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gồng mình trong lũ dữ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO