Góp ý Dự thảo Luật Giáo dục đại học: Tạo hướng mở cho các cơ sở giáo dục

Thu Hương 07/12/2017 08:30

Tại hội thảo góp ý Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng cần quan tâm, xác định lại tỷ lệ các thành viên trong Hội đồng trường cũng như vấn đề chuyển giao khoa học công nghệ trong các trường đại học…

Góp ý Dự thảo Luật Giáo dục đại học: Tạo hướng mở cho các cơ sở giáo dục

Sinh viên trường Đại học Lạc Hồng trong phòng thí nghiệm (Nguồn: Cổng TTĐT khoa học công nghệ Đồng Nai).

Thành lập doanh nghiệp trong nhà trường đại học

Đối với hoạt động khoa học công nghệ (KHCN), Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (ĐH) đề cập đến việc trong trường ĐH có thể thành lập doanh nghiệp. Thực tế, đây cũng không phải là quy định hoàn toàn mới bởi theo Điều 14 Luật Giáo dục ĐH năm 2012, trong cơ cấu tổ chức của trường ĐH, trường ĐH, học viện đã đề cập tới “tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu KHCN; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”. Như vậy, chỉ nói đến là một doanh nghiệp với tư cách là một chủ thể kinh doanh chứ chưa xác định rõ.

Vì thế, Dự thảo đề xuất sửa đổi thành “tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh khác”. Như vậy, chủ thể doanh nghiệp được đưa vào rõ nét hơn và doanh nghiệp được thành lập trong trường ĐH cũng phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Liên quan đến nội dung này, PGS TS Nguyễn Văn Nội- hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng vai trò của các trường ĐH trong vấn đề phát triển KHCN của nước nhà cần được tăng thêm trong thực tế. Đó là sự phát triển tất yếu không chỉ của các ĐH Việt Nam mà còn là xu hướng chung của thế giới. Nhưng nếu Điều 40 của Dự thảo Luật mới chỉ đề xuất xây dựng các phòng thí nghiệm là chưa đủ.

“Hiện Bộ KHCN rất chú trọng đến việc xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm. Trong thực tế, nhiều trường ĐH cũng đã đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm nhưng ở cấp quốc gia thì phải đầu tư hơn để vượt lên. Vì vậy, cần nhấn mạnh trong Luật là xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm. Có như vậy, thì mới khẳng định được vị thế của các trường ĐH trong lĩnh vực nghiên cứu”- PGS.TS Nguyễn Văn Nội đề xuất.

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng qua thực tiễn hoạt động của các trường ĐH hiện nay có thể thấy mặc dù trong văn bản có đề cập đến hoạt động chuyển giao KHCN trong các trường ĐH song thực tế chuyển giao thì vẫn còn nhiều vướng mắc. Nhất là với các trường ĐH có nghiên cứu mạnh nhưng nguồn thu vẫn phụ thuộc vào học phí lớn quá. Làm sao để nguồn thu từ hoạt động KHCN phải tăng lên đáng kể là mục đích hướng tới.

“Tôi có trao đổi với một số trường của một số nước trong khu vực thì thấy nguồn thu từ KHCN của họ chiếm tỷ lệ rất cao. Chúng ta nên tạo cơ chế để các cơ sở giáo dục ĐH sử dụng tài chính của nhà trường để thực hiện chuyển giao KHCN và thành lập các doanh nghiệp trong các cơ sở giáo dục ĐH để thực hiện việc chuyển giao. Như vậy, các trường ĐH mới mạnh lên, có nguồn thu tốt”- Thứ trưởng Phúc nhấn mạnh và bày tỏ hy vọng, khi sửa đổi Luật Giáo dục ĐH lần này với những quy định mở sẽ tạo điều kiện để các trường thành lập được các doanh nghiệp trong nhà trường, đẩy mạnh hoạt động chuyển giao KHCN.

Giảm tỷ lệ thành viên ngoài trường trong hội đồng trường

Liên quan đến Hội đồng trường, Dự thảo quy định, số thành viên hội đồng trường phải là lẻ, ít nhất 17 người, trong đó thành viên bên ngoài trường chiếm tỷ lệ tối thiểu 30%. Nhiều ý kiến cho rằng các thành viên bên ngoài chiếm tỉ lệ 30% là hơi cao.

Theo ông Nguyễn Đình Thi- hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho rằng, các đại diện từ bên ngoài có thể nắm chuyên môn của họ nhưng nếu nói về quy trình, tổ chức đào tạo thì không chắc. Thực tế cho thấy, rất cần thành viên bên ngoài để hiểu rõ nhu cầu xã hội, nhu cầu thực tế trong lĩnh vực cần gì để nhà trường có thể xây dựng kế hoạch đào tạo. Tuy nhiên, để quá nhiều thì cũng không có lợi. Nên giảm xuống ít nhất còn 20%. Trong trường hợp cơ sở muốn bổ sung thêm thì vẫn có “độ mở”.

Đồng tình với quan điểm này, hiệu trưởng ĐH Điện lực Trương Huy Hoàng cho rằng các thành viên bên ngoài không thể sâu sát với hoạt động của nhà trường nên sẽ gây khó khăn trong việc đưa ra những quyết nghị hợp lý. PGS.TS Nguyễn Văn Nội cũng cho rằng, phải là người trong trường mới nắm vững, theo sát thông tin, hoạt động của ĐH và tạo thuận lợi cho việc hoạch định chiến lược phát triển của nhà trường. Vì vậy, ông Nội đề xuất giảm sự tham gia của người ngoài vào hội đồng trường xuống 20% hoặc thấp hơn. Đồng thời tăng tỷ lệ cán bộ giảng viên các bộ môn, các khoa phải được tăng lên không chỉ là 25% như Dự thảo đề ra.

Trước những băn khoăn, kiến nghị giảm mức tỉ lệ thành viên bên ngoài vào hội đồng trường, bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT cho hay: “Khi chúng tôi tham khảo thế giới, Hội đồng trường ở các nước phát triển có đến khoảng 50-60% là thành viên bên ngoài. Họ là những người nắm và đưa tính định hướng thị trường vào trong trường để nhà trường phát triển đúng cơ chế thị trường”.

Tuy nhiên, bà Phụng cho biết Bộ GDĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét thêm về vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Góp ý Dự thảo Luật Giáo dục đại học: Tạo hướng mở cho các cơ sở giáo dục

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO