Để Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có hiệu quả, Ban soạn thảo cần bổ sung thêm vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Tại cuộc họp sáng 6/7 tại UBTƯ MTTQ Việt Nam, các thành viên của Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp Luật và Văn hóa – Xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có nhiều góp ý vào nội dung Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì cuộc họp.
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở có vị trí, chức năng quan trọng làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thường xuyên gắn bó mật thiết với nhân dân, là hạt nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn cơ sở. Trước yêu cầu đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới, việc xây dựng, thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cần có sự xem xét, rà soát kỹ lưỡng.
Dự thảo Luật gồm 6 chương 36 điều; áp dụng đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng điều ước quốc tế đó.
Đa số các đại biểu ủng hộ Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bởi tính cần thiết của Luật với tình hình an ninh trật tự hiện nay, đặc biệt là tháo gỡ được sự chồng chéo trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng này do hiện nay chúng đang được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, không có được sự đồng bộ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Luật cần quy định thêm điều khoản về tham gia bảo vệ an ninh môi trường, an ninh nguồn nước của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, trong bối cảnh vấn đề an ninh nông thôn đang rất nóng ở nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, ở cơ sở, gia đình và nhà trường là những nhân tố chủ đạo, có ảnh hưởng trực tiếp đến việc giáo dục trong cộng đồng dân cư, có vai trò quan trọng trong việc định hướng tư tưởng, đạo đức cho thanh thiếu niên - những đối tượng rất dễ vướng vào tệ nạn xã hội.
Do đó, Luật cần bổ sung thêm một điều khoản về phát huy vai trò của gia đình, nhà trường, những nhân tố chủ đạo tại mỗi địa phương trong phối hợp với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để tăng tính hiệu quả của công tác phòng chống, đẩy lùi tệ nạn xã hội, tố giác tội phạm,…
Để Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có được hiệu quả lâu dài khi được áp dụng, Ban soạn thảo cũng cần bổ sung thêm vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng và quá trình thực hiện các quy định pháp luật của các đối tượng áp dụng.
Nhìn chung, trong thời gian tới, Ban soạn thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cần xem xét, đánh giá lại cả về hình thức và nội dung của Dự thảo, rút kinh nghiệm từ những góp ý của các chuyên gia tư vấn, tiếp tục hoàn thiện các quy định của Luật, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.