GS Cao Xuân Huy - Chân dung một bậc thầy

GS PHONG LÊ 16/11/2022 10:21

Tôi được tiếp xúc với GS Cao Xuân Huy lần đầu tiên vào năm 1956, ngay từ năm thứ nhất Khoa Văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trong môn Logic học, lúc này được gọi là Luận lý học.

GS Cao Xuân Huy (1900-1983). Ảnh tư liệu.

Phong thái ung dung, đĩnh đạc

Môn học mới, thầy học mới, nên tôi rất chăm chỉ nghe và ghi chép; nhưng phải thú thật là, ở tuổi 18 còn non trẻ ấy, vừa ở nông thôn Khu Bốn ra, tôi chưa tiếp thu được bao nhiêu sự truyền thụ của thầy.

Tôi chỉ còn lưu giữ một cảm tưởng rất khó phai về sự nghiêm nghị và khoan thai của thầy trên bục giảng, cùng với giọng nói rành rõ còn giữ được khá nhiều chất Nghệ ở thầy.

“A là A - A không phải là phi A” - tinh thần cơ bản của khoa logic nhằm giúp cho sự rành rõ, nhất quán không mâu thuẫn của tư duy - ấy là bài học nhập môn mà GS Cao Xuân Huy đã truyền lại cho thế hệ chúng tôi. Đáng tiếc thay, đến nay, tôi không còn giữ lại được bút tích hoặc trang ghi nào của cái thời sinh viên sôi nổi ham say hiểu biết - cách đây hơn 60 năm.

Đến bây giờ, khi có dịp tính toán thì mới thấy GS Cao Xuân Huy lúc ấy đã vào tuổi 56 rồi. Sự nghiêm trang, đạo mạo - thầy có thừa. Sự uyên thâm của kiến thức - thầy có thừa. Nhưng như vậy vẫn là chưa đủ để nói về giáo sư lúc ấy (và cả cho đến sau này). Nói cho đủ, đó là một phong thái ung dung, đĩnh đạc, trong tư thế làm chủ ngoại cảnh và vượt lên ngoại cảnh, đến mức ta có cảm tưởng khó có tác động nào của ngoại cảnh, dù mạnh mẽ đến mấy, có thể làm thầy bối rối, hoặc ngưng lại mạch suy nghĩ dường như lúc nào cũng tuôn chảy trong vầng trán cao của thầy.

Nhưng như vậy mà bảo là thầy xa thực tại, trốn tránh thực tại thì tuyệt không phải. Thầy vẫn là một bộ phận của thực tại. Có thể nói phong thái “tiên ông” trong cổ tích ở thầy là một hình ảnh không mờ nhạt nơi chúng tôi. Thầy có lối đi khoan thai, luôn nhìn thẳng phía trước, dường như không chú ý đến bất cứ mọi động tĩnh nào ở chung quanh; và nhìn thẳng vào người đối thoại trong một động thái ứng xử chỉ có gợi lên sự kính trọng và vị nể.

Ở những động thái và tư thế quen thuộc đó chúng tôi hiểu thầy là người không tự tách mình ra khỏi ngoại giới, nhưng cũng không đặt mình vào tư thế phải hệ lụy với ngoại giới. Khó có thể chọn một cách hiểu nào khác: ấy là một sự cường tráng về tinh thần, về nội lực, hệ quả của một sự rèn luyện rất mạnh mẽ ở bên trong; một lối thể dục nghiêm khắc về tinh thần - mà hình như chỉ một số rất ít người trong giới trí thức ở ta mới có được.

Tôi không có vinh dự được là học trò trực tiếp của GS Cao Xuân Huy trong những năm sau 1965 ở Viện Văn học - khi thầy là người chủ trì việc giảng dạy lớp Đại học Hán học của Viện. Tôi chỉ được hưởng lây cái vinh dự và hạnh phúc đó qua các đồng nghiệp cùng thế hệ. Hình ảnh thầy cao vời ở một tầm khác, không phải chỉ trong các bài giảng về một nền văn minh phương Đông cổ truyền lùi rất sâu vào quá khứ mà vẫn không cách biệt với hiện tại, mà ngay cả trong ứng xử với mọi việc đời hiện tại.

Ít để tâm, thậm chí gần như tuyệt không để tâm đến tất cả mọi chuyện của đời thường mà mải miết theo đuổi những vấn đề ở tầm khái quát và với sự sống tinh thần vĩnh cửu - thầy có phong thái của một tiên ông hoặc một triết gia - luôn không ngừng đào sâu vào cội rễ và bản chất của sự vật. Từ vị thế đó mà nhìn thì hóa ra mọi chuyện của đời thường, mọi chuyển biến và bất trắc của cuộc đời chẳng có gì đáng cho ta bâng khuâng hoặc hoảng hốt.

GS Cao Xuân Huy (thứ 3 từ trái sang, hàng đầu) cùng các học trò. Ảnh tư liệu.

Bây giờ nói về thầy, sau hơn 60 năm được tiếp xúc và sau ngót bốn mươi năm thầy qua đời, không hiểu sao tôi vẫn cứ phải chọn một lối diễn tả nghiêng về khái quát và trừu tượng như vậy, bởi sự suy ngẫm và hình dung về thầy trong tôi luôn luôn vừa rành rõ vừa mờ ảo, “vừa thực vừa hư”.

Biết bậc lương thầy nhận được khi về hưu là chuyên viên 2 (116 đồng) trong hệ thống lương 7 bậc, chúng tôi không ai không khỏi bùi ngùi và ngẫm nghĩ: người có tầm cao nhất và sâu nhất về Đông phương học, khó có ai thay thế; bậc thầy rất khả kính của bao giáo sư; người không có bất cứ chức vụ chính quyền nào, trừ một thời gian ngắn có làm Tổ trưởng Tổ văn học cổ cận đại Viện Văn học. Nghe đâu ngay cả hàm giáo sư - như một bậc đàn anh của tôi ở đại học đã nói và viết - trong cuộc xét phong lần thứ nhất, sau 1956, thầy cũng chưa hề được nhận.

Cái hàm ấy, chẵn 10 năm trước đấy thầy được nhận cụ thể từ Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1946, chứ không phải qua một Hội đồng học hàm nào; và sau này lẽ dĩ nhiên là thầy được nhận mà không chút hồ nghi hoặc băn khoăn bởi bao thế hệ học trò, bao thế hệ người đọc, người nghe trong đời.

Sự hình dung về GS Cao Xuân Huy trong tôi có chút thực và hư là như thế đấy. Thực, rất thực; nhưng hư vẫn rất hư.

GS Cao Xuân Huy với các cán bộ Viện Văn học. Ảnh tư liệu.

Vẫn còn có duyên với thời gian

Tôi đã có nhiều lúc ngạc nhiên - và về sau cảm thấy sự ngạc nhiên đó là không ổn - về sự ổn định, gần như tuyệt không mấy thay đổi trong phong thái của thầy, từ giữa những năm 1950, khi tôi được học với thầy ở bậc đại học, cho đến những năm 1960, rồi 1970, khi được công tác cùng cơ quan Viện Văn học với thầy.

Ở tuổi ngoài 80, có dễ thầy vẫn vậy. Sự vận động ráo riết của tư duy vào những cõi sâu của thế giới vật chất và ý thức, khiến cho tinh thần con người luôn luôn cường tráng và luôn luôn trẻ; việc tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong sự vận động ấy không chỉ giúp cho con người gạt bỏ được những bận tâm nhỏ nhặt thường ngày mà còn đạt được sự thư thái tâm hồn và tư thế ung dung tự tại - đó là bài học mà cho đến nay, tôi chỉ mới thấy có riêng ở một đôi người, trong đó thầy là tấm gương tập trung và tiêu biểu.

GS Cao Xuân Huy mất ở tuổi 83. Ông thuộc số người hiếm hoi mà trước tác là nằm trong các trang ghi của học trò, may mắn thay vẫn còn giữ được, để cho đến hôm nay, kể từ sau dịp kỷ niệm 95 năm năm sinh của giáo sư, chúng ta có trong tay bộ sách “Tư tưởng phương Đông, gợi những điểm nhìn tham chiếu”, ngót 800 trang, do một môn sinh của thầy là Nguyễn Huệ Chi, với sự giúp đỡ của gia đình và các đồng nghiệp soạn, chú và giới thiệu. Với bộ sách đó, giáo sư được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh - năm 1996. Có lẽ GS Cao Xuân Huy là người tuyệt không có ý nghĩ lưu danh hậu thế; không là người muốn “lập ngôn”, càng không có ý định “trước thư”...

Đó cũng là điểm khác với nhiều người. Nhưng trong khối lượng khổng lồ của những gì bị quên lãng, thời gian công minh vẫn biết cách gạn lại các giá trị. Thời gian luôn luôn vận hành trên hai trục: loại bỏ và lượm nhặt; và con người dường như quên thời gian, thậm chí như là bất chấp thời gian ấy, là GS Cao Xuân Huy, lại vẫn còn có duyên với thời gian.

Không phải chờ quá lâu, mà ngay hôm nay - những người đương thời, môn sinh và hậu sinh của thầy đã có thể dần dần và bước đầu hoàn thiện chân dung tinh thần của thầy: Con người ấy, phong thái ấy, kiến thức ấy, sự vận hành ấy của trí tuệ và tinh thần... Phần tôi, ở thế kỷ XX, tôi thấy hiếm có ai là người đạt đến độ của GS Cao Xuân Huy.

Hình ảnh thầy cao vời ở một tầm khác, không phải chỉ trong các bài giảng về một nền văn minh phương Đông cổ truyền lùi rất sâu vào quá khứ mà vẫn không cách biệt với hiện tại, mà ngay cả trong ứng xử với mọi việc đời hiện tại. Ít để tâm, thậm chí gần như tuyệt không để tâm đến tất cả mọi chuyện của đời thường mà mải miết theo đuổi những vấn đề ở tầm khái quát và với sự sống tinh thần vĩnh cửu - thầy có phong thái một tiên ông hoặc một triết gia - luôn không ngừng đào sâu vào cội rễ và bản chất của sự vật. Từ vị thế đó mà nhìn thì hóa ra mọi chuyện của đời thường, mọi chuyển biến và bất trắc của cuộc đời chẳng có gì đáng cho ta bâng khuâng hoặc hoảng hốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    GS Cao Xuân Huy - Chân dung một bậc thầy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO