GS Tô Ngọc Thanh: Tận hiến cho văn hóa dân gian

HẢI NHI - HOÀNG CHIẾN (thực hiện) 21/04/2022 06:36

GS Tô Ngọc Thanh - con trai trưởng của danh họa Tô Ngọc Vân, từ bé được định hướng theo nghề vẽ nhưng lại rất thích nghe nhạc. Nhớ về người cha tài hoa, GS Tô Ngọc Thanh bùi ngùi: Tôi may mắn được ông cụ thấu hiểu.

GS Tô Ngọc Thanh.

Không có năng khiếu thì đừng đứng vào đó cho chật chỗ

PV: Khi ông quyết định chọn đi theo con đường nghiên cứu văn hóa, đặc biệt là âm nhạc dân gian, trong khi cha ông - họa sĩ Tô Ngọc Vân đã định hướng cho ông nghề vẽ, vậy họa sĩ Tô Ngọc Vân có buồn không, thưa ông?

GS TÔ NGỌC THANH: (Cười) Bố tôi là người sống theo lối cổ và quan niệm con cả phải là người nối dõi về nghề nghiệp của mình để tiếp nối truyền thống gia đình. Với việc học ở trường, ông nói con mà không nhất lớp thì cậu không ký sổ liên lạc, nói vậy thôi tôi xin khoe rằng 4 năm tiểu học tôi chỉ học có 2 năm, ngày xưa tôi học trường Tây, ai khá thì họ cho vượt lớp. Tôi được thừa hưởng trí thông minh của cả bố và mẹ.

Với hội họa, bố dạy tôi từ khi tôi 6-7 tuổi, nhưng tôi không thích vẽ. Cũng ngay từ bé tôi đã yêu âm nhạc. Tôi thường trốn nhà đi nghe hát xẩm ở đầu phố Khâm Thiên (Hà Nội), hay đến nhà nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát - bạn của bố tôi, kiễng chân nhìn vào bên trong để say mê nghe hát ả đào. Có những lúc tôi lên Bờ Hồ chỉ để nghe tiếng sáo của mấy người bán sáo dạo, nghe mãi không thấy chán. Rồi tôi tiết kiệm được 15 xu mua một cây sáo về tự học thổi. Ở nhà thì gây ồn trong lúc bố làm việc, nên tôi phải ra vườn hoa để luyện.

Đến cuối cùng, năm đó tôi khoảng 12 tuổi, một lần bố tôi đi ra phố tìm tôi về, thấy tôi đang đứng trước cửa nhà nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. Lúc đó trong nhà ông Khoát đang đàn hát. Đưa tôi về nhà giọng ông cụ trùng xuống, ông hỏi:

- Thế con không thích học họa đúng không?

Tôi trả lời loanh quanh:

- Vâng! Con cũng thích nhưng con không vẽ được.

Ông cười:

- Con nể cậu thì con nói vậy. Thôi con ạ, cậu không bắt con theo, vì trong nghệ thuật không có năng khiếu thì đừng đứng vào đó cho chật chỗ của người khác.

Cả đời tôi lấy câu nói đó làm châm ngôn sống. Nhờ ông thấu hiểu tôi nên tôi đã thoát được sự bó buộc ấy và cảm thấy tự do khi được làm những gì mình thích.

Thưa GS, mê âm nhạc từ bé, nhưng tại sao trong khi rất nhiều người vào học tại các trường nhạc ở trong nước và nước ngoài, còn ông không ngại khó, lại chọn trèo đèo, lội suối, băng rừng đến với những bản làng xa xôi để “học nhạc”?

- Năm 1956, tôi vào học Khoa Sáng tác của Trường Trung cấp âm nhạc Việt Nam khóa đầu tiên, tiền thân của Nhạc viện Hà Nội (giờ là Học viện Âm nhạc quốc gia). Trường nhạc ngày ấy chỉ dạy nhạc cổ điển phương Tây. Tôi không thích những thứ đó mà chỉ ham tìm hiểu về dòng âm nhạc dân gian của đất nước mình. Tôi nghĩ, âm nhạc dân gian chính là âm nhạc của cuộc sống, bởi muốn hiểu người, hiểu đời thì phải hiểu ngọn nguồn của văn hóa. Việt Nam mình là nước nông nghiệp, đa phần là nông dân, họ sống ở nông thôn, nơi chứa đựng dòng văn hóa dân gian vô cùng phong phú. Vậy nên có thể nói văn hóa dân gian là “cốt tử” của người Việt Nam.

Nghĩ như vậy, tôi sẵn sàng lặn lội khắp các vùng, từ Tây Bắc, Việt Bắc đến Tây Nguyên để sống cùng đồng bào và hiểu thứ âm nhạc mà họ đang sở hữu. Cách học, cách nghiên cứu của tôi là thế.

Truyền dạy những điệu Xoan cổ cho thế hệ trẻ.

Muốn hiểu văn hóa, phải tới tận nơi

Hơn nửa thế kỷ lặn lội khắp núi rừng, buôn, bản vùng Tây Bắc, Việt Bắc và Tây Nguyên thực hiện các đợt điền dã, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc, công bố rộng rãi ở trong nước và quốc tế. Tiêu biểu như: Công trình “Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc” (1969); Tác phẩm “Âm nhạc dân gian Mường” (1971); “Âm nhạc dân gian nhóm tộc người Nam Á ở Việt Nam” (1979); “Tìm hiểu âm nhạc cổ truyền” - viết chung với nhạc sĩ Hồng Thao (1982); “Fonclo Bahna”, do ông Chủ biên (1988); “Nhạc cụ các dân tộc thiểu số Việt Nam” (1995); Tư liệu “Âm nhạc cung đình Việt Nam” (2000); “Ghi chép về văn hóa và âm nhạc” - công trình đồ sộ, dày hơn 900 trang, với 43 bài nghiên cứu sâu rộng, sâu sắc về văn hóa và 30 bài nghiên cứu sâu sắc về âm nhạc.

GS Tô Ngọc Thanh nghiên cứu, sưu tầm, chỉnh lí, nâng cao, đưa vào đời sống văn hóa cộng đồng 12 tập dân ca tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số và 30 tập dân ca chuyên đề từng dân tộc. Đây là những công trình khoa học thể hiện sự am hiểu sâu rộng, có bề dày trải nghiệm cuộc sống thực tiễn của GS Tô Ngọc Thanh.

Người ta cũng biết tới GS Tô Ngọc Thanh thông thạo nhiều thứ tiếng của đồng bào, đi tới đâu học tới đó. Phải chăng nhờ thế mà ông gặp thuận lợi hơn trong công tác nghiên cứu, sưu tầm?

- Tôi có nền tảng ngoại ngữ tốt từ nhỏ nên khi học các thứ tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số rất dễ dàng. Trong nghiên cứu, tôi quan niệm muốn hiểu văn hóa của họ thì phải tới tận nơi để thấy được tình trạng cụ thể, sau đó mới đề xuất các tôn tạo, khôi phục hợp lý để gìn giữ sao cho hiệu quả nhất. Còn nếu chỉ nghiên cứu theo kiểu hàn lâm, trên tài liệu, giấy tờ thì không có hiệu quả. Bởi vậy, làm nghiên cứu mà không nói được tiếng dân tộc, không sống với họ, không hiểu được họ thì rất khó để thành công.

Là người đặt nền móng cho nghiên cứu văn hóa dân gian. Và sau này là Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tới 6 khóa. Say mê công việc là vậy, nhưng không ít người thắc mắc cả đời ông làm việc này làm gì. Có khi nào GS Tô Ngọc Thanh cảm thấy nản không?

- (Cười) Người ta mới nghĩ đến văn học, trong khi kho tàng âm nhạc dân gian còn khổng lồ hơn rất nhiều. Do chưa có ai đặt chân vào lãnh địa này nên tôi phải khai thác nó. Vừa là để biết nó thế nào, vừa để xem nó có ích gì hay không. Nhưng phải khẳng định rằng, trước hết văn hóa dân gian tạo được một truyền thống mang tính Việt Nam. Cho nên nếu không được dạy về điều này, con cháu chúng ta sẽ chỉ biết đến lý thuyết phương Tây mà thôi.

Nói thật, công việc của tôi không mấy ai biết và hiểu, người ta cười chê và nói rằng tôi là kẻ cổ lỗ sĩ, người giời. Có người còn hỏi cả đời ông làm việc này làm gì. Tôi không bận tâm người ta nghĩ gì mà chỉ trả lời là vì tôi thích nó, vậy thôi. Quả thật, công việc của tôi không mang lại sự giàu có về tiền bạc, nhưng cái tôi say mê mà tôi được làm việc với nó là hạnh phúc.

Nói công việc nghiên cứu, sưu tập văn hóa dân gian, nghe thì đơn giản là thế, nhưng để đi sâu tìm hiểu một gia tài khổng lồ như vậy, giải mã nó, lên được một hệ thống về nó thì rất khó khăn. Ở Tây Âu người ta đã có cách thức và hệ thống, cả thế giới này đều học theo cả. Tôi đã được đi đào tạo ở Liên Xô, Bungari nhưng họ không dạy những kiến thức chung đó của Tây Âu. Ở Bungari, họ chỉ tập trung dạy và phát triển nền âm nhạc dân gian của họ. Khi đến đây, tôi được học một ông thầy chuyên đào tạo về âm nhạc dân gian của họ nên tôi học được cách làm này.

Trong công việc sau này, tôi may mắn có được những người thầy, mà thầy của tôi chính là những người dân bản địa. Cuộc đời tôi trải qua phần lớn thời gian là người trong cuộc (insider) sống với đồng bào dân tộc nhiều hơn ở nhà. Khi tới một địa phương nào đó, từ miếng ăn, thức uống, đến việc tìm hiểu văn hóa, từng lời ca, điệu múa cổ, phong tục tập quán họ đều giúp tôi. Thời đó làm gì có máy móc hiện đại để mà ghi lại. Mỗi điệu hát tôi phải học thuộc lòng, rồi hát, diễn trong sự uốn nắn của những người bản địa, đến mức thành thục mới được công nhận là người nhà. Tôi thu thập rất nhiều những kiến thức từ người dân. Có thể nói người dân bản địa đã đóng góp làm nên thành công trong những công trình nghiên cứu của tôi.

Hát Xoan đang chịu những tác động tiêu cực

Vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch), cùng với Lễ hội Đền Hùng, người ta lại nhớ về những điệu Xoan cổ có nguồn gốc gắn với những giai thoại của thời đại Vua Hùng dựng nước. Hát Xoan mang bản chất loại hình nghệ thuật dân gian, việc cải biên lời mới dựa trên cơ sở những làn điệu cũ đang làm cho hát Xoan mất đi tính nguyên gốc. Theo GS, làm gì để giữ gìn di sản hát Xoan?

- Cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác, hát Xoan đang chịu những tác động tiêu cực của xã hội hiện đại. Trước nguy cơ bị mai một, chúng ta cần đầu tư cho việc bảo tồn hát Xoan một cách tập trung, có trọng điểm. Cấp thiết nhất là việc tiến hành phục dựng lại những di tích gốc, tạo ra không gian biểu diễn cho hát Xoan như Miếu Lãi Lèn. Cùng với đó và việc bổ sung kinh phí hoạt động cho các phường Xoan, các nghệ nhân duy trì sinh hoạt. Ngoài ra, theo tôi, việc đưa hát Xoan vào trường học và phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho các nghệ nhân hát Xoan để khuyến khích họ duy trì và phát triển nghệ thuật hát Xoan cũng là một biện pháp thiết thực.

Thưa GS, cả văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận đã là khó, nhưng bảo tồn và phát huy được nó lại càng khó hơn?

- Nếu chúng ta không có một chiến lược quyết liệt, chặt chẽ và cụ thể về vấn đề này, tôi e rằng chúng ta sẽ sớm hối tiếc. Văn hóa dân gian các dân tộc của Việt Nam phong phú lắm, giàu có lắm, chỉ có điều chúng ta chưa biết khai thác mà thôi. Bên cạnh những di sản đã được thế giới công nhận, chúng ta còn cả một kho báu vô tận đó là các công trình kiến trúc, nghệ thuật đình, đền, chùa, miếu; các điệu dân ca của các vùng, miền, hay lối sống, cách ứng xử văn hóa đẹp ở các vùng... Nhưng điều đáng buồn là kho báu ấy cứ mỗi ngày lại vơi dần, mai một dần.

Ngay cả việc trùng tu, tôn tạo các di tích hiện nay cũng là vấn đề cần được nghiên cứu và xem xét thật kỹ lưỡng. Vì có nhiều công trình trùng tu xong lại sai lệch với nguyên gốc, trở nên xa lạ với cộng đồng. Thực trạng này đã được báo chí nói nhiều nhưng có lẽ còn thiếu những chế tài, những biện pháp mạnh tay nên việc trùng tu, tôn tạo theo kiểu phá hoại vẫn diễn ra. Nếu không kịp thời ngăn chặn thì hôm nay là thứ không thật, mai sau các thế hệ lại căn cứ vào những thứ không thật đó để mà quy chiếu thì chắc chắn sẽ trở thành thảm họa.

"Chuyện này tôi không viết trong nhật ký đâu..."

Làm Chủ tịch Hội Văn hóa dân gian trong thời điểm văn hóa dân gian không còn có ý nghĩa phổ cập. Nói cách khác, văn hóa dân gian đã có nhiều đứt gãy. Bằng cách khắc phục nào, những năm qua, các công tác sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian vẫn có được những thành quả đáng tự hào?

- Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam có nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian. Tôi làm Chủ tịch Hội 6 khóa trong 30 năm. Xác định muốn nghiên cứu được thì phải có sưu tầm, nhất là khi việc đi vào văn hóa dân gian không còn có ý nghĩa phổ cập. Năm 2000, tôi huy động hơn 1.000 hội viên phát động phong trào lấy tên là “Tầm nhìn 2010” với mục tiêu sưu tầm bằng hết những gì có thể sưu tầm được. Đến năm 2008, trong kho của hội có khoảng 4.000 công trình viết bằng giấy vở học trò và nhiều nhất là khổ A4, sau đó đã tiến hành in, xuất bản được gần 2.500 công trình. Hiện nay, hằng năm Nhà nước cấp kinh phí cho hội để tài trợ các đề cương sưu tầm, nghiên cứu tốt (được khoảng 10-20 công trình). Trao giải thưởng cho các công trình được giải. Mỗi năm anh em hội viên gửi về hội trên dưới 100 công trình dạng bản thảo.

Chúng ta cũng có những nhà nghiên cứu tâm huyết, cả đời dành cho văn hóa dân gian, như nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao (ở Nghệ An, đã mất), chỉ tính sách đã in của ông cũng cao hơn đầu người, chưa kể bản thảo... Chúng tôi đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ chiến lược thứ nhất là sưu tầm văn hóa dân gian, tất nhiên tương lai vẫn cần phải tiếp tục “đào bới” nữa. Còn thế hệ nghiên cứu trẻ bây giờ ít có điều kiện đi điền dã, làm người trong cuộc (insider) như chúng tôi trước đây, vì thế nên hội chúng tôi giao cho họ tập trung vào nhiệm vụ nghiên cứu dựa trên hàng nghìn công trình đã được sưu tầm.

Thưa GS, khó khăn nhất trong công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian bây giờ là gì?

- Thời nay hình thức văn hóa làng xóm của xã hội cũ bị giải thể. Văn hóa dân gian mất chức năng xã hội và mất luôn cả chức năng trình diễn vì xã hội không có nhu cầu, vậy nên nó bị mất chức năng thực dụng, thay vào đó là văn hóa sân khấu hóa, cá thể hóa tức là có những điều mà xưa cả làng biết giờ chỉ vài người được học biết. Vì thế diện xã hội phổ biến của văn hóa dân gian gần như không còn, nó chuyển sang cái khác mà cái chuyển này đang có nhiều vấn đề. Như vậy văn hóa dân gian đã mất hẳn chức năng xã hội, không còn phục vụ sát sườn cuộc sống thường nhật của người dân mà trở thành cái gì xa lạ, và vì thế người ta ít dùng, dần dần văn hóa dân gian bị mai một. Và vì văn hóa là nền tảng dân tộc nên những người như tôi có trách nhiệm phải giữ gìn nó.

Nhìn lại những năm tháng lặn lội khắp các bản làng, kỷ niệm nào khiến GS nhớ nhất?

- Kỷ niệm thì nhiều lắm, nhưng có một câu chuyện có lẽ tôi không thể nào quên. Thời điểm đó tôi làm cán bộ văn hóa của Sở Văn hóa tỉnh Sơn La. Có lần tôi đi bộ từ tỉnh lỵ Sơn La vào huyện Sông Mã. Đi được 50km thì lên cơn sốt rét. Tôi vượt qua được dòng suối chắn ngang, rồi sau đó bị ngã xuống gốc cây gạo và ngất đi. Lúc tôi tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trong nhà sàn của một gia đình người Thái. Nhưng lúc đó tôi không ngồi dậy được, thấy một cô gái chừng 17-18 tuổi đang ngồi cạnh, cô nói tiếng Thái hỏi tôi: Anh đã tỉnh rồi à?. Một lúc sau, ông chủ nhà tới hỏi tôi: Cán bộ à, mày là người Kinh hay người gì? Tôi bảo tôi là người Kinh, ông ngạc nhiên: Sao mày biết nói tiếng Thái. Tôi bảo tôi tự học. Rồi tôi phải nằm ở đó 3 tháng vì cơn sốt rét cũng như suy nhược cơ thể. Sau này ông chủ nhà nói là 3 tháng, chứ tôi cũng không hình dung nổi thời gian trôi qua. Lúc đó, cô con gái bón cháo cho tôi, chăm sóc như một hộ lý. Đến tháng thứ 4 tôi mới vục dậy được và tìm cách trở lại cơ quan. Tôi nhờ người nhắn thì cơ quan mới biết là tôi không mất tích.

Thấy tôi chuẩn bị trở về, cô gái khóc, tôi hỏi: Sao em lại khóc? Cô bảo, anh đi là chúng em mất anh rồi. Tôi bảo, không mất đâu, thi thoảng anh sẽ về. Cô gái vẫn khóc. Thì ra chủ nhà là một ông già góa vợ, hiện sống với cô con gái, ông bảo: Nó khóc, nó muốn mày ở lại với nó. Này, tao hỏi thật nhé. Tao hiện nay có 5 mẫu ruộng, một đàn trâu 15 con. Thế tao cũng muốn mày ở lại. Mà mày ở lại thì chúng tao có được may mắn và hạnh phúc. Ở lại đi con ạ!

Nghe ông cụ nói, tôi đành bảo: Tôi có gia đình rồi, hai nữa tôi là cán bộ nhà nước nên không ở được. Ông cụ lại nói: Mày có gia đình thì ở đó là có gia đình, mày có gia đình ở trên này nữa chứ. Tôi vẫn kiên quyết không và chuẩn bị đồ để trở lại cơ quan.

Sáng hôm sau, ra đến chỗ cây gạo, thấy cô gái đứng đó, cô nói: Thôi anh không ở lại thì cho em đi theo anh, em về em sẽ nấu cơm làm vợ anh đấy. Tôi vẫn một mực: Không, anh đã có gia đình rồi. Cô gái bảo: Em biết thừa rồi, anh nói dối, cái mặt của anh chưa có vợ đâu.

Những câu chuyện như thế thì làm sao tôi quên được, chuyện của tình người, người ta chăm sóc mình lúc đau ốm, sau đó nảy sinh ra tình cảm. Tôi không thể quên được. Chuyện này tôi không viết trong nhật ký đâu, vì tôi nghĩ viết không thể hay bằng kể được.

Ở tuổi 90, cái tuổi mà người ta cần nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng tuổi già, nhưng được biết ông vẫn cặm cụi viết sách mỗi ngày?

- Nhờ giời, tôi ở tuổi 90 rồi nhưng đầu óc tôi vẫn minh mẫn lắm. Hiện tôi đang làm cuốn sách cuối đời mang tên: “Âm nhạc dân gian các dân tộc Việt Nam”. Chỉ đơn giản vậy thôi. Những công việc đó như máu chảy trong người rồi, không bao giờ tôi nghĩ rằng nên thế nào đối với nó. Nói thì có vẻ là siêu hình nhưng nó là tôi, tôi không có nó tôi cảm thấy là tôi vô dụng.

Trân trọng cảm ơn GS!

Người nghiên cứu đầu tiên phải thâm nhập cuộc sống thì mới hiểu được cặn kẽ văn hóa, còn nếu chỉ mang máy đến ghi hình, ghi âm bài hát thì anh chỉ có bài hát chứ không có văn hóa, bản chất của nó, sẽ không giải thích được vì sao hát thế này không hát thế kia. Nhưng đội ngũ nghiên cứu văn hóa dân gian ở nước ta đã ít lại còn san bán, nhiều người nửa nọ nửa kia, không chuyên vì họ phải làm việc, lo cho đời sống cơm áo gạo tiền. Nếu ở các đơn vị nghiên cứu, có đề án thì còn có kinh phí nhưng ít nơi có được điều kiện như vậy. Vì vậy người đắm đuối với văn hóa dân gian ngày càng ít đi, không còn mấy người nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    GS Tô Ngọc Thanh: Tận hiến cho văn hóa dân gian

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO