Gùi cây lúa nước lên non

Quảng Nghĩa 02/08/2021 06:00

Lần đầu tiên trong ngôi nhà sàn, 13 hộ người Mày, người Khùa ở xã Trọng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) phấn khởi cất đặt cẩn thận những tạ lúa do chính tay mình trồng và thu hoạch. Cuộc sống của người dân ở bản Dộ-Tà Vờng đang đổi thay khi cây lúa nước được gùi lên non đã mang lại niềm vui, mang lại nguồn lương thực để đồng bào dân tộc xóa đói giảm nghèo.

Người dân bản Dộ-Tà Vờng vui mừng bên những ruộng lúa nước được mùa.

Từ cầm tay chỉ việc

Đồng bào dân tộc thiểu số người Mày, người Khùa ở xã Trọng Hóa bao đời nay vốn quen trồng lúa rẫy bằng phương thức “phát, đốt, cốt, trỉa” theo kiểu nhờ trời. Những năm mưa thuận gió hòa, lúa rẫy được mùa thì bà con đủ ăn được khoảng nửa năm. Những khi thời tiết hạn hán, bão lũ, công phát rẫy cả năm của bà con trở thành “công dã tràng”; cái đói, cái nghèo vì thế mà cứ đeo bám mãi người dân xã Trọng Hóa.

Và để từng bước làm thay đổi nhận thức, tư duy của đồng bào dân tộc ở các bản vùng biên giới rẻo cao trong phát triển sản xuất, từ năm 2020, Ủy ban MTTQ huyện Minh Hóa (Quảng Bình) phối hợp với Phòng Dân tộc, Đồn Biên phòng Ra Mai và xã Trọng Hóa thực hiện mô hình trồng lúa nước ở bản Dộ - Tà Vờng.

Ông Đinh Hồng Sâm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Minh Hóa cho biết: Trước khi triển khai thực hiện mô hình, Ủy ban MTTQ huyện Minh Hóa và Mặt trận xã Trọng Hóa đã đến vận động gia đình ông Hồ Khiên, một người có uy tín ở bản Dộ-Tà Vờng để trồng thử nghiệm mô hình lúa nước bậc thang bên sườn đồi. Thời gian đầu, ông Khiên cũng lo lắng lắm, bởi ông chưa biết trồng lúa nước như thế nào? Kỹ thuật, ngâm, ủ giống, làm đất ra sao, ông đều chưa biết?

Từ sự kiên trì vận động, cầm tay chỉ dẫn của cán bộ Mặt trận huyện, chiến sĩ đồn Biên phòng và các đơn vị, đoàn thể liên quan về kỹ thuật, lợi ích của việc trồng lúa nước, nhất là dẫn ông Khiên đi tham quan thực tế trồng lúa nước ở triền đồi tại một số địa phương khác đã thôi thúc gia đình ông tiên phong thực hiện.

Ngày khai hoang diện tích đất để đắp bờ, tạo mặt bằng, các đơn vị, đoàn thể ở huyện Minh Hóa, nhất là đồn Biên phòng Ra Mai đã huy động máy móc, nhân lực giúp ông Khiên làm thành những ô, thửa ruộng đẹp mắt; đồng thời hỗ trợ giống lúa, phân bón để giúp gia đình ông gieo trồng lúa nước trên ruộng bậc thang.

Ông Khiên chia sẻ: Xem tivi thấy ở vùng miền núi phía bắc, và nhiều địa phương khác ở Quảng Bình cũng đã trồng lúa nước ở ruộng bậc thang nên tôi cứ suy nghĩ vùng đồi thoai thoải ở bản mình cũng có thể trồng được.

“Kể từ khi được cán bộ Mặt trận vận động, cán bộ Đồn Biên phòng và UBND xã hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước, tôi càng tự tin hơn để thực hiện. Tôi tự mình ngâm, ủ giống rồi đưa vào gieo sạ. Ngày nào tôi cũng có mặt ở ruộng để dẫn nước, theo dõi sự phát triển của cây lúa. Khi ruộng lúa nước phát triển xanh tốt, bà con kéo nhau đến xem, tôi mừng lắm. Bởi không chỉ sau 3 tháng gieo trồng, ruộng lúa chín vàng, hạt nặng trĩu bông, hứa hẹn một mùa vụ bội thu mà còn là cái “thấy tận mắt, cầm tận tay” để bà con dân bản cùng làm theo - bắt đầu học kỹ thuật trồng lúa nước”, ông Khiên nói.

Đến ruộng lúa vàng ấm no

Từ thành công của mô hình lúa nước đầu tiên, được sự chấp thuận, hỗ trợ tối đa của UBND, Ủy ban MTTQ huyện Minh Hóa, xã Trọng Hóa đã xây dựng đề án, nhân rộng mô hình. Theo đó, vụ đông-xuân 2020-2021, diện tích ruộng bậc thang ở xã Trọng Hóa đã được tăng lên 26 sào (tương đương 1,3ha) với 13 hộ đồng bào người Khùa, người Mày ở 2 bản Dộ-Tà Vờng và K Oóc tham gia thực hiện.

Ngày tháng kiên trì, đất không phụ công người, lần đầu tiên 13 hộ người Mày, người Khùa đã tự tay cầm liềm thu về những hạt lúa chắc mẩy từ thửa ruộng bậc thang của mình với năng suất ước tính đạt trên 50tạ/ha.

Ông Khiên tự hào: “Chưa bao giờ tôi thấy bản làng cũng như đời sống của bà con có sự đổi thay đổi lớn như hôm nay. Từ cuộc sống phụ thuộc vào việc trồng lúa rẫy bấp bênh, hiện nay, bà con đã biết trồng lúa nước, chăn nuôi thêm con bò, con dê nên cuộc sống dần ổn định. Con cháu trong bản đều được đến trường học cái chữ… Vì vậy, bà con trong bản rất phấn khởi và luôn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo đúng đắn của Ðảng, Nhà nước”.

Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa Hồ Thị Thoi cho hay, từ chỗ luôn có tư tưởng “trông chờ ỷ lại” vào sự trợ cấp của Nhà nước, những năm gần đây, đồng bào DTTS ở xã Trọng Hóa đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách làm, đã biết tự thân vận động, hăng hái lao động, sản xuất.

Đặc biệt, với sự hỗ trợ vốn, kỹ thuật của Nhà nước, hầu hết đồng bào DTTS ở xã Trọng Hóa đã biết trồng rừng kinh tế, chăn nuôi bò, dê; nhất là trồng cây lúa nước ở các địa bàn vùng đồi để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gùi cây lúa nước lên non

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO